Số ra ngày 01/01/2019: Sinh Hoạt & Đổi Mới |
trình bày/góp ý | |
Trần Vấn Lệ Với Dương Huệ Anh:Nhà Thơ Ấy Đàn Bà Hay Đàn Ông... | |
Tiếp tuc phần giới thiệu những bài viết về nhà thơ Dương Huệ Anh, BBT xin trích đăng một bài của thi sĩ Trần Vấn Lệ, dưới bút hiệu Trần Trung Thuần. Xin chân thành cảm ơn quí độc giả.19/10/2017. TrầnVấnLệVớiDươngHuệAnh: Nhà Thơ ấy đàn bà hay đàn ông, trẻ hay già? Trước đây, hơn sáu tháng, hồi đó là cuối năm 1991, tôi có tình cờ được đọc một tập thơ nhỏ nhắn, xinh xắn và dễ thương. Nhan đề của tập thơ ấy: “Huyền Ca Diễm Ảnh”, tác giả là Dương Huệ Anh. Tên nhà xuất bản vừa dài vừa ngộ: Trung Tâm Nghiên Cứu Học Thuật và Đông Y. Năm xuất bản: 1991. Tập thơ, không có vẻ gì là một tập thơ được in tại Mỹ. Tôi lật từng trang một để xem tập thơ được in ở đâu, hoàn toàn không một dấu vết nào để tôi biết được nguồn gốc của nó. Tôi thật tình không đoán được tác giả là đàn ông hay đàn bà, trẻ hay già. Cái tên Dương Huệ Anh như tên... một nữ sĩ. Nhưng ở trang 94, tôi thấy ghi tiểu sử “rất mơ hồ” như sau: Sơ lược tiểu sử tác gia:- Sinh tại Hải Phòng (Bắc Việt Nam) - Nguyên quán Nam Định - Xu hướng văn học từ nhỏ - Cộng tác với nhật báo Tin Mới, Đông Pháp và các tuần báo tại miền Bắc - Dạy học tại một số tư thục tại Hà Nội, Hải Phòng - Trước tác một số tác phẩm như Tâm Lý Phụ Nữ Việt Nam Qua Phong Dao, Thơ Xanh - Tốt nghiệp Trường Chuyên Nghiệp Hành Chính và tham gia ngành công chức - Di chuyển từ miền Bắc vào Nam năm 1955 - Lưu lạc qua Mỹ năm 1975 - Tiếp tục sáng tác và biên khảo - Chủ trương Trung Tâm Nghiên Cứu Học Thuật và Đông Y- Hiện hoạt động trong ngành địa ốc, bảo hiểm, thuế vụ - Dự định xuất bản các tác phẩm: Tìm hiểu về Đông y, Mệnh số học, Phật học, Dịch học... Thú thật, trong đời đọc sách của tôi, chưa bao giờ như lúc tôi cầm tập thơ “Huyền Ca Diễm Ảnh” trên tay, tôi ngẩn ngơ. Tôi tưởng mình ở một thế giới nào đó, mọi lý lịch đều bị xóa bỏ, cái hình nắng rọi không có bóng, cái bóng gì đó, thấy kia, không phải cái hình Dương Huệ Anh! Tôi gọi lên, thảng thốt, như người mộng du. Trong tiểu sử sơ lược của tác giả càng làm cho tôi thêm bối rối: đàn ông hay đàn bà? Đàn ông chắc hơn vì có tham gia kháng Pháp, có làm công chức, đang hoạt động trong ngành địa ốc, bảo hiểm, thuế vụ... chỉ có hai điều tôi xác định được tác giả: thứ nhất là tác giả không còn trẻ nữa, thứ hai là tác giả đang ở Mỹ, vì câu “lưu lạc qua Mỹ năm 1975. Tôi vẫn chưa thể nói Dương Huệ Anh là đàn ông hay đàn bà. Đàn bà cũng tham gia kháng chiến chớ! Đàn bà cũng khối người làm công chức đó! Đàn bà thiếu chi người đang hoạt động trong ngành địa ốc, bảo hiểm, thuế vụ ở Mỹ nầy! Đàn bà cũng có người là bác sĩ tây y, cũng có người là bác sĩ đông y...