Số ra ngày 01/01/2019: Sinh Hoạt & Đổi Mới |
viết từ... | |
Trần Tử Lăng Viết Về Dương Huệ Anh | |
Đây là bài của thi sĩ Trần Tử Lăng viết về thơ Dương Huệ Anh từ miền Bắc Việt Nam năm 1992 , sau khi đọc mấy tác phẩm Huyền Ca, Diễm Ảnh 1-2, Quê Hương Vĩnh Cửu Tình Yêu và Đường Nào Có Hoa Đào`... Thư Của Thi Sĩ Trần Tử Lăng Ở Quê Nhà ...Thi hữu Dương Huệ Anh thân mến Thật là bất ngờ, tôi nhận được hai tập thơ "Huyền Ca Diễm Ảnh" và "Quê Hương Vĩnh Cửu Tình Yêu" cùng bản thảo thi tập "Đường Nào Có Hoa Đào?" do bạn gửi tặng và muốn tôi góp ý kiến. Xin thành thật cám ơn thi hữu còn nhớ người bạn vong niên ở quê nhà, sau mấy chục năm xa cách, tưởng chừng như không bao giờ còn có cơ hội nói chuyện với nhau, dù chỉ qua giấy trắng mực đen. Tuy nhiên, tôi rất nghĩ ngợi khi bạn muốn tôi góp ý kiến về những đứa con tinh thần của bạn đã, đang hay sắp ra đời. Lý do là từ nhiều năm, tôi đã gác bút, vì hoàn cảnh khó khăn của đất nước và riêng phần mình cũng gặp rất nhiều chuyện đau lòng. Thêm nữa, là đã có nhiều thi, văn sĩ tên tuổi, cũng như các chức viên, các bậc lão thành như Hà Thượng Nhân, Trùng Quang... ít nhiều, cũng đã mượn giấy thay lời, góp ý kiến với tác giả; những nhận xét của kẻ ngu phu nầy, sợ sẽ thừa, và làm nhàm tai quí vị ấy, cũng như các bạn yêu thơ. Song le, sau khi nghĩ lại, tôi thấy cần phải viết, vì đây là công việc chung, có ảnh hưởng đến nền văn học nói riêng, và công việc bảo tồn và phát triển văn hóa nói chung. Vậy, tôi xin được theo gót các vị ấy góp với bạn một vài ý kiến, có thể là nông cạn, nhưng hết sức chân thành, mong được thông cảm. 1. Trước hết, tôi không ngạc nhiên khi thấy đa số, nếu không muốn nói là toàn thể các vị thức giả đã phát biểu về thi phẩm, đều ngỏ ý khen ngợi và cảm phục bạn qua những bài điểm sách, thư riêng, nhận xét, giới thiệu... Lý do giản dị là tôi đã biết rõ bạn từ lâu, hơn nửa thế kỷ nay. 2. Điều tôi thắc mắc là không thấy đa số các vị ấy, nói rõ những ưu và khuyết điểm của thơ bạn, nếu có, chẳng hạn thơ hay ở điểm nào, khuyết điểm ở đâu... Theo chỗ tôi hiểu, các lời nhận định chỉ có tính cách chung, gần như "chiếu lệ", nếu không muốn nói là "lờ mờ", như thế sẽ không giúp ích gì cho tác giả và người đọc, khi cần học hỏi thêm. Lý do nào? Cố ý hay vô tình? Cũng đều là một thiếu sót. 3. Để bổ khuyết, tôi xin có những nhận xét và cảm nghĩ sau đây: A. Cách đây mấy chục năm, ngay từ ngày thuộc Pháp, khoảng 40/41, rồi toàn dân kháng Pháp... tôi đã thấy bạn – cũng như tôi - làm thơ. Rồi đến khi di cư vào Nam (hồi 55-75), tôi cũng được đọc nhiều thơ của bạn, dù thời gian nầy, bạn đã là công chức, rất bận rộn trong công việc hành chánh. Song le, tôi thấy trong các thi tập gửi cho tôi, không có những bài ấy, những bài tôi rất thích thú khi đọc. Chẳng hạn như các vần sau đây: “... Phật tổ trang nghiêm ngự giữa tòa Trùng trùng mấy lớp ngọc liên hoa” hay là “... Hai đứa dìu nhau trong bóng đêm Rộn ràng, nghe tiếng đập đôi tim” nhưng tôi nhớ nhất là 2 câu trong bài “Bờ Biển Vũng Tàu“ “...Bể biếc, sóng vàng xô cát trắng Tang thương, má đỏ, lệ hồng rơi...” Sở dĩ tôi nhớ hai câu nầy, vì tôi được nghe bạn nói chuyện là lão thi sĩ Đông Xuyên đã chê nó, không phải vì nó dở, nhưng là vì nó chứng tỏ tâm hồn tác giả quá yếu đuối. B. Về phương