Số ra ngày 01/11/2008: Thu Đông 2008 |
nghiên/khảo | |
Xuân Hương & Hồ Xuân Hương | |
XUÂN HƯƠNG VÀ "HỒ XUÂN HƯƠNG " Thái Uyển Thơ Hồ Xuân Hương có mặt trên văn đàn Việt Nam đã hơn 80 năm với cuốn "Hồ Xuân Hương thi tập" bằng quốc âm, do nhà in Xuân Lan của ông Nguyễn Ngọc Xuân ấn hành năm 1913 ở Hà Nội . Vào thập kỷ 40, khi đang theo cấp trung học, chúng tôi đã được đọc một số bài trích trong thi tập này, và cảm tưởng chung là rất thích thú, vì những lời thơ điêu luyện, dí dỏm của tác giả, mang nhiều ẩn ý, khiến ta đỏ mặt hay thầm nở nụ cười khoái trá. Đại đa số thơ làm theo thể Đường luật (rất khó), không những chỉnh tề, mà còn bay bướm, sử dụng những vận rất oái oăm (tự vận) ít người họa nổi, như om, mòm, lom, khòm, khom, dòm.. và những hợp-từ độc đáo: toen hoẻn, cỏ gà lún phún, cá diếc le te, con cò mấp máy .. Khen thì ai cũng phải khen, nhưng câu hỏi được (giới văn học) đặt ra, ngay từ lúc đầu là: -Thi tập Hồ Xuân Hương này có đích thực của Hồ Xuân Hương không, hay chỉ là một sự gán ghép, nghịch ngợm. -Hồ Xuân Hương có phải thuộc nữ phái, và có thực hay không? Lý do nêu ra là, trong một hoàn cảnh khắt khe (mà nữ giới bị coi rẻ, kìm kẹp .. dưới một chế độ quân chủ độc tôn coi trọng nam quyền, phụ quyền, -nữ phái (thường) ít học)- khó có thể xuất hiện một tài nữ có khả năng xuất chúng, và tư tưởng phóng túng quá mức, đi trước thời đại cả trăm năm, như Hồ Xuân Hương này. Hay đây chỉ là tác phẩm của một nhà Nho nào đó, muốn mượn danh nữ phái để dễ lôi cuốn người đọc, nhất là giới bình dân, hoặc đó là một công trình tập thể của dân gian (như ca dao)? Để trả lời câu hỏi trên, chúng tôi nghĩ cần trở lại tiến trình nghiên cứu của các nhà văn, báo đi trước, may ra tìm được một giải đáp hợp lý, hợp tình. Điều nên lưu ý là: cho đến nay, chúng ta chưa có một bản văn nào được coi là nguyên bản Thơ Hồ Xuân Hương (thủ bút của tác giả, hay bản ghi chép thơ của tác giả). Thay vào đó, chúng ta chỉ có bản văn chép tay bởi hậu thế, và những bản thơ Nôm khắc trên gỗ, in vào đầu thế kỷ 20. Theo nghiên cứu của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, bản thơ Nôm Hồ Xuân Hương đầu tiên được viên quan Pháp Antony Landes thuê (nho sĩ) chép tay khoảng năm 1892- ở Hà Nội. Bản quốc văn, như đã biết, do nhà in Xuân Lan xuất bản từ năm 1913. Tiếp theo là cuốn Giai Nhân Di Mặc của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, (có thể ra đời vào khoảng 1916). Sau đó, cho đến nay, đã có nhiều nhà văn, nhà báo tham gia nghiên cứu, tìm hiểu tiểu sử, và thơ ca Hồ Xuân Hương..như Nguyễn Văn Hanh, Hoa Bằng, Dương Quảng Hàm, Trương Tửu, Nguyễn Duy Diễn, Nguyễn Sĩ Tế, Lữ Hồ...Trần Thanh Mại, Trần Văn Giáp, Cao Huy Du, Xuân Diệu, Nguyễn Đức Bính, Hoàng Xuân Hãn..Kết quả, chúng ta đã có trong tay nhiều tư liệu, bản văn ..giúp tìm hiểu thêm về thân thế và thơ của Hồ Xuân Hương, dù chưa có sự đồng ý hoàn toàn. Như đã thấy, Nguyễn Hữu Tiến là người đầu tiên nói về tiểu sử " Hồ Xuân Hương", dù ông, có lẽ chỉ dựa vào các giai thoại để gắn vào từng bài thơ, rồi vẽ sơ lại cuộc đời của tác giả. Nhưng thật sự mãi đến 1925, trong cuốn Việt Văn Hợp Tuyển giảng nghĩa, ông mới viết: “Truyền rằng bà là người họ Hồ ở Nghệ An ..là bậc tài nữ ..cuối đời Lê..Có họa thơ với các danh sĩ đương thời, giọng thơ có đặc sắc riêng ..” Dương Quảng Hàm, trong Quốc Văn Trích Diễm, nói về Hồ Xuân Hương, cũng tương tự, và chỉ ghi thêm: (Bà) chẳng may số phận hẩm hiu, thân thế long đong .. Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc cũng không bàn gì khác hơn (1927). Sở Cuồng Lê Dư, trong Nữ Lưu Văn Học (1929) thêm chi tiết: "Nàng định kén chồng, nhân khoa thi (Hương), bèn mở cửa hàng bán nước để rước các danh sĩ, trong đó có một người sau (khi thi đổ lấy bà, tức là ông Phủ Vĩnh Tường. Tham hiệp trấn Yên Quảng là người chồng sau cùng của bà! “ Dương Quảng Hàm, trong Việt Văn Giáo Khoa Thư (1940) cho biết rõ hơn, đại ý Hồ Xuân Hương là con gái Hồ Phi Diễn, người làng Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An..