Số ra ngày 01/01/2019: Sinh Hoạt & Đổi Mới |
thơ | |
Những Bài Thơ Được Ưa Chuộng của Dương Huệ Anh | |
Dương Huệ Anh là một văn nghệ sĩ đa năng, có mặt trong nhiều bộ môn: Thơ, Văn, Nghiên Cứu, Nhạc, Truyện, Ký...Theo các bạn thân cho biết, ông là một người có số lượng thơ sáng tác nhiều, -ít ra là ở hải ngoại- một phần nhỏ được dịch qua Anh, Pháp ngữ - cùng với những Hà Thượng Nhân, Trần Vấn Lệ, Cao Mỵ Nhân, Huệ Thu, Du Tử Lê...Trong số mấy ngàn bài thơ chưa phổ biến, có 50 bài được giáo sư, thi sĩ, nhạc sĩ Lê Cao Phan (ở Việt Nam) rất ưa thích nên ông đã thoát dịch qua Anh, Pháp ngữ từ năm 2000 và in trong tập: "Thơ, Thơ & Những Giao Cảm Ngọc Ngà" của Dương Huệ Anh ấn hành năm 2008 ở Việt Nam. Thể theo yêu cầu nhiều bạn đọc, ban Chủ Trương xin mạn phép cho đăng lại trên Trang Nhà để làm tư liệu. Cảm ơn quí bạn BCT 25/12/2012. VÀI HÀNG CHO TT “THƠ, THƠ & NHỮNG GIAO CẢM NGỌC NGÀ” Thơ! Thơ ! Lại Thơ! Gần một năm trước, - còn thiếu vài ngày- vào dịp ra mắt tuyển tập “50 Năm Thơ & Người Thơ” ở địa phương, một số thân hữu đùa hỏi "Thế nào ông còn định tiếp tục sáng tác nữa hay không ?”, vì theo niên kỷ thì thấy bạn đã quá tuổi cổ lai hi rồi. Câu trả lời thành thực là: Cũng tùy (theo sức khỏe) thôi! Kể từ ngày tập tành theo bước các đàn anh trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn, Tiểu Thuyết Thứ Bẩy … cóp, dán (copy, paste) từng câu, từng chữ thành vần điệu …để khoe với bạn khác phái, cũng đã hơn nửa thế kỷ. Thơ mình làm ra có lẽ cũng khá nhiều,- riêng thời gian từ thập niên 1990 đến nay đã được vài ngàn bài, có một số nghe tạm được, nhưng tựu chung vẫn nghĩ là mình nói chưa hết những điều muốn nói, viết chưa đủ những lời cần viết. Ay chỉ vỉ chuyện Đời bao la quá, phức tạp quá, như là vô thủy vô chung! Nghĩ sâu thì có phải là bởi vũ trụ, nhân sinh … luôn luôn biến động, vô thường? Hồi tưởng lại, những ngôi sao trong làng Thơ thập niên 1940 là: Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn mạc Tử, Chế lan Viên…rồi là Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng …Bên cạnh, là những Thâm Tâm, Nguyễn Bính, Trần huyền Trân, J.Leiba, Lưu Trọng Lư, Bích Khê …Câu chuyện TTKH sau này mới được làm nóng lại, chứ thời gian ấy chưa ai lưu ý mấy đến những vần thơ “Hoa Ti Gôn”. Số người làm thơ những năm thập niên 1940-50 chỉ tính hàng trăm, chứ không đông đảo như hiện thời. Tập Thi nhân Việt Nam của hai ông Hoài Thanh, Hoài Chân ấn hành năm 1941, chọn lựa không chặt chẽ lắm mà cũng chỉ gom được hơn 40 nhà thơ 3 miền Trung, Nam. Bắc. So với hiện thời, số người làm thơ có thể lên đến hàng vạn, báo nào, tạp chí, đặc san nào cũng có một số bài thơ mới…hiện tượng này đáng mừng hay chăng, là tùy quan điểm, nhận xét của từng bạn đọc; người viết không tiện