diện văn chương, nói chung, thơ của bạn vẫn hay, và truyền cảm như ngày nào, cách đây 3, 4 chục năm. Bài thơ mà tôi cho là gợi cảm nhất là bài bạn để ở trang đầu, theo thể lục bát: "Dấu Xưa". Tôi nghĩ, nếu người được tặng thơ mà đọc đến nó chắc phải nhớ ơn người tặng mình, vì nó chứng minh lòng chung thủy của tác giả, đối với người yêu của mình, dù đã trải qua một thời gian khá dài... cả hàng mấy chục năm, vẫn giữ được những kỷ niệm khó quên thủa còn là học trò: “.. Lớp chiều, hai ngã chia đôi, Trường thì tấp nập, mình tôi ngỡ ngàng. Lần đầu tiên thấy bẽ bàng, Lần đầu tiên, nhặt lá vàng, đề thơ..." Lúc đầu, đọc những vần nầy, người ta sẽ chưa có cảm nghĩ sâu xa, nhưng khi đọc qua những bài kế tiếp, như "Rồi Một Ngày Kia", "Áo Xanh, Áo Tím...” người ta mới thấy cái chua chát, ngậm ngùi trong câu thơ. Nếu ta hiểu hoàn cảnh trớ trêu của tác giả, mới thấy thương hại kẻ si tình, vì đó là cảnh “tiếu tự văn nhân lạc đệ thì” ghi lại nỗi niềm tác giả khi “thi rớt”, trong lúc giai nhân lại “bảng hổ đề danh”. Thật éo le. Một cô cháu của tôi, khi đọc xong tập "Huyền Ca Diễm Ảnh" đã khóc… vì quá thương "người thơ" gặp quá nhiều lận đận trong tình trường, qua những vần thơ êm đềm và tha thiết của tác giả, trước những mối tình tan vỡ. Thơ bạn hay và truyền cảm, nhưng ở những điểm nào? Vâng, theo tôi nghĩ, ở chỗ không lúng túng trong khuôn khổ, niêm luật thơ, dù lục bát hay thất ngôn, tác giả đã thoải mái diễn tả cảm nghĩ của mình một cách tự nhiên, trước những biến thiên của cuộc đời, sự đổi thay của vũ trụ, bên lề xã hội, qua cuộc chiến tranh dài 30 năm, và sự bất lực của thế lực tôn giáo. Lời thơ hoa mỹ, bóng bẩy, không cầu kỳ... có thể sánh ngang những vần thơ đắc ý nhất của các thi sĩ hữu danh, từ tiền chiến. Âm điệu nhịp nhàng, du dương, lôi cuốn, không kém các bản nhạc trữ tình... trong suốt 140 bài thơ, chỉ có một vài gượng ép, và sơ sót, còn bài nào cũng hay, chứng tỏ tác giả rất đều tay, bản lãnh vững vàng... Chỉ tiếc, không có một số lớn bài tôi đã được đọc trước đây, có lẽ, dù tác giả không nói rõ, đã bị thất lạc qua những cuộc biến thiên trong những thời gian qua. Đọc những bài thơ về thời kỳ kháng Pháp, tôi lại nhớ đến những ngày tản cư, chạy giặc... ở những vùng núi như Hòa Bình, có lẽ ở đây bạn đã gặp mối tình thoáng qua như đã ghi trong bài "Đi Bốn Phương Trời Chẳng Gặp Phương"… Khi đã an cư, lạc nghiệp, dù đã phải ngược xuôi, vất vả nhiều lần, nguồn thơ của bạn vẫn lai láng, như bất tận, bất cứ gặp cảnh ngộ nào, bạn cũng có hứng để ghi lại cảm nghĩ bằng thơ. Từ ngày ở miền Bắc, cho đến khi di cư vào Nam, trải qua đúng 20 năm, bạn đã sáng tác rất nhiều, qua những mối tình trong sáng và lãng mạn, rất đẹp và rất nên thơ. Bài nào đọc tôi cũng thấy thích thú, từ "Đàn Không Người Họa", qua "Em Mùa Xuân Mới", đến "Duyên Phượng", "Thu Sầu"... cho mãi đến bài "Mười Sáu Năm Qua..." tôi mới thấy hình như hồn thơ đã đổi chiều. Lúc nầy tác giả hình như, đã đau khổ quá nhiều, nên có vẻ chán chường, đi tìm một hướng khác, thay cho tình yêu cá nhân, để lấy thi hứng sáng tác. Những bài thơ “Miền Bắc Quê Tôi” nói lên tâm sự của tác giả đối với quê hương và gia đình, nhưng khuynh hướng rõ rệt nhất của tác giả là hướng về tâm linh, dựa vào tôn giáo, đúng ra là Phật giáo, để