(Bà) học giỏi, thường lấy thơ thử tài các danh sĩ bấy giờ. Duyên phận long đong.. Trước lấy lẻ ông Phủ Vĩnh Tường,.. sau lấy Cai Tổng Cóc, ..cuối cùng, hình như bà có ý đi tu.. Về thơ, bài nào cũng chứa chan tình tự, hoặc lẳng lơ, hoặc chua chát ..Hay gieo những vận oái oăm mà rất hợp..” Năm 1964, nhà văn Trần Thanh Mại, khi phân tích bài tựa tập Lưu Hương Ký (mới tìm thấy), đã đưa ra những chứng minh Hồ Xuân Hương là con của Hồ Sĩ Danh (1706)- 83)- và là em ruột của Hồ Sĩ Đống (1738- 85), chứ không phải là con Hồ Phi Diễn. Trong lúc dư luận còn phân vân thì tạp chí Văn Học số tháng 3/74 đã cho phổ biến một tư liệu của Tam nguyên Trần Bích San (1840- 78), theo đó Hồ Xuân Hương mất vào năm 1869 (chứ không phải 1822, như nhiều người đã viết) như vậy họ Hồ, nếu có thực, thọ tới 94 tuổi! (nếu sinh năm 1772). Vậy, sự thực như thế nào? Trong tập “Hồ Xuân Hương, thiên tình sử”, ở đoạn L, cố giáo sư Hoàng Xuân Hãn, viện dẫn một tài liệu chữ Hán trong viện Viễn Đông Bác Cổ, cho biết có một nhân vật tên XUÂN HƯƠNG trong sử sách, vốn là ái thiếp của viên Tham hiệp trấn Yên Quảng Trần Phúc Hiển. Viên chức này sau bị tội tử hình vì bị tố cáo bức bách dân hối lộ, trong số người tố cáo có bạn đồng sự là Án thủ Dung vì ganh ghét nàng. Bà Xuân Hương này, được coi là có tài văn chương, chính trị..nổi danh tài nữ, và được chồng cho dự việc quan ..sách chính sử Đại Nam Thực Lục ,Q.57, trang 12a ..cũng ghi chép việc ấy. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn cho nàng Xuân Hương này chính là Hồ Xuân Hương, người được gán cho là tác giả của những bài thơ thường được truyền tụng là của một phụ nữ Việt Nam, có một không hai trong lịch sử văn học, vì những câu thơ táo bạo, điêu luyện, nặng ẩn ý (về tính dục). Lý do là nàng Xuân Hương này cũng giỏi về văn chương và duyên phận long đong (trải mấy đời chồng!) như “Hồ Xuân Hương” trong truyền thuyết. Xin nhắc lại: từ khi tập thơ Hồ Xuân Hương được ấn hành (bản quốc ngữ) vào đầu Thế kỷ thứ 20 ở Hà-Nội (năm 1913 Nhà in Xuân Lan của ông Nguyễn Ngọc Xuân), đã có rất nhiều lời phê bình, tranh luận, một số không tin tưởng có một Hồ Xuân Hương trong lịch sử. Qua sự nghiên cứu, về thân thế của Hồ Xuân Hương, xét ra cũng còn nhiều điểm mù mờ, các nhà văn, nhà báo .. phần đông chỉ đưa ra những giả thuyết, chưa có chứng cớ nào chắc chắn. Theo tài liệu mới nhất do tiến sĩ Phạm Trọng Chánh nêu ra, phần lớn lại dựa vào bài khảo cứu của GS. Hoàng Xuân Hãn,- Hồ Xuân Hương tên thật là Hồ Phi Mai, con ông Hồ Phi Diễn, sinh năm 1703 và mất năm 1786, thọ 83 tuổi. Ông sinh ra Hồ Phi Mai năm 1772, khi ông đã 69 tuổi. Chánh quán của ông tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, vốn là một dòng họ nổi tiếng, có nhiều chi ở các nơi, nhiều đời có người thành đạt về khoa cử và quan trường. Có chi di ra Tây Sơn, Trung phần - như Hồ Phi Phúc-, đổi thành họ Nguyễn, và sinh ra anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Như vậy, theo tài liệu này, nàng Hồ Xuân Hương, và anh em họ Nguyễn vốn đồng tộc, có ông tổ chung thứ 8 là Hồ Sĩ Anh. Vẫn theo tài liệu đã dẫn, Hồ xuân Hương, nếu đúng - , sanh ra và lớn lên ở làng Nghi Tàm, gần Hồ Tây (Hà-Nội), làng này có nghề trồng hoa, nên có nhiều vườn hoa rất đẹp dễ làm nẩy thi hứng đối với những kẻ nặng hồn thơ. Theo truyền thuyết, Hồ Xuân Hương học ở nhà với cha (vốn đỗ Tam trường), rất thông minh, dĩnh ngộ, luôn học lỏm ..mà hay chữ, năm 13 tuổi đã biết làm thơ (đặc biệt là thơ quốc âm), thường xướng họa với các danh sĩ trong vùng. Cũng theo Hồ Tộc hiền lục của Hồ Trọng Chuyên, tính nàng dạn dĩ, hồn nhiên.. Sau khi cha mất (1786), nàng tiếp tục tự học, và nối nghề dậy trẻ ..giúp đỡ mẹ mưu sinh ..Theo thuyết này, nàng Hồ Xuân Hương xinh đẹp ..