nêu ra ý kiến riêng. Mới đầu, người viết lấy cảm hứng từ những mối tình trong trắng, hồn nhiên của tuổi học trò: từ côThái /Thủy họ Bùi(sau là ca sĩ đài Phát thanh Việt Nam -Hànội), qua Nam Hải (Tây Thi) (con một đại thương gia ở cảng HảiPhòng) …sau đến những nàng thôn nữ bạn, học trò còn đôi tám …Dù ở đâu hay thời điểm nào, rung cảm chính trong thơ mình cũng bắt nguồn từ những hình ảnh người nữ thuộc mọi giai tầng, khởi đi từ tâm, dựa vào triết lý Đại Bi của Phât giáo. Bên cạnh nó là những trăn trở, góp ý thực tiễn tìm một giải pháp diệt khổ: chấp nhận hiện hữu, biến khổ thành vui … Từ đôi mươi, trong thời kháng Pháp, cũng như khi trưởng thành, đi làm để mưu sinh, soạn giả đã gặp nhiều mối duyên kỳ ngộ, - nhưng đa số dang dở - và tất cả đã được ghi lại trong tập Thơ Xanh (1955) và Huyền Ca, Diễm Anh 1, 2 (1991). Rất tiếc, đa số những sáng tác trong loạn ly, khói lửa đã bị thất lạc, tiêu hủy qua nhiều cuộc di cư, tị nạn, lưu vong, chính biến …Có vài tác gia thắc mắc về sự vắng mặt của soạn giả trên văn đàn suốt thời gian dài, - từ 1955 đến 1991 - như Cao My Nhân, Hà Huyền Chi… Lý do đơn giản của “vấn đề” là, trong suốt thời gian ấy, soạn giả đã phải vận dụng hết “nội lực” và tinh thần, liên tục, kiên trì phấn đấu để sinh tồn, xây dựng hạnh phúc cho một gia đình đông con nhỏ, và luôn gặp những biến thiên trọng đại, bất ngờ. Kể từ thập niên 1990, tương đối rảnh rỗi,- sau khi bày nhỏ, nói chung, đã an cư lạc nghiệp, soạn giả mới nghĩ đến việc sắp xếp lại và in ấn những sáng tác trong mấy chục năm qua: năm 1992, phổ biến thi tập “Quê Hương, Vĩnh Cửu Tình Yêu” , năm 1993 trình làng 2 tập “ Đường Nào Có Hoa Đào” và “Tha Hương, Mười Tám Năm, Sầu Có Ai?” Đây cũng là thời gian soạn giả, cùng vài văn, thi hữu - đứng ra vận động thành lập Thi Đàn Lạc Việt, và sau đó là Hội Trao Đổi Văn Học Nghệ Thuật, để tập hợp những nhà văn, thơ yêu mến và muốn góp phần nhỏ mọn bảo tồn văn hóa nước nhà. Hơn 10 năm hoạt động, cơ sở đã tổ chức được hai cuộc Thi Thơ toàn quốc, có gần 150 nhà thơ tham dự trong những năm 1994 và 1996. Mặt khác, cơ sở đã ấn hành được 5 Tuyển tập Một Phía Trời Thơ 1, 2, 3, 4, 5 ; 2 tuyển tập Bốn Biển Thơ Chung Nối Nhịp Cầu; 3 Tuyển tập Thơ Văn Xuân Thu 1, 2, 3 (chưa kể mấy số tam nguyêt san Xuân Thu), với nội dung thuần túy văn nghệ. Năm 1997, cơ sở bắt đầu chuyển hướng, đi vào phần vụ nghiên cứu, biên khảo, xuất bản: tổ chức nhiều buổi nói chuyện, trao đổi về thơ văn, như Ca Dao Việt Nam, Viết truyện ngắn, Ngâm Thơ, Mệnh Số học, Truyện Kiều, Hồ Xuân Hương, Thiền, Nhạc …và năm 2000 tổ chức Ngày Kỷ niệm Thi hào Nguyễn Du, khá thành công. Giữa năm 1997, soạn giả cho ra mắt Tổng tập I, Thơ Dương Huệ Anh, gồm 6 thi tập: Thương Cả Trăm Hoa; Gót Ngọc Quan Am; Thơ Xanh (tái