Số ra ngày 01/01/2019: Sinh Hoạt & Đổi Mới |
viết từ... | |
Nhà Văn, Giáo Sư Diệu Tần Viết Vê Dương Huệ Anh | |
Giáo sư Diệu Tần là một nhà văn hóa đa năng, ngoài tài viết truyện, ông còn làm thơ, biên khảo ...và cầm cọ ...ông cũng đã được trao giải thưởng về viết kịch của Chính Phủ VNCH trước 1975...Vì duyên tri ngộ, ông có nhiều lần viết về nhà thơ DHA, xin trích đăng một sô bài để bạn đọc tham khảo. Cảm ơn quí bạn. 15/11/2017. Đọc Tha Hương Mười Tám Năm, Sầu Có Ai? Diệu Tần Thế là ông bạn Dương Huệ Anh đã cho ra thêm tác phẩm thứ năm. Kể từ năm 1991 đến nay cứ năm một, riêng năm 1991 đã sinh đôi vì có hai Huyền Ca Diễm Ảnh. Sức sáng tác của Dương thi sĩ mạnh như sơn dương trên vách đá cheo leo. Đã thế, ông chưa chịu ngưng, còn đe sẽ cho xuất bản đều đều. Ôi, ở cái tuổi ngót nghét cổ lai hy, họ Dương trong bốn năm sinh đến năm đứa con... thơ thì khiếp thật. Ông nhạc sĩ lão thành Anh Việt của tôi đã có câu nói đáng ghi nhớ: “Tóc bạc nhưng trái tim không bạc”, tôi thấy dùng cho nhà thơ thật không sai. Ngày xưa lão tướng Hoàng Trung thời Tam Quốc với tuổi 80 vẫn vung đao ra trận. Lão tài tử hình dung cổ quái trong phim Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà và gã nông dân Lỗ Ma Ni trong Giờ Thứ 25, Anthony Quinn mới đây với 76 tuổi đã nhập nhằng với cô thư ký trẻ vẫn sinh ra một đứa con đẹp như mơ, thì tôi nghĩ nhà thơ họ Dương có sinh nhiều con... tinh thần cũng là chuyện tự nhiên thôi. Dương Huệ Anh làm thơ rất dễ dàng, đề tài nào cũng có ông. Chuyện lặt vặt trong nhà, đưa con cháu đi học, về nhà cuốc đất là đã nảy ra thơ. Ngồi xe buýt hay dạo bộ cũng ra thơ. Nếu chuyện một người vợ phi công Mỹ chết ở Việt Nam, chuyện thiên tai, chuyện đói khổ Châu Phi, chuyện tình Diana-Charles cảm hứng thành thơ đã dễ hiểu, nhưng ngay như chuyện kẹt xe giờ tan sở, chuyện ghé qua tiệm sách... cũng làm thơ được, kể như họ Dương quá mẫn cảm. Chuyện gì cũng thành thơ: vào bệnh viện thăm bạn. Động đất ở Cali, Nam Mỹ có sóng thần, lại có thơ. Một phụ nữ có bầu đứng xếp hàng chờ lãnh oe-phe hay cái phiền toái 30 Tết cũng là cái cớ để Dương Huệ Anh cảm xúc thành thơ. Có thể có người cho rằng ông xông pha vào nhiều đề tài quá, ông tham lam quá, muốn làm thơ thời sự, ghi dấu vết lịch sử, muốn làm chứng nhân thời đại. Riêng tôi, tôi không nghĩ thế, tất cả những mối buồn vui, tẻ nhạt của cuộc sống thường ngày được ông ghi nhận chuyển thành văn vần, tất cả chỉ là cái cớ. Hãy đọc những đoạn cuối của mỗi bài thơ để thấy tâm sự nhà thơ. Nên đọc và hiểu giữa các dòng chữ, hiểu thơ ở phía sâu kín của câu thơ. Tâm sự nhà thơ họ Dương ngổn ngang trăm mối, phong phú, phức tạp. Nổi bật hơn cả, theo tôi, là thói đa tình và thói ưa hỏi Thượng Đế, Chúa, Phật. Không