Số ra ngày 01/01/2019: Sinh Hoạt & Đổi Mới |
tản mạn | |
Thơ Đề Tại Huệ Anh Đường | |
THƠ ĐỀ Ở HUỆ ANH ĐƯỜNG Hôm xưa, khi vừa đến định cư ở Mỹ, tôi đã chú ý tới mấy “người làm thơ nhiều nhất”, tức là những thi sĩ có số lượng thơ đăng quá tải trên hầu hết các báo Việt Ngữ ở Hoa Kỳ, từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam, không một tiểu bang nào có báo Việt, mà không có thơ của các vị ấy, gần như trên 90% các tờ báo của Việt Nam hải ngoại. Hai thi sĩ thời danh là Hà Huyền Chi (làm thơ từ trước 1975 ở VN) và Trần Vấn Lệ, người tôi mới được đọc ở Hoa Kỳ, từ nhưng ngày mới đến (cuối năm 1991). Với thơ của họ Hà (thật ra ông họ Đặng) thì kể như đã đi vào thi sử Việt Nam hậu bán thế kỷ thứ 20 qua những tác phẩm xuất bản từ ở trong nước, và liên tiếp ở hải ngoại sau 1975 tới nay rồi. Còn Trần Vấn Lệ, quả là thi sĩ của Việt Nam hải ngoại. Họ Trần có giọng thơ bi hùng, tạo nên vẻ hỗ tương, hay là sự mâu thuẫn của chính tâm hồn. Cũng có thể nói thơ Trần Vấn Lệ ở hải ngoại giống như những nét kỷ hà của xã hội, vừa hài hòa cuộc sống, vừa nổi bật những nét đặc thù riêng. Ít lâu sau, tôi được biết một người làm thơ cũng khá nhiệt tình qua những bài báo giới thiệu thơ ông, nhưng ông lại ít đăng thơ hơn hai tác giả nêu trên, mà, đã liên tiếp xuất bản thi phẩm đều đặn như những đứa con của một phụ nữ mắn đẻ, được sinh ra năm một, hay chậm lắm cũng ba năm đôi tác phẩm để đời, đó là những cuốn thơ của một nhà thơ trọng tuổi: Dương Huệ Anh. Sự thực thì ở Việt Nam trước 1975, tôi chưa được hân hạnh nghe tiếng ông, có thể là lỗi của tôi, không theo sát các trường phái thơ, cùng những dòng thơ riêng lẻ trước 75, một phần bị bận rộn, một phần cũng hơi thiên kiến, chỉ chú tâm đến các thi sĩ đã lừng danh, và đọc thơ của họ như ngắm những bức hoành phi, câu đối trong ngôi từ đương, không chịu để ý đến hàng vạn thiệp hoa treo quanh vườn thơ muôn sắc ngoài đời. Nhưng rồi cuộc đổi đời sau 30/4/75, đã khiến mọi người thuộc bất cứ ngành nghề nào, có dịp tự mình suy ngẫm cái ngã của mình, và soi ngắm chuyện gần, xa, đã thấy được một số vấn đề không hoặc chưa cập nhật hóa, tức là có vẻ hơi bước chậm hơn đà tiến hóa của thơ VN lâu nay… Điều đó đã khiến tôi phải biết được là: có rất nhiều, rất nhiều thi sĩ ở Chốn Buị Hồng này. Chẳng những rất nhiều thi sĩ, mà còn rất nhiều thi sĩ làm thơ nhanh như máy tính điện tử, và cũng chất lượng như máy móc tinh vi của máy tính điện tử thời nay. Nhà thơ Dương Huệ Anh được kể là một trong số quý vị thời danh có tốc độ làm thơ quen tay, đến có thể ví như một người lái xe giỏi trên đường trường thiên lý. Những bảng cấm, chông gai, vòng núi, eo biển v.v... vừa hiện ra, trong chớp mắt, người lái xe vận chuyển tay lái tức thì, thì thi sĩ Dương Huệ Anh cũng vậy, vận dụng ngay sự việc trước mặt, để biến nó thành thơ Dương Huệ Anh: cảm giác từ TV, báo, dư luận, thời sự, gặp gỡ, tự thuật v.v... Tôi vừa được nhà thơ họ Dương gởi tặng cuốn Tổng Tập I Thơ Dương Huệ Anh do nhà xuất