Ôi! tôi muốn điên cái đầu! Tập thơ chưa đọc chữ nào, lật hoài, cốt tìm cái “hình thức” trước, tìm không thấy nó, bừng bực làm sao ấy... Rồi lại giận mình, sao lại lẩn thẩn làm vậy, thấy thơ không chịu đọc, cứ đi tìm người chi cho mệt! Giận mình, rồi trách mình, rồi tha thứ cho mình... để đi vào cái “nội dung” của tập “Huyền Ca Diễm Ảnh.” Hồi đó, tức cách nay hơn sáu tháng, tôi đọc “Huyền Ca Diễm Ảnh”, thấy nó hay, bây giờ nhân nói về tác giả Dương Huệ Anh, nhà thơ ấy đàn ông hay đàn bà, trẻ hay già, tôi giở lại, đọc lại, thấy vẫn là thơ hay... Một nhận xét đơn sơ và tôi nghĩ rằng rất đúng đối với tác phẩm của Dương Huệ Anh. Nhưng có một tin mừng – tôi phải nói thêm, nhà thơ Dương Huệ Anh vừa cho ra đời một thi tập thứ hai: “Quê Hương Vĩnh Cửu Tình Yêu”. Không như lần trước, lần nầy tôi được tác giả đích thân đi tìm gặp và trao tặng. Bạn hãy nghĩ: một người già đem gan ruột mình làm quà cho một người trẻ, trẻ bằng tuổi con cháu, “Tình” biết bao nhiêu! Nghĩa là... tôi xin nói trắng ra rằng tôi đã gặp được tác giả “Huyền Ca Diễm Ảnh” bằng xương bằng thịt. Một ông già phương phi mà đạo mạo. Một con người không kiểu cách, không cao ngạo. Rất hiền. Rất đẹp. Và cũng rất thơ... như cái tên: Dương Huệ Anh! Tôi viết thì tôi gọi Dương Huệ Anh bằng ông, nhưng khi nói chuyện với nhau, tôi gọi bằng bác và tôi xưng cháu. Tôi có nói với ông, tôi người miền Nam, người miền Nam kính lão thì gọi là ông, bà chứ không dám gọi những bằng cụ, sợ lắm. Cụ. Nếu viết rồi chấm, thấy nó kỳ hết sức. Thường những ông già trong Nam, hồi xưa, đều là những người hay chữ, truyền đạt lại những hiểu biết của mình cho con cháu hay học trò, người nhỏ tuổi và cha mẹ của chúng cho các ông ấy là bậc thầy và gọi một cách tôn kính là “ông”, như ông Đồ Nguyễn Đình Chiểu. Không ai dám gọi là cụ Đồ Chiểu cả. Vả lại, người Nam hay bị cái mặc cảm là tiếng Việt hay nói lái, mà nói lái kỳ chết, mắc cỡ lắm, xấu hổ lắm! Cũng vì cái tật nói lái mà hồi làm Tổng Thống “độc cử”, ông Thiệu mắng các nhà trí thức là “đồ trí thức chồn lùi”, nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh phải nhắc khéo bằng tiếng Tây là “renard arrière”. Nghe tôi nói, ông Dương Huệ Anh không giận trái lại... còn cho tôi nói như thế là “sáng tạo”. Thời đại chúng ta hiện nay là thời mới, chúng ta cứ nệ cổ quá, e lạc hậu đi mất! Tôi tào lao hơi nhiều, chẳng qua là mong chuốc cho bạn đọc một trận cười. Đờì sống là một “trò đời”. Người làm thơ, hơn ai hết, đóng tốt vai trò đó... vượt cả những anh hề trên sân khấu. Nhớ lại Nguyễn Công Trứ, lúc bảy mươi ba rồi nằm bên cô ca nhi nhí, nàng hỏi chàng bao nhiêu tuổi, chàng đáp gọn ơ “Ngủ thập niên tiền, ngã nhị thập tam” (năm mươi năm trước, anh mới có hai mươi ba tuổi!) Ôi là là! Trẻ như chàng gà trống tơ! Tôi dài dòng, cốt ý giới thiệu với bạn đọc một nhà thơ năm nay gần “thất thập cổ lai hi” mà vẫn trẻ như trai hồi ba mươi vậy. Đúng vậy, ông Dương Huệ Anh hiện còn rất trẻ. Theo sự “dò tìm” qua các bài viết của bằng hữu, có in trong tập “Quê Hương Vĩnh Cửu Tình Yêu”, tôi biết tên tuổi của nhà thơ qua bài thơ “Giận Đời, Chiều Đời” có mấy câu nầy: “...Bấm đốt, ba tư tuổi chẵn rồi Nằm dài lo nghĩ vẩn vơ chơi...” Hơn sáu tháng trước, tôi muốn “tầm phào” về tập thơ “Huyền Ca Diễm Ảnh”, nhưng vì thiếu mấy “yếu tố con người tác giả”, tôi đành gác lại, không hẹn ngày mai