có nhiều tình không thể làm thơ. Nhà thơ nhiều tình cảm quá, nhất là thứ tình gặp nhiều hệ lụy, là tình nam nữ. Chúng ta hãy nghe ông thủ thỉ tình yêu trong “Ngày Đầu Tỵ Nạn." Chỉ cầm tay sờ má Thời gian qua rất mau Chia tay, dặn khẽ một câu Hôm nào họ vắng, gặp nhau... tha hồ. Tinh nghịch và dí dỏm là cái ông họ Dương. Rồi còn gì nữa? Hồng nhan dù có đa truân Hán vương còn gặp Chiêu Quân xứ Hồ Ôm nhau khóc giữa thành Tô Lần nầy xa nữa, bao giờ gặp nhau. (Thành Tô) Người yêu cũ mười bốn năm qua gặp nhau kiểu 'tha hương ngộ cố tri' chẳng trách được ôm nhau khóc là phải quá rồi. Thành Tô đây không phải là Tô Châu, Hàng Châu bên Tàu mà là Tô-rôn-tô, Gia Nã Đại đấy ạ. Tôi nghe đâu đây có hơi thơ Vũ Hoàng Chương trong bốn câu thơ trên. Vào mùa thu năm 85, gặp lại người xưa: ... Ta biết em còn thương cố nhân Sắc hương dâng hiến trọn tình xuân Trao hồng gửi ngọc mong tìm chút gió lạnh hiên tây, trả nợ trần. - Nối Lại Đàn Xưa - Sắc đẹp và mùi hương hiến trọn vẹn tình xuân, thì hiểu ra sao đây? Nghi ông thi sĩ quá. Đến mấy vần trong “Chú Cháu” thì ông chú và cháu Chi đáng bị đánh đòn vì tình tứ quá: … Không ngờ, vớ chân cháu tụt từ từ Khổ không Ta thương Chi tự đáy lòng Mau tay kéo vớ lên. Ơ hay, lạ nhỉ, mắc mớ gì đến chú, ai khiến chú kéo lên? . .... không ngại ngần Chi nhìn xuống, mặt đỏ rần "Làm sao thế chú? một lần nầy thôi" Vẫn buồn "cháu phận bồ côi Chú đừng thương Phấn, bỏ rơi... cháu buồn". Chú cháu lôi thôi rắc rối quá. Dặn đừng thương, nhưng bỏ rơi thì cháu buồn tái tê. Không những nhà thơ gặp tình xưa nghĩa cũ ở Việt Nam, ở Mỹ, ở Gia Nã Đại, lại còn gặp ở Viên Chiên nữa. Bỗng dưng một tối sao trời Đường khuya về nhớ miệng cười Viên Viên Em hai mươi tuổi vừa duyên Trắng trong hồn ngọc, trinh nguyên môi hồng Ghen em, cỏ nội, hoa đồng Hơi em thở nhẹ, thơm nồng dạ hương Em đi nhẹ bước Nghê Thường Em cười cả khúc đoạn trường tiêu tan... Và đây, một em Mỹ trong “Mỹ Nhân Ngủ”. Mỹ nầy là Mỹ chính cống da trắng, tóc vàng nâu. Thi nhân thương cho người đẹp ngủ trên xe buýt, có nhiều tiếng lao xao không cho người đẹp được ngủ yên: ... Quả nhiên nàng đã dậy ngồi kia Dáng điệu bơ phờ, đẹp nửa khuya Đã đẹp, đẹp thêm trong giấc ngủ Hây hây má đỏ, chẳng cần "bia" Tròn trịa cằm, như những ngón tay Sóng vàng, từng lọn phủ chân mây Ngọt ngào là mũi Cléopâtre Bắt gặp em nhìn, ta muốn say! Ông già quê Nam Định Đại Cồ Việt say người ngọc ngủ ngay trên xứ cao bồi Tếch-xát rồi liên tưởng đến cái mũi nữ hoàng bên trời Âu, quả thật là một mối tình quốc tế, vượt biên giới xuyên qua ba lục địa rồi vậy! Để có cái nhìn chung vài khía cạnh, tôi gọi là thói, thói đa tình của Dương Huệ Anh, tôi tưởng mấy câu thơ tặng nầy của nhà thơ Chu Toàn Chung không còn sai vào đâu