(không xấu xí như truyền khẩu trong dân gian-theo những tài liệu cũ-như Đông Châu ..) Trong sách đã dẫn, -Hồ Xuân Hương, Thiên tình sử- Gs Hoàng Xuân Hãn viết : "Ta có thể tin chắc rằng tài nữ này (Xuân Hương) chính là tài nữ Hồ Xuân Hương .. Cũng như nữ sĩ trong truyền thuyết - Hồ Xuân Hương-, Nàng giỏi văn chương, duyên phận hẩm hiu, thường phải làm vợ bé, khi chồng làm quan thì thì nàng thường thay chồng phê án .." Chứng cớ khác mà Gs Hoàng Xuân Hãn đưa ra là mấy bài thơ chữ Hán nói về Vịnh Hạ Long (trong vùng Yên Quảng) của một Hồ Xuân Hương nào đó, mà ông đã đọc được, trong tập sách chép tay Đại Nam Dư Địa Chí Ước Biên, quyển nói về tỉnh Quảng Yên (xưa là Yên Quảng)- lưu ở văn khố Pháp quốc hồi năm 1952. Theo Gs Hoàng Xuân Hãn, ở cuối quyển này có 5 bài thơ Đường luật chữ Hán có ghi tên tác giả là Hồ Xuân Hương, đề vịnh cảnh Hạ Long ?(nơi mà hơn 100 năm trước, một người có tên là Xuân Hương, được ghi là vợ nhỏ của quan Tham hiệp Yên Quảng Trần Phúc Hiển ). Các bài thơ này đều không có đề mục, Gs Hoàng Xuân Hãn đã tự đặt đề và dịch ra quốc âm thể văn vần, phần lớn tả cảnh thiên nhiên vịnh Hạ Long, với những tình cảm nhẹ nhàng..khác xa với lời thơ nặng tính chất phóng túng và đầy diễu cợt của những bài đã được lưu truyền . Căn cứ vào những sự chứng nói trên, Gs Hoàng Xuân Hãn (và những người kế thừa), vẽ lại vài nét chính trong cuộc đời của nàng Xuân Hương ấy (mà ông tin là Hồ Xuân Hương) như sau: 1/- Vào khoảng năm 1818, Hồ Xuân Hương là vợ nhỏ của Tham hiệp Trần Phúc Hiển, Yên Quảng, nàng có văn tài, có thể đã giúp chồng trong việc quan..mà nhân đó gây ra nhiều sự thù ghét trong số liêu thuộc. 2/ Nàng thích làm thơ, nhất là thơ chữ Hán, thể Đường luật, và có nhiều bạn thơ, phần nhiều nam phái ..ưa xướng họa. Tiến sĩ Phạm Trọng Chánh mới đây, trong quyển sách mới in, với tựa đề:"Hồ Xuân Hương,, nàng là ai", đã phác lại (có vẻ như chắc chắn) những bước đường mà nàng Xuân Hương đã qua, từ khi sinh ra (1772) cho đến khi mãn phần (1822), mặc dầu phần lớn chỉ dựa vào suy đoán thôi. Ta đã biết vấn đề tìm hiểu thân thế và văn chương của Hồ Xuân Hương đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đến, kể từ ngày nhà văn Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến nêu ra trong Giai Nhân Di Mặc, do Đông Kinh ấn quán phát hành (và sau đó trong tạp chí Nam Phong.) Rồi sau đó Dương Quảng Hàm, Nguyễn Văn Ngọc (Ôn Như), Sở Cuồng Lê Dư lần lượt lên tiếng ..cho biết một vài truyền thuyết về thân thế của nữ sĩ. Gần đây nhất, nhà văn Trần Thanh Mại, sau nhiều năm liên tục tìm tòi, đã đạt được những kết quả đáng kể, công bố trên các số tạp chí Nghiên cứu Văn Học, năm 1961, 63 và 64, trong đó quan trọng hơn cả là sự phát hiện tập Lưu Hương Ký . Trở lại quá khứ, khoảng năm 1940, ta đã biết -trong sách Việt Văn Giáo Khoa thư, Gs Dương Quảng Hàm phát giác gốc tích Hồ Xuân Hương: Nàng là con của ông Hồ Phi Diễn, người làng Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An, căn cứ vào những gia phổ và hương biên mượn về được để khảo cứu soạn sách. Dù có một vài điểm không thống nhất trong các gia phổ ấy (như tên của ông Hồ Phi Diễn không có đầy đủ trong các phổ (vì nhiều lý do: bỏ đi xa, khác chi ..) đa số nhà nghiên cứu đều chấp nhận thuyết Hồ Phi Diễn là cha đẻ của Hồ Xuân Hương. Về sinh hoạt tình cảm của họ Hồ (cứ tạm cho Xuân Hương này là Hồ Xuân Hương), trong tập Lưu Hương Ký mà họ Trần tìm được ở Thư Viện Khoa Học Trung Ương Hà-Nội (1963), được đóng liền vào bài Du Hương Tích động của Chu Mạnh Trinh, người ta thấy nàng Xuân Hương này đã có thêm người bạn thơ là Tốn Phong Thị, mà nàng nhờ đề tựa hộ tập thơ ấy (Lưu Hương Ký). Đáng tiếc tập Lưu Hương Ký này chỉ có 31 bài thơ của Tốn Phong Thị họa tặng nàng, còn chính thơ của nàng Xuân Hương lại thất lạc. Qua bài tựa của Tốn Phong Thị, người ta (theo ý họ Phạm), đã suy đoán ra sự liên hệ giữa hai người và vài cái mốc trong cuộc sống của nàng Xuân Hương, từ 1807- 14- cho đến ngày nàng về làm tiểu thiếp viên Tham hiệp Yên Quảng (1817). Sau khám phá của Trần Thanh Mại, cử nhân (Hán học) Nguyễn Văn Tú, quán làng Hành Thiện, Nam-Định, lên tiếng cho biết nhà ông có cuốn Lưu Hương Ký, và đã gửi lưu tại Viện Văn Học, Hà-Nội. Di cảo ấy, -của họ Nguyễn-, tập Lưu Hương Ký, có 22 trang , gồm 52 bài thơ hay từ-chữ Hán-, dưới 30 đầu đề, được Trần Thanh Mại và Nguyễn Lộc dịch