Số ra ngày 01/01/2019: Sinh Hoạt & Đổi Mới |
trình bày/góp ý | |
Thương Quân Lê & Dương Huệ Anh | |
Sau khi trích đăng trên NET những thi tập in chung trong Tổng tập I Thơ Dương Huệ Anh,(gồm 6 TT), thể theo ý kiến của các bạn đọc, chúng tôi xin cho phổ biến tiếp những bài thuộc nhiều thể tầi khác, -văn. khảo, góp ý...- mở đầu bằng bài nhận xét về thơ Dương Huệ Anh, của bác sĩ Thương Quân Lê, một nhà thơ, mà cũng là một cây bút nghị luận quen thuộc trong Cộng Đồng Tị Nạn Việt Nam ở miền Thung Lũng Hoa Vàng (Santa Clara County)...dưới tiêu đề: "Thương Quân Lê & Dương Huệ Anh'. Xin cảm ơn sụ khích lệ quí bạn, BBT 10/13/2017. DƯƠNG HUỆ ANH, NGƯỜI THƠ MUÔN THỦA CỦA TÌNH YÊU Có một sự trùng hợp kỳ lạ, khi chủ trương xuất bản tạp chí thơ Về Nguồn, cùng trong một tháng, một tuần, tôi khám phá thấy hai tác giả thơ rất xứng đáng là thi sĩ (hay nhà thơ), nếu muốn nói như thế, vì qua hai thi phẩm của họ vừa xuất bản và ra mắt vào năm 1991, Hoa Bút Trình Xuyên và Huyền Ca Diễm Ảnh, khi đọc những bài thơ của họ không bị “khổ độc” tức là không bị khổ sở vì phải đọc những bài thơ sai luật, sai âm vận mà ý tứ lại ngô nghê, tầm thường, xáo rỗng. Thi sĩ Trình Xuyên có vẻ chuyên về thơ luật, đặc biệt là thơ Đường, và trước tác về đủ loại đề tài trong khi Dương Huệ Anh, qua tác phẩm Huyền Ca Diễm Ảnh, hầu như chỉ thấy viết về đề tài Tình Yêu, nói đúng ra là tình yêu trai gái, mà khi đọc, người đọc không thấy tẻ, không thấy nhạt, không thấy trơ trẽn, xáo thô, ngây ngô, ngớ ngẩn. Ngày ra mắt thơ của tác giả, năm ngoái -1991-, những người lên diễn đàn hầu như đều rất vui lòng được giới thiệu thơ của ông và những người ngâm thơ cũng đều rất vui lòng vì được ngâm những bài thơ có âm thanh tiết tấu tự nhiên, tình ý chan hòa và có người cứ muốn ngâm hết bài thơ này đến bài thơ khác của tác giả. Nói như vậy, không phải để quá khen Dương Huệ Anh, vì thơ hay tự nó đã nói lên giá trị của nó, mà chỉ muốn nhấn mạnh đến một vấn đề là những người làm thơ muốn được độc giả chấp nhận, dung nạp, truớc nhất thơ của họ phải hay và đừng làm khổ người đọc với những âm thanh tiết tấu nghịch thường. Người ta cũng cần phân biệt những tác phẩm thơ nổi danh vì chính nó là thơ, chứ không phải qua một lăng kính (nhạc), để biến dạng thành nhạc. Một bài thơ mà sau khi phổ nhạc được nổi danh thì đó là công lao của người nhạc sĩ, nhưng một bài thơ hay, nổi danh trước khi phổ nhạc, mới đích thị là một bài thơ hay. Hình như Vũ Hoàng Chương chưa có một bài thơ nào được phổ nhạc, nhưng ai cũng phải nhận họ Vũ là một thi tài của miền Nam, của nền Thi Ca Nhân Bản, Dân Tộc. Một bài thơ phải là một bài thơ, khi người ta đọc, người ta phải nhận chân ra giá trị đích thực của nó, và người ngâm phải nhận ra được đó là một bài thơ hay và tự nguyện ngâm lên chứ không phải vận động người này, người kia ngâm dùm. Ngâm sĩ - hình như không có chữ nào chính xác hơn - là người (phải) biết chọn lựa lấy những bài thơ hay để ngâm. Ngâm sĩ có trình độ phải là người chọn những bài thơ không có câu trên ngược nghĩa, phản nghĩa với câu dưới và nhất là không được sai luật để làm khổ người nghe và làm khổ cả mình. Ngâm sĩ cần phải biết lên bổng xuống trầm, lúc ào ạt, lúc nhẹ nhàng, thơ mộng...tùy theo tình tiết ý thơ, đoạn thơ... Thơ của Dương Huệ Anh là một trong những trường hợp đó. Và một đặc điểm khác cũng cũng làm cho thơ của Dương Huệ Anh lúc nào cũng là thơ của thời đại được, tức là thơ của muôn thủa, của muôn người vì tác giả viết về tình yêu. Đề tài tình yêu vẫn là đề tài muôn thủa của nhân loại, của trai gái và thơ không có tuổi, thơ không già. Và trong tác phẩm Quê Hương Vĩnh Cửu Tình Yêu này, tình yêu vẫn chiếm ngôi vị độc tôn nhưng có khác một điều là tình yêu ở đây đã bay bổng, vượt lên cao để hòa cùng tình yêu non nước, không gian, đời, đạo, thiên đàng, quê cũ, làng xưa, là Tết, là Rằm tháng Bẩy là tình bạn, là tình nhân loại, nghĩa đồng bào...Do đó trong tác phẩm này, tình đã thăng hoa thành lý tường, thành nghĩa vụ mà nhà thơ có nhiệm vụ phổ biến, rao truyền. Và người thơ, như người anh hùng Phạm Thái ngày nào, xa xưa lắm, đã: Gửi hồn trong mắt hồ thu ngọc, Trọn giấc xuân hồng, mộng gối tay. Và người thơ đa tình, khi gặp giai nhân, dù nơi xứ người, tưởng như đã gặp được một vị anh thư tài sắc một thời, nên đã bừng lên niềm hi vọng, tin yêu: Thương nhớ Huyền Trân mấy kiếp rồi, Ngàn sau lưu luyến mãi không thôi... Hôm nay, ngược lối vô tiền sử, Tưởng gặp Huyền Trân tại xứ người... Nhưng: Huyền Trân này chẳng phải Huyền Trân... Mà chỉ là: Ngày xưa Huyền Ngọc, nay Huyền Diệu, Vì thực ra đó chỉ là người thơ đã mơ về một người ngọc nào đó, ở đâu đây: Thoáng...ánh xuân hồng, mơ Bích Vân... Đứng trước tình yêu tuyệt vời như thế, như thơ, như mơ, nhà thơ càng cảm thấy đẹp nên càng phải diễn tả thành lời để truyền đạt chân lý muôn đời ấy, và nhà thơ tự thấy có bổn phận viết ra để mọi người cùng cảm được, cùng thưởng thức được. Đó là nguyên do để tác phẩm Quê Hương Vĩnh Cửu...Tình Yêu được tác giả cho xuất bản và ra mắt chúng ta. Và đó cũng là chủ đích của kẻ viết bài này để giới thiệu đến quí vị thế giới “thơ” rất thơ của Dương Huệ Anh và xin mời quí vị hãy bước vào thế giới tình yêu với Dương Huệ Anh để tìm thấy một rừng hương sắc khác. Thương quân Lê (ngày Cinco de Mayor 1-5-1992) | |