nào... Bây giờ, có thêm tập thơ thứ hai, thấy rõ “dung nhan”, biết được “tuổi tác” tác giả, tôi nghĩ rằng mình không nên chần chờ làm chi nữa. Đời sống kéo dài có bao lâu, tôi năm mươi rồi, gặp thơ hay, gặp người thơ đẹp, không nói, đợi mai chiều trối trăng có ai nghe? Bạn ạ, thơ của Dương Huệ Anh xứng đáng với niềm mong đợi của bạn lắm nhé. Dương Huệ Anh hình như có sở trường về thơ tình – tình tự rất dễ thương, tình tứ rất trong sáng và đặc biệt tình ý rất nhu hòa. Đây, tôi xin dẫn ra vài câu trong tập “Huyền Ca Diễm Ảnh”: “...Em phải nguồn hy vọng cuối cùng Của lòng tôi nguyện, mỗi chiều đông? Em nghèo, tôi hiểu và tôi nữa Nào có gì hơn một tấm lòng! (Em của anh rồi.) Gặp nhau phượng nở cuối mùa Thềm hoang cúi đợi, mưa đùa gió bay Bềnh bồng, suối tóc vờn mây Trinh ngần. Ôi! Những bàn tay thon ngà Hồ trầm còn lặng thu ba Đôi bờ, sao vẫn cách xa nghìn trùng Không duyên, tiếc đã tương phùng Không quen, đến phút cuối cùng... không quên. (Gặp nhau, phượng nở) Ngày xưa còn nhỏ tôi mê bướm Bướm mãi theo hoa, chẳng đoái hoài Vườn Thượng, trăm hoa cười nắng sớm Yêu kiều, tôi nhớ một mình mai... (Nhớ một mình mai) Và đây, tôi xin dẫn ra vài câu trong tập “Quê Hương Vĩnh Cửu Tình Yêu”: Ta khách sông hồ, em viễn phương Có chi lưu luyến để sầu vương Không hò không hẹn, không chờ đợi Bạn một đêm mà cũng nhớ thương (Bạn một đêm) Tóc xanh nói chuyện yêu đương Bạc đầu, ta vẫn hoài thương... một người! Quê hương cách mấy trùng khơi Cố nhân xa vạn sông trời biển mây (Ngẫu hứng) Đó, tôi xin “trình” với bạn những câu thơ “mềm nhũn” của Dương Huệ Anh. Bạn có thể thấy những câu mang một “tâm tưởng” như thế bàng bạc trong năm mươi bảy bài của tập “Huyền Ca Diễm Ảnh” và bốn mươi bốn bài của tập “Quê Hương Vĩnh Cửu Tình Yêu”. Trong vòng hai năm 1991, 1992, Dương Huệ Anh cho ra đời hai tác phẩm rất diễm tình vì nó mang đầy đủ tính chất thơ diễm lệ. Có nhiều bài làm cách nay năm, mười năm. Đa số là các bài mới làm trong hai ba năm nay. Điều “ngộ” là những bài làm hồi ba mươi tuổi hơn lại... già hơn những bài lúc tuổi ngoài sáu mươi. Với Dương Huệ Anh, thơ tình là đáng kể và đáng nói, đáng nên làm. Ông bảo rằng Nguyễn Công Trứ từng đặt vấn đề về tình yêu rất chí lý: “Cái tình là cái chi chi Mà nó giục được người thiên cổ dậy.” Thế mới thấy chữ tình hệ trọng là phần nào đối với đời sống của con người! Thơ là một con thuyền chuyên chở nhân sinh quan. Thơ cũng là văn. Tình Yêu là Lẽ Đạo của con người. Văn dĩ tải đạo, đúng thay! Câu hỏi tôi đặt ra. Dương Huệ Anh, nhà thơ ấy đàn bà hay đàn ông, già hay trẻ? Tôi đã tìm hiểu con người và tấm lòng Dương Huệ Anh thấy qua đôi lần tiếp cận trong đời và trong thơ, xin trả lời cho bạn biết: - Dương Huệ Anh, nhà thơ ấy đàn ông. - Dương Huệ Anh, nhà thơ ấy đã già. Nhưng bạn ơi, ai cấm chúng ta mường tượng, trong vòng tay một người đàn ông không cần thiết tuổi, có hình ảnh một người đàn bà khả ái... đó là Nàng Thơ! Và tới đây, câu hỏi nào có đặt ra nữa là của bạn... về một nhà thơ, về những cuốn thơ của người ấy. Trần Trung Thuần | |