ra quốc văn-, gồm 2 loại thơ: tự tình và ứng đáp với bạn..như Tốn Phong Thị, Trần Phúc Hiển.. Họ Trần nhận xét trong 31 bài thơ mà Tốn Phong Thị nói đến Hồ Xuân Hương thì có 29 bài nhắc đến chữ Mai là cây mơ, bởi vậy đã có người vội nghĩ tên tục của nàng là Hồ Phi Mai (như ông PTChánh), nhưng nếu đúng như vậy thì tại sao trong các gia phổ lại ghi là Hồ Xuân Hương? Tuy nhiên giả thuyết trên (nói Hồ Xuân Hương là con Hồ Phi Diễn) không được một số nhà nghiên cứu tán đồng, trong đó có Trần Thanh Mại, và mới đây Đào Thái Tôn.., theo đó, Hồ Xuân Hương, nếu có thật, -căn cứ vào ý kiến của Tốn Phong Thị, là con ông Hồ Sĩ Danh (anh em cùng họ với Hồ Phi Diễn). Trong bài tựa Lưu Hương Ký, Tốn Phong Thị ghi Hồ Xuân Hương là em gái ông lớn Hồ, đậu Hoàng Giáp, người làng Quỳnh Đôi bấy giờ. Viên thượng quan này, theo tra cứu, chắc là Hồ Sĩ Đống (1738- 1785) đậu Hoàng Giáp (Tiến sĩ đệ nhị giáp) làm quan đến tham tụng (đầu triều) thời Chúa Trịnh Sâm và Trịnh Khải. Xin nhắc lại Hồ Phi Diễn chỉ đậu Tam trường thôi!) Nhưng..chính Đào Thái Tôn lại nêu ra nghi vấn trong giả thuyết của họ Trần, lấy lý do là trong hương biên của làng Quỳnh Đôi, có ghi chép khá đầy đủ về gia đình Hồ Sĩ Danh, nhưng tuyệt vô không có một dòng nào nói rằng ông có vợ thứ và sinh con gái (là Hồ Xuân Hương). Về vấn đề Hồ xuân Hương có liên hệ họ hàng gì với gia đình Vua Quang Trung Nguyễn Huệ, căn cứ vào sự phân tích tỉ mỉ của Đào Thái Tôn, trong thời điểm này ta phải tin là không có chứng cớ xác đáng. Nói tóm, thân thế Hồ Xuân Hương đến giờ phút này vẫn còn nhiều điểm phải được soi sáng thêm. Trọng điểm của vấn đề chúng ta muốn biết là: Nhũng bài thơ trong tập Hồ Xuân Hương đã được lưu truyền có đích thực của một nhân vật nữ có tên là Hồ Xuân Hương không? Hay đây chỉ là sự gán ghép, nghịch ngợm cố ý! Nàng Xuân Hương, ái thiếp của viên Tham hiệp Yên Quảng Trần Phúc Hiển có phải là Hồ Xuân Hương, tác giả những bài thơ đã được lưu truyền từ đầu thế kỷ 20 không. Theo sự suy luận sơ khởi của chúng tôi, sau khi đọc kỹ những bài viết của các nhà nghiên cứu : -Trong lịch sử, có thể tin là có một nhân vật Xuân Hương, vợ nhỏ viên Tham hiệp Trần Phúc Hiển, mặc dù thân thế của nàng chưa được rõ ràng (thân sinh là ai?..) -Nàng Xuân Hương này (dù có văn tài) không phải là Hồ Xuân Hương, tác giả (có thể là bị gán ghép) của những bài thơ đã được lưu truyền gần trăm năm nay. Lý do dễ hiểu là văn phong giữa hai người khác hẳn nhau, gần như đối nghịch . I- Để soi sáng vấn đề, bây giờ chúng tôi xin phép được giới thiệu những vần thơ trong Lưu Hương Ký, truyền là của Xuân Hương và bằng hữu xướng họa, bằng chữ Hán và Nôm, được chuyển qua quốc âm. Qua sự phân tích của ông Đào Thái Tôn, tập Lưu Hương Ký có 31 bài thơ, thì 10 bài đầu không ghi tên tác giả . Sau đó là 11 bài có phụ đề là “Phục y nguyên vận”, nhưng cũng không ghi rõ người viết là ai . Riêng 10 bài cuối cùng thì ghi rõ là của Tốn Phong Thị họa lại nguyên vận. Vậy 21 bài đó chưa biết rõ tác giả, nhưng trong một thời gian dài (1964- 83) hình như hai ông Trần Thanh Mại và Hoàng Xuân Hãn vẫn coi toàn bộ thơ trong Lưu Hương Ký đó (31 bài) là của Tốn Phong Thị họa thơ Xuân Hương. Vậy có thể nói, cho đến thời điểm này, chưa ai biết rõ 21 bài thơ đầu trong thi tập đó là của Xuân Hương hay là thơ của các danh sĩ khác họa lại nguyên vận. Tuy nhiên, dù tập Lưu Hương Ký có lẫn lộn thơ của Xuân Hương và các người xướng họa, phải công nhận đây là một tập Thơ Tình Cảm hiếm thấy ở đầu Thế Kỷ 19, dưới triều đại phong kiến, nặng tinh thần nam tôn nữ ti.-và nhờ nó, người ta thấy rõ sự liên hệ của Xuân Hương với các danh sĩ đương thời như : Nguyền Du, Tốn Phong Thị, các quan Hiệp trấn họ Trần ..