bản Phương Đông ấn hành, dày như một cuốn tự điển cỡ vừa, nên tác giả và nhà xuất bản đã không tiện đề giá, dòng ấn phí được để trống chữ... US dollars, sự việc này lại cho thấy nhà thơ Dương Huệ Anh không máy móc tâm hồn, mà quả là “thi sĩ” đến tận cùng bằng số, khiến khách yêu thơ, và nhất là những người làm thơ phải ngẩn ngơ. Vì, như thế, có nghĩa là thơ Dương Huệ Anh đã chỉ muốn in ra, để bốn bể thơ chung một nhịp cầu, gởi đến thân bằng, quyến thuộc, tri âm, tri kỷ, khách mộ điệu... kho tàng thơ của ông, và sẽ còn tái xuất...bản các Tổng Tập II, Tổng Tập III v.v... như giới thiệu ở bìa sau cuốn Tổng Tập I nữa vậy. Dương Huệ Anh không phải mới làm thơ ở hải ngoại, theo cách hiểu thông thường của người tỵ nạn là làm thơ sau 1975, mà ông đã có in thơ từ năm 1955, tập thơ Xanh, cùng một cuốn sách viết về “Tâm Lý phụ nữ qua phong dao”, năm 1959. Rồi thì bẵng đi cả một thời gian dài 36 năm, tuy không ra sách, nhưng vẫn có làm thơ, tuy không có trình làng (làng văn, làng báo) nhưng vẫn sửa sang vần điệu, vì thế, những tích lũy hàng chục năm xưa, đã một lúc như nước vỡ bờ, Dương Huệ Anh đã có điều kiện kể cả về nguyên liệu (thơ) lẫn phương tiện (tài chánh) để mà liên tiếp cho ra đời những đứa con tinh thần ở Hoa Kỳ như : - Huyền Ca Diễm Ảnh 1 và 2 (thơ) 1991; - Quê Hương Vĩnh Cửu Tình Yêu (thơ) 1992; - Đường Nào Có Hoa Đào (thơ) 1993; -Tha Hương Mười Tám Năm Sầu Có Ai (thơ) 1993;- Thuốc Đông Y Cần Yếu (sưu khảo) 1994… Với 36 năm dài, gồm: 20 năm ở quốc nội (1955-1975), và 16 năm ở hải ngoại (1975-1991), nhà thơ Dương Huệ Anh đã bận rộn gì (?) đến nỗi quên cả Nàng thơ và Làng thơ ? Xin thưa, 20 năm ở quốc nội, trước 75, nhà thơ mãi làm thuốc Đông y. Khách sùng thượng văn học cổ truyền, không ai là không biết đến cái điều những bậc đại phu thường diễn giải bệnh bằng những vần thơ, ngay cả tên thuốc cũng đã tự nó mang hồn thơ, âm hưởng thơ, hay là thuốc Đông y vốn đầy chất liệu thi ca diễm tuyệt rồi. Thí dụ : - Hoa bồ công anh (loại hoa cỏ màu vàng, cần hoa vươn cao thanh tú); - Kê cốt thảo (cỏ xương gà); - Xuyên tâm liên (vị thuốc được dùng như trụ sinh) Từ đó, thơ đã được tiềm ẩn trong tâm hồn vị đại phu khả kính Dương Huệ Anh, huống chi phải có một số vốn chữ Hán để tham khảo sách thuốc Tàu và kê toa thuốc Bắc, hẳn họ Dương có dịp sưu tầm thi ca Trung Quốc, nên, chuyện xây dựng cái nền cho một lầu thơ không có gì khó khăn với đại phu Dương Huệ Anh cả.Thêm 16 năm ở hải ngoại, sau 1975, tính tới ngày ra tác phẩm ở quê người, quả là một tiến trình tha hương đầy kinh nghiệm của nhà thơ gốc lương y. Sau khi đi cải tạo về, tôi có thời gian theo học vài lớp Toa căn bản Đông y ở Viện Y Dược học Dân Tộc thành phố Sàigòn, tuy rất sơ đẳng, nhưng đã cảm thấy khó khăn, bởi, từ cõi sống đi tìm hiểu... cõi chết (Toa Đông y chuyên dùng từ ngữ Trung Hoa), nay nhà thơ Dương Huệ Anh, trước 75, đã quen với những Xuyên, Khung, Thục, Thược, rồi lục vị, bát trân, thập toàn đại bổ v.v... giờ ông đại phu phải tạm biệt dao