bản); Thơ Hồng; Ba Mươi Năm Trước; Hai Mươi Năm Lưu Vong. Với số trang 500, và trên dưới 300 bài thơ, tác phẩm đã được nhiều văn, thi hữu đánh giá đặc biệt, - có nhà văn coi đó như một hiện tượng trong Làng Thơ Việt hải ngoại. (xin đọc bài của Lê Nhật Thăng). Cuối năm 1998, soạn giả cũng có dịp giới thiệu rộng rãi CD Những Khúc Buồn Vui, gồm 10 ca khúc, phổ từ thơ của Thúy Vũ và Dương Huệ Anh trong giới văn nghệ sĩ ở địa phương. Năm 1999 châm dứt với buổi RM tập Truyện Dài “Những Cánh Thư Hồng 1, 2” của Dương Huệ Anh với Tần Ngọc, kết quả thành công rất đáng kể về tài chính. Kỷ niệm sẽ còn nhớ mãi là “Ngày Tưởng niệm Nguyễn Du” đã thâu hút số người tham dự kỷ lục ở đia phương, có lẽ vì đây là lần đầu tiên được tổ chức ở nước ngoài. Nói cho đúng, hoạt động văn hóa ở hải ngoại khó đạt được những thành quả mong đợi , vì thiếu nhiều điều kiện thuận lợi: địa lý quá rộng, thiếu phương tiện, tài chính, nhân sự …lại không có sự bảo trợ, nâng đỡ của cơ quan công quyền (hay tư nhân - các foundations). Cho nên, dù cố gắng đến đâu, tinh thần cao đến mấy, cũng có lúc cảm thấy mệt mỏi …và nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi và tìm cơ hội thư dãn, sau hơn 10 năm co duỗi, ngược xuôi để tồn tại. Cái được an ủi là trong thời gian thử thách ấy, người viết đã liên tục sáng tác được một số lượng khả quan, đến nay còn hơn 1500 bài thơ và vài soạn phẩm đang chờ/mong phổ biến, chưa kể những ấn phẩm chào đời từ năm 2001, như Tản mạn Thơ Việt Hải Ngoại; Thiên Niên Kỷ Mới; Tìm Hiểu Phật Giáo; Những Vần Thơ Đạo; Dịch & Bói Dịch; 50 Năm Thơ & Người Thơ; CD “Ba Mươi Năm, Ngàn Kỷ Niệm”; DVD “Mười Hai Bến Nước”… Ở tuổi cổ lai hi, soạn giả tìm vui trong việc sưu khảo, nghiên cứu những vấn đề thiết thực, cốt tủy của nhân sinh như y học, đạo giáo, tâm linh…nhưng vẫn không quên trau dồi những kiến thúc khoa học, kỹ thuât mới…bởi nghĩ rằng nhờ chúng, mới có thể trải rộng, tiến sâu trong mọi lĩnh vực. Trong thời gian qua, một số văn, thi, thân hữu ...có lòng yêu mến, đã bỏ thì giờ, ra công viết những hàng chỉ dẫn xây dựng, khuyến khích soạn giả …cũng mong có dịp tỏ lòng tri ơn quí vị; may lại được nữ sĩ/họa sĩ Hoàng Hương Trang góp ý nên tập hợp những lời thanh nghị ấy lại thành tập để dễ bảo quản, lưu giữ …làm kỷ niệm. Hoàng cô cô còn có nhã ý viết mấy hàng giới thiệu một cách khéo léo, vô tư …khiến soạn giả vô cùng cảm động … Dĩ nhiên đây không phải là một tác phẩm biên khảo, và cũng không là một tác phẩm văn chương. Thực chất nó chỉ là một tập hợp những ý kiến, nhận xét của những nhà văn, nhà thơ, thân hữu… và một số bài thơ - không phải là tiêu biểu -, được một thi hữu giáo sư đích thân tuyển dịch qua Anh, Pháp ngữ; nói tóm, có thể coi như những kỷ niệm quí báu đối với (và của) tác