ở Sơn Nam (Thượng, Hạ) Gần đây, theo ông Bùi Hạnh Cẩn, người ta đã tìm thấy, ngoài 2 bản Lưu Hương Ký ở Thư viện Hán Nôm Hànội, và nhà ông Cử Nguyễn Văn Tú, Hành Thiện, Nam Định,-một tài liệu khác ở nhà ông Trần Văn Hảo, làng Quần Phương, Nam Hà, mang tên Hương đình Cổ Nguyệt thi tập mà ông (Hảo) cho là của Hồ Xuân Hương, trong đó có 9 bài thơ Hán văn. Ông Bùi Hạnh Cẩn đã chép tất cả những bài thơ ông cho là của Hồ Xuân Hương (liên quan đến Lưu Hương Ký) gồm có 9 bài trong tài liệu của ông Trần Văn Hảo, 8 bài Đồ Sơn bát cảnh, 6 bài đề Vịnh Hạ Long, 11 bài trong Lưu Hương Ký (ở Thư Viện Hànội) tổng cộng là 34 bài, trong soạn phẩm của ông: Hồ Xuân Hương:Thơ chữ Hán, chữ Nôm và giai thoại. (Trong tập này, Bùi Hạnh Cẩn còn chép hơn 30 bài thơ liên quan đến Hồ Xuân Hương: 3 bài của Trần Hầu, 10 bài của Tốn Phong Thị,1 bài của Nguyễn Du, 2 đoạn trích thơ Tùng Thiện Vương, và 20 bài xướng họa, không rõ tên tác giả). Theo sách “Hồ Xuân Hương, tiểu sử, văn bản, tiến trình huyền thoại..” của Đào Thái Tôn, có những bài sau liên quan đến tập Lưu Hương Ký (Hán và Nôm): -Thuật ý kiêm trình hữu nhân Mai Sơn phủ -Quỳnh diên -Nguyệt tà -Thu tứ ca -Nguyệt dạ ca (2 bài) -Ngư ông khúc hành -Cảm cựu kiêm trình Cần chánh Học sĩ Nguyễn Hầu -Hoài cựu -Thu nguyệt hữu ức Mai Sơn phủ ký -Cảm cựu tống tân xuân chi tác -Ngụ ý Tốn Phong ký nhị thủ (2 bài) -Họa nhân -Tặng Tốn Phong tử -Ký Sơn Nam thượng trấn Hiệp trấn Trần Hầu (2 bài) -Hoa Sơn phủ chi tác -Tốn Phong đắc mộng chi dữ ngã khan -Họa Tốn Phong nguyên vận -Hoàng Giang ngộ hữu hỷ phú -Thệ viết hữu cảm -Tự thán (2 bài) -Lưu biệt thời tại Yên Quảng Yên Hưng ngụ thứ -Bạch Đằng Giang tặng biệt -Hoa Thanh Liên nguyên vận -Dữ Sơn Nam thượng Hiệp trấn quan Trần Hầu xướng họa (8 bài) -Xuân Hương tặng Hiệp Quận -Độ Hoa Phong* -Trạo ca thanh* -Nhãn phóng thanh* -Thủy vân hương* -Hải ốc trù * -Xin xem nguyên văn ở đoạn tiếp sau. Phong thể những bài này đều là thơ cổ điển, ý từ trang trọng, thanh nhã..dù nói đến giao lưu tình cảm, tuyệt không gợi một hình ảnh phóng dục nào ..như những bài thơ (Hồ Xuân Hương) vẫn được truyền tụng. Tiếp theo, chúng tôi xin trích lại 5 bài thơ chữ Hán nói về Vịnh Hạ Long (của nàng Xuân Hương) mà Gs Hoàng Xuân Hãn đã dịch và nêu ra trong “Hồ Xuân Hương, thiên tình sử” để tiện khảo nghiệm thêm. ĐỘ HOA PHONG Phiến phàm vô cấp độ Hoa Phong Tiêu bích đan nhai xuất thủy trung Thủy thế mỗi tùy sơn diện chuyển Sơn hình tà kháo thủy môn thông Ngư long tạp xử thu yên bạc Âu lộ tề phi nhật chiếu hồng Ngọc động vân phòng tam bách lục Bất tri thùy thị Thủy tinh cung QUA VŨNG HOA PHONG Lá buồm thủng thỉnh vượt Hoa Phong Đá dựng bờ son mọc giữa dòng Dáng nước lần theo chân núi chuyển Minh lèn nghiêng để lối duềnh thông Cá rồng lẫn nấp hơi thu nhạt Âu lộ cùng bay bóng xế hồng Băm sáu phòng mây cùng động ngọc Đâu nào là cái Thủy tinh cung TRẠO CA THANH Linh lung tứ bích liệt vân bình Ngọc duẩn sâm si thủy diện bình Tiệm giác Đào Nguyên sơn tác hộ Chỉ tùng ngư phố thạch đồn binh Tận giao Tạ khách du nan biến Già mạc vân lâm họa bất thành Dao vọng thủy cùng sơn tận xứ Hốt nhiên xung xuất trạo ca thanh TRỖI TIẾNG CA CHÈO Long lanh bốn phía rủ màn mây Nước phẳng lô nhô măng mọc dày Mới biết Nguồn Đào ngăn cửa đá Nào ngờ Bên Cá có đồn xây Mặc cho họ Tạ xem đâu hết Dẫu có chàng Lâm vẽ chẳng tày Xa ngóng chân trời non lẫn nước Bỗng nghe chèo hát trỗi đâu đây NHÃN PHÓNG THANH Vi mang loa đại tháp thương minh Đáo thử tu giao nhãn phóng thanh Bạch thủy ma thành thiên nhẫn kiếm Hàn đàm phi lạc nhất thiên tinh Quái hình vị dĩ tiêu tam giáp Thần lực hề dung tạc Ngũ Đinh Phảng phất vân đồi đầu ám điểm Cao tăng ưng hữu tọa đàm kinh MẮT TỎA MÀU XANH Bể xanh lấp loáng tận trời xa Đây ngỡ màu xanh mắt tỏa ra Nước bạc mài nên nghìn mũi kiếm Đầm im rơi xuống một sao sa Quái hình chưa dễ đề khoa bảng Thần lực đau đà tạc tượng ma Phảng phất mây rà đầu sẫm tối Cao tăng đang tụng chốn thiền gia THỦY VÂN HƯƠNG Vân căn thạch đậu tự phong phòng Mãn mục sơn quang tiếp thủy quang Thiệp hải tạc sơn si Lý Bột Phụ chu tàng hác bái Nguyên Chương Loa ngân tịch tể lân tuân xuất Vụ ảnh triêu mê thứ đệ tàng Mạn thuyết ngư nhân chu nhất diệp Sổ trùng môn hộ Thủy Vân hương VỀ CHỐN NƯỚC MÂY Chân mây lỗ đá tựa phòng ong Chốn chốn lèn chong ánh nước lồng Vượt bể, đục non cười Lý Bột Đội thuyền, giấu động phục Nguyên Ông Chiều êm sóng gợn lăn