Số ra ngày 01/01/2019: Sinh Hoạt & Đổi Mới |
trình bày/góp ý | |
Góp Ý Với NT Dương Huệ Anh - 2 | |
Góp Ý Với NT Dương Huệ Anh-2 Về Tha Hương 18 Năm Sầu Có Ai? Lê Nhật Thăng 1- Đây là thi phẩm thứ năm của Dương Huệ Anh do Phương Đông xuất bản năm 1993, sau Thơ Xanh (1955), Huyền Ca Diễm Ảnh (1991), Quê Hương Vĩnh Cửu Tình Yêu (1992) và Đường Nào Có Hoa Đào (1993). Ngoài ra, ông còn cuốn sách khảo luận, ấn hành năm 1959 mang tên Tâm Lý Phụ Nữ Qua Phong Dao. (Tôi tính Huyền Ca Diễm Ảnh 2 tập thành 1 tập). Ông cho biết sẽ lần lượt đưa ra mắt Gót Ngọc Quan Âm Lấm Bụi Trần (thơ), Thương Cả Trăm Hoa (thơ), Thi tuyển Dương Huệ Anh, Ba Trăm Vị Thuốc Đông Y Thông Dụng, Tìm Hiểu Đông Y và Tìm Hiểu Phật Học. Nhưng ông còn một số bút hiệu khác, trong đó có bút danh Thụy Cầm ký dưới những bài điểm sách hoặc viết về một tác giả nào đó. Trong Mấy Lời Tâm Sự, ông chân thành giãi bày: "... chủ đề thi tập nầy sẽ nặng về cảm nhận và tình cảm của tác giả - một người xa xứ - nơi đất khách, quê người, như câu thơ sau đây đã ghi lại gần trọn vẹn: Đất khách, vất vơ hồn sĩ hoạn “... tác giả muốn đem ngòi bút diễn tả lại những sự khắc khoải của con người, trước sự đổi thay của xã hội và cảnh cáo của thiên nhiên. Tác giả muốn đứng trên vị trí con người để nói về xã hội, về con người, với tất cả sự khôn ngoan và mê tối của họ, đã đưa xã hội đến tình trạng tuyệt vọng và chia rẽ hiện thời (chiến tranh, kỳ thị...)" 1-Huyền Ca Diễm Ảnh là một tập thơ tình, trong đó có tình yêu nam nữ là chủ đạo, khởi đi từ tuổi học trò. Những mối tình ấy đan dài trên nhiều tỉnh ở miền Bắc Việt Nam đã để lại nhiều dư hương phai loãng và dư vị đắng cay cho nhà thơ áo trắng thư sinh, viết vào những năm trước 1945, tức là ông đã làm thơ cũng thời kỳ với những thi nhân, nhà văn mà Hoài Thanh - Hoài Chân và Vũ Ngọc Phan đã đề cập. Một số bài khác viết trong giai đoạn sau cuộc di cư năm 1954 cho tới năm đầu dấn bước lưu ly nơi xứ người, song tâm hồn Dương Huệ Anh vẫn còn hầu như nguyên vẹn màu sắc tinh khôi thuở thiếu thời. Do đó, thơ của ông đầy ắp sức sống, nhiều thanh thoát, phóng khoáng và cũng không thiếu tính chất lạc quan, dù rằng trong những vần điệu thở than, buồn rầu cũng chẳng đi quá trớn, rơi vào vòng bi lụy, tuyệt vọng. 2- Quê Hương Vĩnh Cửu Tình Yêu không hẳn là một con đường thơ nối dài của Huyền Ca Diễm Ảnh. Tất nhiên ông cũng vượt thoát khỏi ảnh hưởng của những ngọn sóng của một dòng sông ngang trái, vẫn dạt dào sầu hận và chưa ra khỏi vườn tình có những đóa hoa tim rực rỡ, mà những nụ hồng có các gai nhọn đôi khi châm ông đến chảy máu. Thi phẩm nầy đã có những tiến bộ đáng kể về kỹ thuật dựng thơ, thể hiện rõ tính thời thế hơn, đậm đà hình ảnh xã hội hơn, chan hòa tư duy Phật giáo và dần dần hình thành ý niệm nhân bản. Tôi rất thích những bài thơ luật tám câu vững vàng và dịu nhẹ của ông. Thành công trong lối thơ chặt chẽ nầy không phải dễ dàng! 3- Nhưng phải đến Đường Nào Có Hoa Đào thì mới hiện lộ bản sắc của Dương Huệ Anh. Tâm tình ông nghiêng xuống "cõi tạm trần gian", biết bao từ ngữ chọn lọc thiết tha, tấm lòng ông hợp tấu cùng thiên nhiên bằng những tiết điệu, niêm vần nồng ấm... sự hướng thượng của ông đầy ắp cảm xúc rất thanh khiết đã đưa thi tập từ mức hình nhi hạ của đời thường lên cõi hình