tìm quên và vui trong nhưng ngày cuối của cuộc đời, tiêu biểu là những bài như “Bờ Giác, Trở Về”, “Thức Tỉnh”, “Hư Ảo”, “Hành Vân Lưu Thủy”, “Yên Hà Tự Tại”. Đến đây, người ta nghĩ tác giả đã dừng lại, và không còn sáng tác nữa, nhưng tôi đã ngạc nhiên khi thấy nguồn thơ lại dào dạt sau đó, và rồi ào ạt... thể hiện trong những thi tập sau. Có thể nói, bạn đã hồi sinh, sau một thời gian tạm nghỉ... để lấy sức. Và tôi thấy bạn đã lấy lại phong độ, tiếp tục con đường sáng tác một cách mạnh mẽ hơn, và vững chắc hơn, chứng cớ là thi phẩm "Quê Hương Vĩnh Cửu Tình Yêu" và "Đường Nào Có Hoa Đào?" tiếp theo, trong một thời gian ngắn. Đồng thời, tư tưởng của bạn dường như cũng đổi khác, bạn trở nên phóng dật hơn, như đứng trên một vị trí "rộng rãi"hơn, bạn ghi lại những cảm nghĩ về cuộc sống, những đau khổ của kiếp người, những hư hỏng của xã hội, những tấm lòng của con người, và sự bất lực của thế lực thần quyền. Người ta có thể thấy những chứng tích trong các bài thơ rải rác trong hai thi tập sau nầy qua những bài thơ như “Vô Thường”, “Xiêng Mai”, “Hương Cảng”, “Bản Cốc”, “Bạn Một Đêm”, “Quan Âm, Đức Mẹ”,”Xuân Nào Vĩnh Cửu”, “Thực Tướng”... và còn nhiều nữa, những bài trong thi tập sắp in… 18 tháng, 3 tập thơ, tôi tưởng nếu không phải là người có hồn thơ, nếu không phải là người sống rất thực với lòng mình, nếu không cảm xúc mãnh liệt với hoàn cảnh, bạn sẽ khó có thể hoàn tất được những công trình có giá trị cho nền văn học nước nhà… C. Về chi tiết, tôi phải nói, thơ bạn không giống một dòng thơ nào từ tiền chiến đến nay. Thơ bạn không có cái đắm đuối, nôn nóng, cuồng nhiệt của tuổi trẻ như trong thơ Xuân Diệu, cái u hoài, man mác trong thơ Huy Cận, cái say mê, trang trọng như thơ Vũ Hoàng Chương, cái lãng mạn, phiêu hốt như thơ Đinh Hùng. Không thể đem so sánh thơ bạn với thơ Lưu Trọng Lư, vì thiếu cái tự do, phóng túng, cũng không thể để gần thơ Hàn Mặc Tử, Bích Khê... thơ bạn phảng phát hương thơ J. Leiba và Thế Lữ... nhưng trong thơ bạn có nhiều điểm mà hai thi nhân nầy thiếu vắng, thơ bạn có tính cách đa dạng, phạm vi của thơ sâu rộng hơn, và lời thơ, điệu thơ có vẻ trầm tĩnh và hài hòa hơn. Vẫn đam mê, đau khổ, buồn thương, chán nản... nhưng lúc nào cũng ở trong mực thước, không quá đáng, hay nói cho dễ hiểu không cực đoan, có thể nói là trung đạo. Thơ có vẻ hiền hòa, chứ không chân chất hoàn toàn như nhà thơ Hà Thượng Nhân nhận định, vì lời thơ nhiều chỗ rất hoa mỹ, và lãng mạn, như những câu dưới đây: "...Thương lắm, đôi môi ướt mộng quỳnh, Xuân chào, thu đón bước thư sinh Hai hàng ngọc mở như mời mọc Trao nụ hôn yêu, hứa hẹn tình..” và: "...Thương quá, ôi thân vóc ngọc ngà Thơm mùi trinh bạch, nét kiều hoa Bên nhau, quên hết, tình man dại Trăng gió hồng hoang, mộng diễm hà..." hoặc như: "...Lời em dịu ngọt đêm trăng mật, Thơm nụ hôn đầu, ngưng trái tim..." rồi: "...E thẹn khi hôn... quá vụng về Dời nhau, e ấp... bước chân đi Khi yêu... còn cứ e dè mãi Bẽn lẽn, nghê thường bỏ vũ y..." Lúc đầu, tôi không hiểu ý tác giả định nói gì, nhưng sau khi ngẫm nghĩ, tôi đã hiểu rõ và rất cảm phục lối dùng chữ... kín đáo của bạn. Tóm lại, thơ bạn không thuần phác như người ta tưởng, trái lại rất hàm tình, tình cảm được gói gửi rất kín đáo trong những lời thơ mỹ lệ và âm