Số ra ngày 01/01/2019: Sinh Hoạt & Đổi Mới |
trình bày/góp ý | |
Ngàn Trùng Tâm Sự Gửi Mây Bay - Nguyễn Bá Trạc với Dương Huệ Anh | |
Trong cả trăm bài viết về thơ Dương Huệ Anh, bài này "NTTSGMB" được bạn đọc ưa chuộng nhất với văn phong đặc biệt - hư hư, thực thực, - của ngòi bút NBT- Xin đăng tải theo yêu cầu cầu của nhũng bạn yêu thơ để vườn thơ văn hải ngoại thêm khởi săc trong bàu không khí tự do, dân chủ...Xin cảm ơn. BBT 18/10/2017. ...Có một lần nhà thơ tìm đến tôi chơi, tuổi tác chênh lệch mà chẳng nề hà. Vừa dăm ba phút sơ kiến, đã say sưa kêu gọi phải lập hội thơ. (Thi sĩ toàn thế giới đoàn kết lại!). Nhưng ở Mỹ làm gì cũng cần phải có tiền (có tiền mua tiên cũng được!). Phải tìm cách kiếm ngân khoản. Để làm gì? Để in thơ cho các thi sĩ nghèo. Thơ là ở chỗ đó. Tôi vừa lễ độ dạ thưa với người thơ tuổi ngoại lục tuần (có lẽ trên tôi một giáp), vừa kín đáo liếc nhìn: nhà thơ mặc một cái áo vét rất chững. Một cái quần rất hợp. Chân đi giày Tây cũng láng, đương nhiên phải có mang bít tất. Nhưng nhìn kỹ, trong hai cái ống quần Tây nó lòi ra hai cái ống quần ngủ. Thơ chính là ở chỗ đó. Tôi có thưa là mấy năm nay mải mê sông hồ, thích tìm vui trên các chân trời xa lạ, nên thận có hơi yếu. Hai ngày sau, nhà thơ cũng là một nhà tinh thông y lý, khệ nệ mang đến cho một chai rượu thuốc. Dễ có đến 10 lít. Nhấm thử, ngoài vị sâm nhung quế phụ, còn có vị mằn mặn. Như... nước mắt quê hương. Đó cũng là thơ. *Anh Dương HuệAnh! Có lần anh lại đến căn nhà chúng tôi mới thuê, anh chẳng nề hà mà xuống cái hầm chật chội mỗi bề 2 thước, nơi tôi ngồi dịch sách để bàn về thơ. Anh hỏi thế nào là một bài thơ hay? Thú thực hôm ấy tôi tìm cách thoái thác bằng cách bảo: “ôi dào, anh ạ, tùy người, tùy lúc, tùy nơi, tùy thời, tùy chốn. Đàn bà Tàu ngày xưa gót sen lãng đãng mới là đẹp. Ngày nay lỡ dại có bà già Tàu nào bó chân mở giày cho xem... thì nhìn cái bàn chân dị dạng ấy, ôi thôi hẳn là kinh sợ! Những người đẹp thời phục hưng, ngày nay hẳn phải ăn uống kiêng khem lắm cho bớt mập. Năm xưa quần ống loe, năm nay quần ống bó, biết nói thế nào cho xuể hở anh “? Vâng, có lẽ vậy. Gần đây có ông Nguyễn Hưng Quốc suốt ngày bàn về thơ. Ông Đỗ Quý Toàn trước làm thơ, nay cũng chỉ bàn. Tôi thấy ông thi sĩ Xuân Diệu còn viết cả một cuốn sách dày 286 trang, chữ nhỏ như con kiến để bàn về “Công việc làm thơ”.. Tôi đâm ra ngại ngùng. Chưa dám đọc. Bởi vì giá ông ấy ấy cứ phất phơ thở dài mà bảo “Ta là con nai bị chiều đánh lưới, không biết đi đâu đứng sầu bóng tối”. Giá mà ông ấy vẫn bảo “ta là con chim đến từ núi lạ, ngửa cổ hát chơi”. Thì tôi thích biết bao nhiêu! *Anh cũng thế, anh Dương Huệ Anh. Tôi thích những lúc anh thật thà xốc xếch ngửa cổ hát chơi, khi lên cao ủ mộng xanh giời. Chả phải mệt nhọc gì. Chả lo vần điệu niêm luật thế nào. Và thơ là tình cảm cộng với trí tuệ, dẫn đi bằng âm nhạc, trong sự giản dị và chân thật của tâm hồn. Người ta bảo gì thì anh vẫn ừ à mà cười.. người ta bảo sao anh không tranh đấu, anh bảo tranh đấu chớ. Trong tập “Đường Nào Có Hoa Đào?” đầy những