tăn nổi Sáng tỏa mù tan lớp lớp trong Vui chuyện kìa ai, thuyền một lá Cửa lèn len lỏi kiếm Non Bồng HẢI ỐC TRÙ Lan nhi tùy ý dạng trung lưu Cảnh tỉ sơn dương cánh giác u Sinh diện độc khai vân lộ cốt Đoạn ngao tranh kị khách hồi đầu Bằng Di điệp tác kinh thiên trụ Long Nữ thiêm vi hải ốc trù Đại để Thủy Hoàng tiên vị cập Cố lưu Nam điện củng kim âu PHỎNG DỊCH Giữa duềnh thủng thẳng phẩy chèo lan, Sát núi càng hay cảnh lặng nhàn. Mây cuốn bày ra lèn cứng cỏi, Núi cao ngửng ngóng đỉnh toan ngoan. Bằng Di chống cột e trời đổ, Long Nữ thêm nêu sợ bể tràn. Dấu ngựa Thủy Hoàng chưa đến đó, Trời dành để giữ đất người Nam. Theo Đào Thái Tôn, 5 bài thơ đề vịnh cảnh Hạ Long trên đây có vẻ không gần gũi với phong thể tập Lưu Hương Ký, nhưng chúng tôi nghĩ, dù thế nào, nó đã có một tác dụng chứng minh sự tồn tại của một nàng Xuân Hương trong lịch sử. II- THƠ NÔM TRUYỀN TỤNG CỦA ‘HỒ XUÂN HƯƠNG’ Nhũng bài thơ Nôm truyền tụng là của “Hồ Xuân Hương” được thu góp lại từ các nguồn liệu sau đây: -Văn bản do Antony Landes thuê chép lại từ 1893 qua khám phá của Gs Hoàng Xuân Hãn -Bản khắc năm Kỷ Dậu 1909,-năm Giáp Dần, 1914-, năm Tân Dậu, 1921, Phúc Văn Đường,-năm Nhâm Tuất, 1922, Quan Văn Đường. -Thơ Hồ Xuân Hương, 1913, 1914, Xuân Lan -Giai Nhân Di Mặc, Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, HàNội-1916 -Văn Đàn Bảo Giám-Trần Trung Viên-HàNội- 1926- 32 -Sách chữ Nôm chép tay thơ Hồ Xuân Hương ở Viện Nghiên Cứu Hán Nôm-HàNội -Tuyển tập Thơ Hồ Xuân Hương ở các địa phương Theo sự sưu tập đến nay, có khoảng trên 50 bài thơ Nôm được gán cho “Hồ Xuân Hương”, phần lớn theo thể tứ tuyệt và Đường luật, phổ biến nhất là các bài: Mắng học trò dốt.. Lấy chồng chung, Không chồng mà chửa,Thiếu nữ ngủ ngày, Vịnh cái quạt, Quả mít.. Dưới đây, chúng tôi xin trích lục một số bài tiêu biểu : MẮNG HỌC TRÒ Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ Lại đây cho chị dậy làm thơ! Ong non ngứa nọc châm hoa rữa, Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa . LẤY CHỒNG CHUNG (Làm lẽ) Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng Chém cha cái kiếp lấy chồng chung! Năm thì mười họa nên chăng chớ, Một có đôi lần có cũng không. Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm, Cầm bằng làm mướn, mướn không công. Thân này ví biết đường này nhỉ, Thà trước thôi đành ở vậy xong! KHÔNG CHỒNG MÀ CHỬA (Chửa hoang, Dở dang) Cả nể cho nên hóa dở dang Nỗi niềm chàng có biết chăng chàng! Duyên thiên(1) chưa thấy nhô đầu dọc, Phận liễu sao đà nẩy nét ngang!( 2) Cái nghĩa trăm năm, chàng nhớ chửa ? Mảnh tình một khối, thiếp xin mang. Quản bao miệng thế lời chênh lệch, Không có chồng mà chửa, mới ngoan. THIẾU NỮ NGỦ NGÀY Mùa hè hây hẩy gió nồm đông Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng. Lược trúc biếng cài trên mái tóc, Yếm đa trễ xuống dưới lưng ong (nương long) Đôi gò Bồng Đảo sương còn ngậm, Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông! Quân tử dùng dằng đi chẳng nỡ,(dứt) Đi thì cũng dở, ở không xong! ĐÈO BA DỘI Một đèo, một đèo, lại một đèo Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo Cửa son đỏ loét tùm hum nóc, Hòn đá xanh rì lún phún rêu. Lắt léo cành thông cơn gió thốc, Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo Hiền nhân, quân tử, ai là chẳng Mỏi gối, chồn chân, vẫn muốn trèo! CHÙA QUÁN SỨ Quán Sứ sao mà cảnh vắng teo, Hỏi thẳm sư cụ đáo nơi neo? Chày kình, tiểu để suông không đấm, Tràng hạt, vãi lần đếm lại đeo Sáng banh không kẻ khua tang mít, Trưa trật nào ai móc kẽ rêu? Cha kiếp đường tu sao lắt léo, Cảnh buồn thêm chán nợ tình đeo! ĐỘNG HƯƠNG TÍCH Bày đặt kia ai khéo khéo phòm Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom Người quen cõi Phật chen chân sọc, Kẻ lạ bàu tiên mỏi mắt dòm. Giọt nước hữu tình rơi thánh thót, Con thuyền vô trạo(1) cúi lom khom. Lâm tuyền quyến cả phồn hoa lại, Rõ khéo trời già đến dở dom! (1)-Trạo: mái chèo VỊNH CÁI QUẠT Mười bẩy hay là mười tám đây? Cho ta yêu dấu chẳng rời tay. Mỏng dầy chừng ấy, chành ba góc, Rộng hẹp dường