cầu, để bắt kịp cuộc hội nhập khó gấp vạn lần kê toa, bốc thuốc (cứ tạm xem như thế đã), là cuộc phấn đấu tự làm cho mình đứng vững trên đôi bàn chân ở một mặt phẳng được thả trôi nghiêng trong không gian, như làm xiếc cho chính mình xem, ấy là Dương Huệ Anh với bộn bề công việc mưu sinh ở xứ người vừa lạ huơ, lạ hoắc, vừa văn minh đến lóa cả mắt, nào là học sinh ngữ (Anh văn) để diễn tả cho chung quanh biết mình muốn gì, vì không thể cất giọng êm ái xưa kia: tử (con) tôn (cháu) lục (sáu) tam (ba) gia (nhà) quốc (nước) v.v... được nữa, Mỹ sẽ hỏi : “What did you say?” và ông phải tự đẩy lui về phía sau, cho người khác tiến lên ngay. Nên chi, đại phu Dương Huệ Anh đã học tiếng Mỹ ráo riết, đến nỗi vài năm sau ngày 30/4/75 ấy, ông sớm trở thành một worker, rồi cảm thấy worker chưa ngon về mặt tiền bạc, nên ông đã một lúc học tới 2, 3 nghề, để mở 2, 3 shops thời đại, như các dịch vụ mua bán nhà cửa, cho vay mượn tiền v.v...Và, cuối cùng thì, thi sĩ Dương Huệ Anh đã có nhà cao cửa rộng ở Hoa Kỳ, với giàn con cháu từng bước hội nhập vững vàng, kỹ càng, ăn nên làm ra, như cư dân các dân tộc khác đến USA lập nghiệp lâu đời rồi. Khi đã hòa lẫn được cái tôi vào giữa thế giới của chúng ta, cùng “các bạn”, một khoảng cách còn lại trong con người di dân, vẫn nhìn quốc gia bạn như một xã hội riêng của họ, dù đã có tên tuổi và quốc tịch như “các bạn” Hoa Kỳ chính tông, thì tôi vẫn là tôi, Đông Phương, nơi chân trời huyền bí có Hoa Đà, Biển Thước, với Giả Đảo, Thôi Hộ gần gụi với đại phu VN một thời do đó, Dương Huệ Anh lại vạch sương, rẽ tuyết trở về điểm xuất phát, như các thi sĩ thường nói đi và về giống nhau. Họ Dương lại treo bảng hiệu “Huệ Anh Đường” tôi tạm đặt tên cho tiệm thuốc Bắc của nhà thơ ở Thung Lũng Hoa Vàng, biết đâu đại phu đã Mỹ hóa danh hiệu của người là Holly’s pharmacy cùng hình ảnh những cây ô rô hoang dại chăng? Tuy nhiên, với tôi, một người thuộc thế hệ đến Mỹ sau, qua hồi ký của doanh gia Trần Dũ, vị chủ nhân 3, 4 cái chợ ở Nam Cali, thú thiệt tôi chẳng theo đó áp dụng cho mình được việc gì, ngoài sự “biết vậy” chứ không phải dễ làm, dễ ăn như vị chủ chợ đó đươc. Song, qua bài thơ “Hai mươi năm lưu vong, kể chuyện mình” trong Tổng Tập I thơ Dương Huệ Anh, tôi thấy chỉ với 26 đoạn tứ tuyệt, gồm 104 câu thơ 7 chữ, mà nói lên được tất cả sinh hoạt của một người tỵ nạn đầy nghị lực và thiện chí xây dựng lại cuộc đời mình. Từ lúc: ... Bảy mươi lăm... tháng tư, ba mươi Bỏ nước ra đi... muốn khóc vùi Ngơ ngác một bầy, con với bố Vợ còm, quên vẽ mặt, tô môi ... Ngày đầu mong xuất trại cho mau Cái khó? - Làm gì, biết ở đâu ? Ngoại ngữ chưa thông, lo kiếm job Xe chưa biết lái - học còn lâu (Dương Huệ Anh) Rồi nhà thơ quyết chí học gấp 2, 3 chỗ, tuy tuổi đã bị chê là “lão”, đại phu vẫn trì chí : Năm sau, dọn xuống San Hô Jê (San Jose) Học gấp 2, 3 chỗ, chán ghê Lúc nhúc bố con, xe một chuyến Chạy nhà ổ chuột, mượn người thuê (Dương Huệ Anh) Đã thế, ông cương quyết bỏ Welfare, để đi làm thợ điện, nhưng lại mua được nhà loại rẻ, tậu thêm xe cho con cái đi học (năm 78). Và, chỉ trong vòng 4 năm xa xứ thôi (75-79), đại phu Dương Huệ Anh đã an cư lạc nghiệp, bấy giờ trong bộ óc bận rộn vì tính toán cho cuộc sống đã xuất hiện hồn thơ, lại nhớ “cố nhân”, bắt đầu ướt át tình cảm: An cư lạc nghiệp - bốn năm sau Thơ bỏ đi rồi, bạn ở đâu? Người cũ nổi trôi bờ bến lạ Thư không địa chỉ, gợi niềm đau... (Dương Huệ Anh) Rồi, chân trời mở rộng, với những chuyến đi chơi xa Paris (Pháp) 1980, Toronto (Canada) 1985, và hàng loạt các nơi mà đại phu xưa muốn đến, tôi gọi “đại phu xưa”, vì sau này đại phu Dương Huệ Anh đã trở thành một nhân vật tháo vát, tiên tiến, tiện nghi như người bản xứ, có thể còn hơn nữa, vì ông đã có một cuộc sống vừa vật chất vừa tinh thần dư dả, lại biết thụ hưởng hơn người địa phương, là biết sắp xếp công việc làm ăn, chăm sóc gia đình, để cuộc sống riêng tư của ông được thoải mái, tha hồ làm thơ và yêu những nàng thơ rải rác tứ phương một cách ung dung (qua thơ đề tặng họ ngay từ trang sách đầu tiên đến các bài thơ trẻ như những cuộc tình của chàng trai mới lớn, chứa đựng trong suốt bề dày cuốn Tổng Tập I thơ Dương Huệ Anh 1997, non nửa ngàn trang này). Tất nhiên, đó là quyền của thi sĩ, nếu không làm thơ cho chung, thì làm thơ cho riêng (mình), nhất là thơ, ai có quyền cấm, “tiện nội” của đại phu Dương Huệ Anh cũng được đề tặng ít bài, và, thế là quá đủ, với một nhà thơ lãng tử từ A đến Z mà vẫn luôn luôn nhớ tới vợ con mình. Tuy lãng tử vậy, mà Dương Huệ Anh vẫn biết tự cắt tỉa những hoa lá cành thừa thãi nơi các chậu kiểng đặt trong vườn thơ thi sĩ, hay nơi các khóm dược thảo đang được nuôi dưỡng tại khuôn viên phương dược của đại phu. Nhà thơ lương y Dương Huệ Anh quả là đa năng, đa hiệu. Điều đó nói lên được tính chất cởi mở của nhà thơ lương y không bảo thủ, cố chấp và tự tôn như một số nhà danh nho và danh y, có sở học cao, nhưng xem thường những gì mới lạ hiện hữu, luôn thúc thủ chờ ngày tháng qua đi với tư tưởng lỡ thời, lỡ vận của họ. Tổng Tập I thơ Dương Huệ Anh là một bước tiến khá dài có điều kiện, vì không phải ai cũng làm được, dù cũng có quý vị làm thơ nhiều bằng hoặc hơn thi sĩ Dương Huệ Anh, song le quý vị có thích và muốn xuất vốn ra in những tập thơ dày cộp đó, chỉ để tặng như nhà thơ Dương Huệ Anh, chứ đại phu Dương Huệ Anh còn có thể tiếp tục làm tiếp các tổng hợp 2, 3 trong thời gian sớm nhất sắp tới đây, đó là một thi sĩ biết sống cho thơ, vì thơ, yêu thơ trên cả mọi thứ. Và, nhờ thơ dư dả, đã xây được mộng cho ông thuở này. Vị đại phu nhập tịch làng thơ, ông đã có một chỗ ngồi rộng rãi, gấp 4 chiếc chiếu của các thi sĩ trong thiên hạ đang phải chen chúc trải chiếu của mình, hay có người còn phải ôm chiếc chiếu chờ xem có chỗ trống mới trải được (!), nhà thơ lương y Dương Huệ Anh thì lại thong dong trên 4 chiếu thơ của ông, một bình diện thơ khoảng khoát, rộng mênh mông như sa mạc cỏ phía chân trời diễm ảnh kia. Lawndale 11-5-1997 CAO MỴ NHÂN | |