hạc nội mây ngàn, trăng soi muôn dặm, đầy những câu hỏi từ đâu, đến đâu, anh lững thững một mình đi tranh đấu để kiếm hoa đào. Hoa đào mà cũng khó kiếm thế a? Ở những chợ Mỹ vườn Nhật nầy đâu thiếu gì, có phải là hoa ấy không? Trong tập nầy, tôi thích nhất bài “Súng đạn như thơ”. Bài thơ được viết nhẩn nha theo thể vấn đáp như sau: “Em hỏi: “Sao anh ghép mộng hoài Làm thơ tình mãi? Chẳng như ai Mài gươm tranh đấu... vì dân tộc Lấp biển, còn mong chuyện vá trời”. Đó là câu hỏi. Hỏi vì anh cứ say sưa làm thơ tình ái lẩm cẩm mãi? Sao anh không đi tranh đấu vân vân. Em hỏi, thì anh trả lời: “Tranh đấu, em ơi, cũng lắm đường Làm sao gạt bỏ hết tình thương Gia đình, tổ quốc và tôn giáo Đời sống con người quá vất vương Ta nói thương yêu vì muốn họ Quên đi nếp sống nặng hờn đau… Họ cũng yêu đời như chúng ta Giàu sang bần tiện trẻ hay già Đông tây trai gái mơ gì khác Hơn một tình yêu một mái nhà. Và thú vị thay khi nghe nhà thơ nói “Súng đạn như thơ... phá mở đường”.. Chúng ta có khác gì nhau đâu? Ta sẽ yêu thương dệt mộng hoài Làm thơ tình mãi, khác chi ai Mài gươm tranh đấu vì dân tộc Lắp hận thù, tô điểm cuộc đời... Thế đấy, thơ tình mà cũng là gươm, là súng.. Nó là gươm là súng, nhưng nó không tiêu diệt ai. Nó chỉ dũng mãnh bắn, phá, cắt, chặt, những mê chấp để xây dựng lại cuộc đời. Và trong cuộc đời nầy, ông thi sĩ đã ngoài sáu chục rồi, nhưng ông yêu ai, ông cứ bảo là yêu. Riêng một tập “Huyền Ca Diễm Ảnh” yêu bao nhiêu, đếm ra không hết. Chẳng phải chỉ yêu các giai nhân thôi nhé. Ông làm thơ tặng “hiền nội”. Ông làm thơ khóc nữ tài tử Tàu Lâm Đại. Ông yêu mèo, yêu chó, yêu chim (Chim cũng như người. Tập Đường Nào Có Hoa Đào?” Ông yêu mặt trời, mặt trăng. Ông yêu chị Hằng. Ông yêu sông Thương, sông Nhị. Ông yêu quê hương đất nước. Ông yêu thơ. Ông yêu chân lý. Ông yêu cả Chúa lẫn Phật. Trong tập thơ mới “Tha Hương 18 Năm Sầu Có Ai?” ông kể chuyện trong lúc đi xe buýt, ông yêu cả một bà đầm đang ngủ. TrênđườngDallas,ElPaso Xe chạy êm ru. Sương khói mờ Trời mát. Lạnh như Đà Lạt ấy Dễ dàng giấc ngủ dẫn vào mơ Mỹ nhân da trắng, tóc vàng nâu Ngồn ngộn bàn tay ngọc gối đầu Chăn đắp nằm dài băng ghế ngủ Co chân – ái ngại, khách ngồi sau. Thú vị thật. Khách ngồi sau là một nhà thơ Việt Nam tuổi ngoại lục tuần. Khách là người di cư tỵ nạn, có lẽ hơi nghèo, không tiền đi máy bay cho nó khỏe, nên mới phải co chân đi xe buýt. Khách liếc nhìn bà đầm ngủ co quắp trên cái ghế chật chội, khách đâm ra tội nghiệp: Ghế ngắn, nằm co sao thoải mái Tay xòe lên mắt, ngửa đôi môi Mỹ nhân ngồi dậy, chân co duỗi Đầu dựa thành xe, muốn ngủ vùi Thương hại nàng ghê, dù nhắm mắt Vẫn còn nghe tiếng nói lao xao Cõi nầy chật hẹp người khe khắt Ngủ được yên sao một phút nào. Cảnh tượng nầy có khác chi cảnh tượng cụ Cao Bá Quát lần đầu tiên được đi tàu thủy sang Tân Gia Ba, chợt nhìn thấy ông Tây bà Đầm hôn nhau mà tức cảnh sanh tình, rồi lại ngâm nga thơ phú nghĩ về quê hương đất nước, về cõi nhân sinh chật hẹp, về lòng người khe khắt. Nhưng nhà thơ thì lòng phải rộng. Cho nên nhìn thấy những ngón