giả trong quá trình sáng tác thơ văn hơn nửa thế kỷ vừa qua. Bề trong là như thế, nhưng dù sao vẫn là nói về mình, cho mình, quả thật là khó, dễ gây ngộ nhận, vì xưa nay đã có câu “Cái tôi là cái đáng ghét!” của một nhà văn cổ điển nổi tiếng bên trời Tây. Chưa kể là bao giờ cũng có những cây bút khó tính, thiếu khoan dung… sẵn sàng ra tay (có khi chỉ vì mâu thuẫn cá nhân, hay vì lập trường, quan điểm khác nhau…) Song thấy nhiều bạn bắt chước thói quen của người nước ngoài, hàng năm viết lại thành tích, cũng nhưng sự việc xẩy ra trong gia đình một năm, trong thiệp mừng Năm Mới, soạn giả nghĩ (cái) tục này cũng có lợi ích, miễn là người viết không có chủ ý đề cao mình; viết để người khác hiểu mình cũng có một tác dụng xây dựng, ít nhất là trong việc giao hảo bạn bè. Về hình thức, trong phần đầu của tuyển tập, chúng tôi xin in một số bài thơ được giáo sư Lê Cao Phan, - cũng là thi, họa sĩ - lựa chọn, chuyển dịch qua Anh ngữ để làm tư liệu sưu khảo sau này. Về phần hai, - góp ý, nhận xét của các văn thi, thân hữu -, cũng sẽ giữ nguyên văn (hay trích những đoạn chính yếu) bài của người viết. Phần cuối tuyển tập, nếu có điều kiện, xin được in lại hình ảnh của liệt quí hữu, đối tác có liên hệ, và một số hình ảnh riêng của gia đình soạn giả, cho thêm phần tươi mát, thân tình. Cuối cùng , soạn giả xin một lần nữa, chân thành cảm tạ quí bạn đã đóng góp ý kiến và công sức để thực hiện tuyển tập này; cũng xin quí vị và độc giả khoan thứ những thiếu sót, lỗi lầm có thể có, và vui lòng chỉ điểm, vì đây chỉ là cố gắng của một (vài) cá nhân. Nguyễn Trinh - Nguyễn Huy Đương - Nguyễn Đức Hiếu - Đỗ Quyên -T. Bình Dương - Hà Thượng Nhân -Thượng Quân - Trùng Quang - Thu Vân - Trình Xuyên - Trần Tử Lăng - Nguyễn Bá Trạc - TTT -Hoàng N.Thúy -Thái Yên - Đào Hữu Dương - Hà Trung Yên -LS Phạm Nam Sách - Tuệ Nga - Thế Uyên - Kỳ Sơn - Đỗ Quyên - Trúc Lâm - Đoàn Văn - Hoàng Anh Tuấn - Phạm Q. Trình - Xuân Tước - Chu Toàn Chung -Hồ Công Tâm - Tuệ Nga - Trần Tú Uyên (Thế Kỷ 21, Làng Văn, Dân Ta, Dân Chủ Mới, Việt Nam, Thời Báo…, CaliToday .. Ái Khanh - Nguyễn Mạnh An Dân -Tâm Huyền - Đoàn Văn -Trần Vấn Lệ - Trình Xuyên Trường Giang - Lê Nhật Thăng - Phạm Lệ Oanh - Diệu Tần Nguyễn Thanh Giản - Nhật Thịnh - An Như Ý - Lưu Hy Lạc -Thanh Cầm - Mậu Binh (HHC) - Hạ Đỏ - Diệu Tần - Diệu Tần - Sương Mai - Lê Nhật Thăng - Cao Mỵ Nhân -Vân Nương -Tràn Ngân Tiêu - Phạm Xuân Đài -Diệu Tần - Song Linh - Hà Thúc Sinh - Hà Thượng Nhân - Diệu Tần - Hồ Trường An -Trần Tuấn Kiệt -Trọng Lễ -TQT - Cao Mỵ Nhân - Lưu Thái Dzo - Nguyễn Đông Giang - Nguyễn Ai Lữ - TyNa BTN -Vũ Gia Sắc - Diệu Tần - Ngô Đức Diễm - Chinh Nguyên -Đỗ Bình - Du Tử Lê - Hoàng Hương Trang ... - Những Bạn Tình Thơ Soạn giả South Bay, Hè 2008 DHA |
|