nào, cắm một cây. Càng nóng bao nhiêu càng thấy mát, Yêu đêm chưa phỉ lại yêu ngày! Hồng hồng má phấn duyên vì cậy, Chúa dấu, vua yêu một cái này! SƯ BỊ ONG CHÂM Nào nón tu lờ, nào mũ thâm Đi đâu không đoi- để ong châm! Đầu sư há phải ..”gì” bà cốt, Bá ngọ con ong bé cái nhầm! SƯ HỔ MANG Chẳng phải Ngô, chẳng phải ta, Đầu thì trọc lốc, áo không tà. Oản dâng trước mặt dăm ba phẩm, Vãi nấp sau lưng, sáu bẩy bà! Khi cảnh, khi tiêu, khi chũm chọe, Giọng hì, giọng hỉ, giọng hi ha! Tu lâu có lẽ lên sư cụ, Ngất nghểu tòa sen nọ đó mà! CON ỐC NHỒI Bác mẹ sinh ra phận ốc nhồi Đêm ngày lăn lóc cỏ bùn hôi. Quân tử có thương thì bóc yếm, Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi! SƯ HOANG DÂM Cái kiếp tu hành nặng đá đeo Vui gì một chút tẻo tèo teo! Thuyền Từ cũng muốn về Tây Trúc, Trái gió cho nên phải lộn lèo! VÔ ÂM NỮ Mười hai bà mụ ghét chi nhau Đem cái xuân tình vứt bỏ đâu? Rúc rích thây cha con chuột nhắt, Vo ve mặc mẹ cái ong bầu! Đố ai biết đó vông hay trốc, Còn kẻ nào hay cuống vói đầu! Thôi thế thì thôi, thôi cũng được, Nghìn năm càng khỏi tiếng nương dâu! VỊNH CÁI QUẠT (2) Một lỗ sâu sâu mấy cũng vừa Duyên em dính dáng tự bao giờ ? Chành ra ba góc, da còn thiếu, Khép lại đôi bên, thịt vẫn thừa. Má mặt anh hùng khi tắt gió, Che đầu quân tử lúc sa mưa. Nâng niu, ướm hỏi người trong trướng, Phì phạch, trong lòng đã sướng chưa? HANG THÁNH HÓA-CHÙA THẦY Khen thay con Tạo khéo khôn phàm Một đố giương ra biết mấy ngoàm. Lườn đá, cỏ leo sờ rậm rạp, Lách khe, nước rỉ mó lam nham. Một sư đầu trọc ngồi khua mõ, Hai tiểu lưng tròn đứng giữ am. Đến đây mới biết Hang Thánh Hóa, Chồn chân, mỏi gối vẫn còn ham. HỎI TRĂNG Một trái trăng thu chín mõm mòm Này vừng quế đỏ, đỏ lòm lom. Giữa in chiếc bách khuôn còn méo, Ngoài khép đôi cung cánh vẫn khòm. Ghét mặt kẻ trần đua xói móc, Ngứa gan thằng Cuội đứng lom khom. Hỡi người bẻ quế rằng ai đó? Đó có Hằng Nga ghé mắt dòm! QUẢ MÍT Thân em như quả mít trên cây Da nó sù sì, múi nó dầy! Quân tử có yêu thì đóng cọc, Xin đừng mân mó, nhựa ra tay! ĐÁNH ĐU Bốn cột khen ai khéo khéo trồng Kẻ thì lên đánh, kẻ ngồi trông. Trai du gối hạc khom khom cật, Gái uốn lưng ong, ngửa ngưả lòng. Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới, Hai hàng chân ngọc duỗi song song. Chơi xuân đã biết xuân chăng tá ? Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không! VỊNH CÁI GIẾNG Ngõ ngay thăm thẳm tới nhà ông Giếng tốt thanh thơi, giếng lạ lùng. Cầu trắng phau phau, đôi ván ghép, Nước trong leo lẻ một dòng thông. Cỏ gà lún phún leo quanh mép, Cá diếc le te lách giữa dòng. Giếng ấy thanh tân ai chẳng biết, Đố ai dám thả nạ dòng dòng! HANG CẮC CỚ Trời đất sinh ra đá một chòm Nứt ra đôi mảnh hỏm hòm hom. Kẽ hầm rêu mốc trơ toen hoẻn, Luồng gió thông gieo vỗ phập phòm. Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm, Con đường vô ngạn tối om om. Khen ai đẽo đá tài xuyên tạc, Khéo hớ hênh ra lắm kẻ dòm! TÁT NƯỚC Đương cơn nắng cực chửa mưa tè, Rủ chị em ra tát nươc khe! Lẽo đẽo chiếc gầu ba góc chụm, Lênh đênh một ruộng bốn bờ be. Thì thòm đáy nước, mình nghiêng ngả, Nhấp nhỏm bên ghềnh, đít vắt ve! Mải miết làm ăn, quên cả mệt, Dạng hang một lúc đã đầy phè! Trong số thơ của “Hồ Xuân Hương”-đại đa số là thể Đường luật. Riêng trong tập Cảo Thơm (1919) của Đoàn Như Khuê có ghi bài Đánh Cờ Người, theo thể Song thất Lục bát-văn phong không khác Hồ Xuân Hương .Ở đây, chúng tôi xin đăng lại bài này để làm tài liệu. ĐÁNH CỜ NGƯỜI Chàng với thiếp đêm khuya trằn trọc, Đét đồn lên chơi cuộc cờ người. Hẹn rằng đấu trí mà chơi, Cấm ngoại thủy không ai được biết! Nào tướng sĩ bày ra cho hết, Để đôi ta quyết -liệt một phen: Quân thiếp trắng, quân chàng đen Hai quân ấy chơi nhau đã lữa. Thoạt mới vào, chàng liền nhẩy ngựa, Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên! Hai xe hà chàng gác hai bên, Thiếp sợ bí thiếp liền ghểnh sĩ. Chàng lừa thiếp đang khi bất ý, Đem tốt đầu dú dí vô cung. Thiếp đang mắc nước xe lồng, Nước pháo đã nổ đùng ra chiếu! Chàng bảo chịu, thiếp rằng