tay tròn trịa, sóng vàng từng lọn phủ chân mây (tức là mái tóc dập dờn trông như từng đợt sóng vàng phủ khắp trời mây thì nhà thơ thích lắm. Nhà thơ tưởng ra cả một bầu trời La Mã, Ai Cập xa xưa, mà bảo: Ngọt ngào là mũi Cleopatre Bắt gặp em nhìn ta muốn say... Hoan hô thi sĩ. Thi sĩ đã yêu rồi. Nhưng thi sĩ, nào chỉ có yêu thôi. Lòng ông cũng quằn quại xót xa cho những nỗi khổ ở đời. Đau thương nào, tấm lòng hiền hậu như trời mây hoa cỏ kia của ông cũng xót xa. Ông xót xa từ đám người đói Phi Châu, ở tận xa lắc xa lơ ở tận bên kia biên giới Ôi những thân hình da bọc xương Nằm phơi cát nóng gục bên đường... Ông xót xa cho cả bà vợ phi công Mỹ Morrison đã chết ở Việt Nam. Ông khóc cho mối tình tan vỡ của nàng công chúa Diana với chàng thái tử nước Anh xa vời vợi. Ông xót cho những người mệnh bạc như Nguyễn Du thương xót Thúy Kiều. Ông xót cho cả cái lá cờ : Cờ xanh, cờ trắng hay cờ đỏ Cũng máu đào, xương đại chúng thôi! Tham ô độc đoán chuyện muôn đời Ông xót xa hết. Xót cho người và cũng xót cho mình: Trông ai lưu lạc phương trời …Có gì hơn nhỉ? Lũ xa quê Gần như bán mướn làm thuê Bơm xăng, quét chợ, cu li cũng ừ. Tóc xanh ơi, sớm bạc màu Tha hương mười tám năm, sầu có ai? Mười tám năm đất người bơm xăng quét chợ, bán mướn, làm thuê để đến đêm cuối năm ngồi mà ngậm ngùi: Đêm nay, ờ nhỉ là đêm Cuối năm đất khách dậy thêm nỗi sầu Tóc thưa bạc trụi mái đầu Ưu tư tím nhạt một màu thời gian. Vậy cái màu thời gian ấy nó cứ nhạt dần, nhạt dần. Nó trôi đi, trôi đi mãi không về. Và thơ của ông không còn chỉ là những nỗi ngậm ngùi của riêng ông nữa. Cũng không chỉ còn là những kỷ niệm diễm ảnh xa xưa của riêng ông. Trong tập thơ mới, thơ ông bắt đầu là thơ của con người. Của tất cả yêu thương, đau đớn, xót xa. Của phản ứng lại đau thương để trí tuệ tìm ra câu trả lời Bon chen còn lắm kẻ Thù hận vẫn dâng cao Ta không ưa máu lệ Ta chỉ yêu hoa đào. Hoa đào là cái hoa gì mà thi sĩ lại yêu? Nó không đỏ sậm như màu máu. Nó không nhợt nhạt như màu vàng. Nó là màu của trẻ thơ. Nó là tình yêu. Nó là thông điệp của chúa Ki tô, của người bị ném đá, bị đóng đinh, bị lăng nhục, bị hành hạ trên Thập tự giá mà vẫn cúi xuống mở lòng yêu thương nhân loại. Nó là thông điệp của đức Phật đại hùng, đại lực, đại từ bi. Nó là dòng nước sông Hằng chảy từ Tây Tạng, chảy qua Ấn Độ, mang hết tro than của những xác người để bón lại cho cây cối được tốt tươi. Nhưng người ta vẫn hỏi tình yêu có giải quyết được gì không? Có chắc không? Chắc là có. Chắc là không. Có có không không hay là không không có có. Cái gì vơi là đầy. Cái gì đầy lại vơi. Vâng, thưa anh, nếu nhân loại vẫn có có không không thì có gì khác lạ? Vì thế, cũng như anh đã viết đó: … ... Cũng một ngày... như mọi ngày... Chim vẫn kêu và xe vẫn chạy Mặt trời mới mọc mây còn bay Cũng một ngày thôi như mọi ngày Ngàn trùng tâm sự gởi mây bay Thả hồn về chốn vô ưu với Suối hát hoa đàn mộng gối tay. Vì thế cho nên mới cứ bảo Thơ là Mộng và Mộng vẫn là Thơ. Tôi xin chấm hết chuyện Thơ, Mộng ở đây. Nguyễn Bá Trạc San Jose, 6 tháng 7, 1993 | |