được: ... vẫn còn phong độ văn cùng võ Vẫn thích tòm tem nhập mắt xanh Kiều nữ ca nhi có hỏi thăm Khi nào thong thả sẽ về thăm Nghe nàng còn thích giao duyên lắm Mà chỉ giao cùng Dương Huệ Anh Một thói quen khác trong thơ Dương Huệ Anh, tưởng như cực mâu thuẫn là ông có nhiều câu hỏi với Phật, với Chúa. Phải chăng đã qua tuổi “tri thiên mệnh”, bàng bạc trong thơ họ Dương có một nhân sinh quan thản nhiên mà chua xót về con người, về thế giới? ...Có ai giúp kẻ điên khùng Phật rằng: trước phải một lòng độ Ta Cõi nầy đầy rẫy quỉ ma Xả thân cứu thế, nơi xa Chúa buồn.. Cái Ta đây là Ngã, phải tự tu thân, tự thắng được bản ngã. Phật không giúp ích cho ai nếu kẻ ấy không nắm được cái Ngã. Đến Chúa cũng thở dài vì quỷ ma trên cõi đời nầy quá loạn, xả thân cứu thế gian, Chúa mệt nhoài: .. Khóc thương mình, bạn, người thân thuộc Hình phạt nầy kêu Chúa, hỏi Trời. Đúng là Không phải tại Trời, không phải Chúa Lỗi lầm, tội nghiệp bởi con người. Khi có hạnh phúc, lúc sung sướng ít ai nghĩ đến Thượng Đế. Bị chiến tranh, đói khổ, tuyệt vọng lại gọi Chúa, kêu Phật. Nhân chi sơ, tính bản thiện, khổ nỗi lăn vào bến Mê, chui vào chợ đời, tội nghiệp đều do chung quanh tạo ra. Hãy coi lại mình, đừng đổ thừa cho Chúa, Phật: ... Đời vô nghĩa, có gì đâu khóc cười Cho ta biển núi, mây trời Cho ta một chút tình người... để quên Tiền thân, hiện kiếp, lai duyên Như Lai, tìm hiểu uyên nguyên cuộc đời. Nhà thơ rất người, rất đổi đa tình, cúi xuống kéo vớ cho “cháu” nhưng rồi chỉ vài khắc sau, trong một sát na nào đó đã như quên mất, chỉ cần một chút tình người mà sao khó kiếm quá. Trong vòng luân hồi sinh lão bệnh tử, tất cả sẽ là hư vô, là số zero to tướng. Nhà thơ muốn hỏi Đức Như Lai để tìm hiểu không những kiếp nầy mà hỏi cả lai duyên, tiền kiếp. Tại sao tôi sinh ra, tôi ở đâu đến, tôi là ai, tôi sẽ đi về đâu? Câu hỏi nhức đầu thật! Kẻ độc hành, là nhà thơ, là con người chúng ta bèo bọt, nổi trôi. Như đã nói, kể chuyện đi xe buýt chỉ là cái cớ: Từng phút, từng giây xe chẳng tới bến - càng thâu ngắn cuộc đời ta Ta ngồi yên ngủ không chờ đợi Biến cố quanh mình cứ xảy ra Ta vẫn là ta kẻ độc hành Thời gian vô tận kiếp mong manh Ngày nào đến bến - dù mưa nắng Ta sẽ qua sông. Vẫn một mình. Guồng máy xã hội quay cuồng. Bánh xe luân hồi lừng lững quay. Con người bất lực, không chờ đợi, cũng không chọn lựa được. Nhà thơ, cũng như bao kiếp người, chỉ là kẻ cô đơn, kẻ độc hành mãi mãi. Sông Mê hay sông Tiền Đường, hay Niết Bàn, cõi Thiên Đường, nếu có, thì con người cũng vẫn chỉ có một mình. Nhà thơ còn mai mỉa: ... Tham vọng cuồng điên, một lũ người Chiến tranh tàn phá, thịt xương rơi Không ai cấm cản, đâu rồi Chúa? Phật vẫn an nhiên, mỉm miệng cười. Uýnh nhau tơi bời, Chúa cản không