nhi thượng siêu nhiên. Ông viết bằng linh tưởng, quán thông cho nên đấy là các khối băng tâm của một miền thơ riêng biệt. Con suối hoa đào thần thoại giống như một nẻo xuyên sơn tới Thiên Thai của Lưu Nguyễn ngày nao đã nối kết từ một quá trình thi sử qua mấy nghìn năm văn học, thành một sợi chỉ hồng trong sự nghiệp thơ Dương Huệ Anh. Nó ràng buộc thơ với người thành một khối kỳ duyên thủy chung, son sắt và là một cuộc tình bất biến bằng văn chương chữ nghĩa thăng hoa, tạo nên nguồn vô hạn cảm cho độc giả. 4-Tha Hương Mười Tám Năm Sầu Có Ai? Đã rời bỏ cơn trường mộng để nhập thế. Tính chất hiện thực xã hội là kim chỉ nam của tác phẩm. Những bài thơ nầy không còn là những bức ký họa đơn sơ mà là những khắc họa trên tấm phù điêu bằng gỗ quý. Ông tạm xếp đôi cánh hạc để biến hình thành một con chim quyên bước xuống vùng đất lầm than, tất bật; trở nên một điêu khắc gia, khéo léo chạm trổ những đường nét gân guốc, chép trung thực những phương diện của đời sống tầm gửi nhiều biến ảo, đánh mất linh hồn của mình. Phải, Dương Huệ Anh đã là một thi sĩ tài hoa mà cũng là một người Việt Nam chân chính! Có điều chúng ta cần phân biệt ông kiên cường đấu tranh vì tự do, công bằng của con người nói chung. Những khối lượng ông ghi chép lại và nhưng dòng bày tỏ lòng mình trước những sự kiện đau buồn của đất nước và dân tộc, xin được coi như sự phản ánh của một ý thức yêu sự thật, tình thương yêu nhân loại và cũng bởi phẩm chất thẩm mỹ của người nghệ sĩ. 5- Những ai chưa từng gặp Dương Huệ Anh, chưa biết ông bận rộn thế nào trong 24 giờ mỗi ngày (như bài phóng bút ở trang 28) vì ông tham gia trong khá nhiều lãnh vục , ngoài nhưng quan hệ cá nhân. Ông là nhà hoạt động rất năng nổ, một người bạn vong niên chí thành và là thổ công của thung lũng hoa vàng. Ai muốn sử dụng quãng thời gian dừng lại nơi đây muốn gặp thật nhiều thi, văn hữu, hãy tìm đến ông. Ông sẵn sàng đưa bạn đến địa điểm bạn muốn, dẫu rằng ông không còn trẻ và bận nhiều chuyện. Bài thơ Tha Hương Mười Tám Năm Sầu Có Ai? trong trang 26 được chọn làm tên thi phẩm là một bài thơ sáu tám viết dễ hiểu kiểu văn vần, kể lại sự quan sát và tâm tình của ông sau gần 20 năm thân ở Mỹ mà hồn gửi cố hương, có “những câu tổng kết” như sau: ... dân nghèo thêm - mỗi mùa đông Đói cơm, thiếu áo, nhà không còn gì Đem cầm, bán - tuổi xuân thì Em yêu không giữ - cũng vì áo cơm. ...Trông ai lưu lạc phương trời Có gì hơn nhỉ? Lũ người xa quê ...Tóc xanh ơi, sớm bạc màu Tha hương mười tám năm sầu... có ai? Xin giới thiệu một bài tiêu biểu của ông: Cũng một ngày... như mọi ngày. Có gì khác lạ ngày hôm nay? Trái đất bình yên như mọi ngày Chim vẫn kêu và xe vẫn chạy Mặt trời mới mọc, mây còn bay... Cũng một ngày thôi, như mọi ngày Một vòng trái lửa, địa cầu quây Thứ hai, thứ sáu, tên người đặt Như núi sông... và như cỏ cây... Như đất trời, như những chuyện đời Thương... yêu khóe hạnh với bờ môi Thiên đường, địa ngục do mình cả Xấu tốt, giả chân... cũng ở người Thực tướng hay là ảo tưởng thôi? Trong cơn mê kẻ khóc, người cười Phải chăng tùy cảnh, tùy duyên phận? Sóng cả, bèo thương kiếp nổi trôi. Cũng một ngày thôi, như mọi ngày Ngàn trùng tâm sự gửi mây bay Thả hồn về chốn vô ưu... với Suốt hát, hoa đàn, mộng gối tay... Lê Nhật Thăng - Hà Trung Yên | |