điệu du dương, rất gợi cảm. Có điều, nó phản ảnh đúng cá tính của bạn, qua bao nhiêu biến cố "lịch sử", vẫn giữ vững bản sắc, và ngày càng như có vẻ thăng hoa, tiến bộ thêm. Tôi vẫn nghĩ bạn là một người đã trưởng thành trong tranh đấu, trải qua bao đau thương, buồn khổ... nhưng vẫn thầm lặng đi cạnh cuộc đời, như một triết nhân có tâm hồn thi nhân. Thật vậy, từ ngày thuộc Pháp, rồi kháng chiến, chiến tranh, lưu vong, bao nhiêu người đã làm thơ, cũng như bạn, nhưng tôi thấy trong thơ bạn không có giọng cay đắng, hận thù như thơ những người đồng thời với bạn. Có phải là do quan niệm sống "chấp nhận tất cả" của bạn đã giúp bạn giữ được một thái độ hòa đồng với cuộc sống, như triết lý "lục hòa" của Phật giáo vẫn thường nêu cao. “...Vọng ngã, mê tâm, đời khổ não Tham sân, tình lụy, gốc thương đau Trở về Nguồn sáng, mong tìm đạo Rũ sạch tâm tư, dứt nghiệp sầu”. hay: “...Cát bụi, trở về cát bụi thôi Thương... không hận nước... một chiều xuôi Về Nam, về Bắc, đường trăm ngả, Hư ảo, cùng đau khổ cuộc đời” hoặc “...Không tiếc, không thương, chẳng ngậm ngùi Đời như thế đó, trộn buồn vui” hay là: “...Bừng tỉnh, đêm nao giữa ngả đường Chân trời dịu sáng ánh từ quang” D. Càng nghĩ, tôi càng cảm phục bạn. Với một gánh nặng gia đình, từ ngày còn trẻ, không được ai phụ giúp, ngay cả những người thân, vì hoàn cảnh chia cắt quê hương, bạn đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đã đi từ con số không, không những đứng vững trước bão tố, mà còn tiến bộ đến địa vị ngày nay. Trong cuộc sống vật chất ở xứ người, bạn đã không bị lôi kéo vào guồng máy, và bị nó đè bẹp, hay nghiền nát, mà trái lại, vẫn gần như an nhiên tự tại, tranh đấu không ngừng để nuôi đàn con nhỏ dại, cho đến lúc chúng thành tài hay nên người. Không những thế, bạn còn đủ nghị lực, tâm hồn... để làm thơ, yêu thơ, như cách đây nửa thế kỷ, mà bạn đã ghi trong tập thơ “Huyền Ca Diễm Ảnh“ “...Từ tuổi mười ba, đã biết buồn Xa trường, một buổi nhớ hoàng hôn.” Đáng phục hơn nữa, là một thời gian ngắn nữa đây, bạn lại sẽ cho ra mắt thi tập “Đường Nào Có Hoa Đào?”, đa số là những bài thơ mới, với những vần điệu truyền cảm như thủa nào, đó là điểm làm tôi mến mộ bạn hơn. Chắc hẳn bạn phải có một hồn thơ “đặc biệt”, và “cảm xúc đặc biệt”, trong một môi trường cũng đặc biệt lắm mới hoàn tất nổi công trình nói trên. E. Hồi tưởng lại, khoảng năm 1942, giữa lúc cuộc thế chiến II đang lan tràn đến gần xứ sở, tôi gặp lại bạn, lúc đó về quê lánh nạn. Hàng ngày anh em tụ họp nhau tập làm thơ. Lúc đó là thời của Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương... ai cũng nghĩ đó chỉ là chuyện vui chơi. Thoáng... đã nửa thế kỷ qua, bạn bè ly tán, kẻ mất người còn, tôi đã gác bút từ lâu, riêng bạn vẫn còn tiếp tục trên đàn thơ, đó là điểm đáng mừng. Nhưng tôi còn mừng hơn nữa vì thấy bạn còn đủ sức lực và tinh thần theo đuổi “nghiệp dĩ”, mà xem ra còn có vẻ phát triển, tiến bộ hơn thủa thiếu thời. Ước mong bạn sẽ tiếp tục con đường đã vạch, để góp một phần muôn một trong cuộc xây dựng nền văn hóa nước nhà, làm vẻ vang cho dòng họ ở Sơn Nam. Dù sao, những nhận xét trên nầy chỉ có tính cách riêng, xin bạn thứ lỗi nếu có chi lầm lỗi. Chúc bạn và gia đình vạn sự như ý. Hà Nội,ngày 15/9/1992, năm Nhâm Dần Trần Tử Lăng | |