nổi. Có ngửa cổ hỏi Phật, Phật chỉ mỉm cười, nụ cười bất diệt.. ... Chúa có còn không? Chúa ở đâu? Bao năm cầu nguyện tái tê sầu... ... Chúa có hay không, đời vẫn thế Có gì thay đổi, bốn ngàn năm? ...Chúa có còn không? Chúa ở đâu? Bao nhiêu tang tóc bấy nhiêu sầu. Vô nghĩa, tham chi nữa cuộc đời Thân nầy như cát bụi sương rơi Chúa kêu, ngoảnh mặt. Trời không cứu Phật vẫn ngồi yên, chỉ ngó thôi. Sống gửi thác về, sinh ra từ cát bụi sẽ trở về với cát bụi. Không phải Chúa làm lơ đâu, không phải Trời mặc kệ. Bởi chưa hiểu thấu lẽ tuần hoàn, sinh tử đó thôi. Phật không can dự vào luật nhân quả. ... Một kẻ ra đi một giọt buồn Mái chùa không trú nổi hồn đơn Giáo đường, chuông vẫn vang lời Chúa Mê tỉnh, riêng ta chọn bước đường. Đúng, mê hay tỉnh là do con người tự chuốc lấy. Phạt, Chúa chỉ đường chứ không chọn đường cho con người. Mấy vần sau đây càng thấy rõ quan niệm về đời sống của nhà thơ ... bao kẻ thành công nơi đất khách Bao người tan vỡ giấc mơ hoa Phải đâu Chúa muốn hay Trời phạt? Đừng trách người, không vội trách ta! Không phải Thượng Đế muốn thưởng hay trừng phạt ai đâu. Tất cả đều do con người và chung quanh gây ra. Không trách người, cũng chẳng trách ta. Bỏi chính ta cũng chẳng hiểu ta, còn nói gì nữa? Để gói trọn cách nhìn đời, nhận xét đời của Dương Huệ Anh, với những câu hỏi đưa lên Phật, Chúa, tôi nghĩ nhà thơ Tuệ Nga đã có lý khi ưa thích mấy câu nầy của họ Dương: ... Quên đi thế sự điên đầu Nỗi buồn bất lực, nỗi đau vô thường vì Thực tướng, cuộc đời không sướng khổ Buồn vui trăm nỗi, ở lòng ta Chân nguyên bừng sáng, ưu đàm nở Thiền đạo vào thơ dưới nguyệt tà. Bởi thế, nếu thấy nhà thơ họ Dương đa tình ưa thói “cầm tay, sờ má” hay hẹn hò “gặp nhau tha hồ”, đừng nghĩ ông thật tình khoái vậy đâu. Ông chỉ sống thực tình trong hiện kiếp để quên tiền kiếp, lai thế, vậy thôi. Đừng thấy ông ôn lại kỷ niệm, ôm nhau khóc giữa thành Tô, đừng thấy ông “mau tay kéo vớ lên” mà nghĩ ông đã quên mất nỗi tử sinh lãng đãng đâu đây. Thói đa tình dường như đi ngược với nỗi đau thắc mắc về nhân sinh kiếp sống. Nhưng nếu nghĩ thêm tí nữa thì chính nỗi đau ấy thúc đẩy nhà thơ và con người phải cho cái ngòi tình được no đủ phủ phê. Cũng chẳng phải là yêu cuống sống vội. Cũng chẳng phải là vớt vát, giối già. Cũng chẳng phải là có quan niệm yếm thế, chán đời. Không, nhà thơ yêu mình, yêu người và yêu đời lắm chứ. Chỉ vì:... Buồn vui trăm nỗi ở lòng ta. Vậy nếu vị nào muốn rằng trong thơ Dương Huệ Anh phải có lý tưởng lớn thì cũng tội nghiệp cho nhà thơ và cũng chưa hiểu rõ ý của Dương Huệ Anh. Một người ngâm nga rằng: ... Ta vẫn là ta, kẻ độc hành Thời gian vô tận, kiếp mong manh Ngày nào đến bến. Dù mưa nắng Ta sẽ qua sông. Vẫn một mình!.... Diệu Tần | |