chẳng chịu, Thua thì thua, quyết níu lấy con! Khi vui, nước nước non non, Khi buồn lại giở bàn son, quân ngà .. ĐỀ MIẾU SẦM THÁI THÚ Ghé mắt trông lên thấy bảng treo Kìa đền Thái-thú đứng cheo leo Ví đây đổi phận làm trai được, Thì sự anh hùng há bấy nhiêu! KẼM TRỐNG Hai bên thì núi, giữa thì sông Có phải đây là kẽm trống không? Gió giật sườn non khua lắc cắc, Sông dồn mặt nước, vỗ long bong. Ở trong hang núi còn hơi hẹp, Ra khỏi đầu non đã rộng thùng! Qua cửa, mình ơi, nên ngắm lại, Nào ai có biết nỗi bưng bồng?! .................................................... Đối với những bài thơ được truyền tụng là của “Hồ Xuân Hương” trên đây, giới văn học đã có cái nhìn như thế nào? Tác giả Đỗ Lai Thúy, trong cuốn Hô Xuân Hương, hoài niệm phồn thực cho đây là một hiện tượng độc đáo của nước ta, và có thể luôn cả thế giới, vì có lẽ, sau này chúng ta sẽ không còn gặp một trường hơp tương tự . Kỹ thuật điêu luyện và tài sử dụng ngôn ngữ trong thơ Hồ Xuân Hương không ai phủ nhận, cũng như hơi hướng dâm (và tục) của nó. Thực ra, vấn đề tính dục đã có từ ngàn xưa, không có gì mới, nhưng điều chúng ta ngạc nhiên là nó đã xuất hiện như một thách thức trong thơ Hồ Xuân Hương giữa một thời điểm mà xã hội đang bị câu thúc dưới một chế độ tôn trọng nam quyền, và phụ quyền. Trong thơ “Hồ Xuân Hương” chúng ta cảm nhận qua ngôn ngữ những hình ảnh liên quan đến hành động nam nữ, tính giao, những phần bộ khêu gợi của người nữ như: cái quạt, đồng tiền hoẻn, bánh trôi, quả mít, giếng, động, hang, hẻm, khe, móc kẽ rêu, thả nạ dòng dòng..với ẩn nghĩa, mập mờ (hai nghĩa) . Theo quan niệm Nho Giáo, văn chương học thuật được dùng để dậy dỗ dân, phát huy đạo đức..nên phải có tính cách xây dựng, tránh gây sự quá khích, dâm lọan.. Lẽ tự nhiên là các nhà văn, nhà báo thủ cựu (Việt Nam) không ưa thơ Hồ Xuân Hương, điều đáng nói là ngay cả George Cordier, một nhà biên khảo người Pháp, trong quyển “Hợp tuyển Tác giả Việt Nam,” cũng tỏ ra thiếu thiện cảm với tính dâm tục của thơ Hồ Xuân Hương (điểm này hầu như không ai phủ nhận). Riêng có Hoa Bằng (Hoàng Thúc Trâm) thẳng thắn bênh vực thơ Hố Xuân Hương, coi tác giả như một thi hào, mà còn xưng tụng là một nhà cách mạng, nhà tư tưởng lớn của thời đại. Trần Thanh Mại công nhận đại để Thơ Hồ Xuân Hương có nhiếu cái tục, cái dâm..nhưng oái oăm, chúng lại nằm trong những câu đầy tính cách nghệ thuật. Để giải thích tính dâm trong thơ Hồ Xuân Hương, nhiều nhà văn, nghiên cứu đã tìm đến học thuyết Freud (Phân tâm học), trong đó có Trương Tửu. Trong bài “Cái ám ảnh của Hồ Xuân Hương” -số 1, báo Tiến Hóa, năm 1936, ông cho là Hồ Xuân Hương bị bệnh thần kinh, bởi không được thỏa mãn tình dục. Nhà văn khác, Nguyễn Văn Hanh, và sau này, Văn Tân, Nguyễn Đức Bính.. cũng cho rằng vì Hồ Xuân Hương là người đa tình, lại gặp những cảnh bất đắc chí, nên có sự dồn nén tình dục ..cần phát hiện ra bằng lời thơ .. Thực ra, trong chúng ta, mỗi người đều có những ẩn ức, dồn nén riêng..có dịp là chúng sẽ phát hiện ra trên ngôn ngữ, hành động..(ngay cả trong văn chương, nghệ thuật), không có gì lạ cả. Điểm chúng ta thắc mắc là những bài thơ được gán cho Hồ Xuân Hương như truyền tụng, có thật của một người tên là Hồ Xuân Hương không. Và Hồ Xuân Hương này có phải là nữ phái không? Nàng Xuân Hương, ái thiếp của viên Tham hiệp trấn Yên Quảng, có liên hệ gì với nhân vật Hố Xuân Hương trong truyền thuyết (tác giả của những bài thơ dâm phổ biến từ đầu Thế Kỷ 20) Dựa vào những tư liệu đã phát hiện và suy luận riêng, câu trả lời của chúng tôi là: Nàng Xuân Hương hồi đầu Thế Kỷ 19, không phải là nhân vật Hồ Xuân Hương theo truyền thuyết (tác giả những bài thơ được coi là tục!) vì văn phong hai bên khác hẳn nhau, chưa nói là tài nghệ rõ ràng chênh lệch nhau . Thơ Hồ Xuân Hương truyền tụng không phải của một nhân vật nữ , có lẽ là của một nhà Nho chưa biết tên, có đặc tài về thơ Đường luật, muốn mượn tên Hồ Xuân Hương, để dễ biểu lộ tinh thần phản kháng chế độ kìm kẹp của chính thể đương quyền. Một học giả (ẩn danh) mà tác giả Nguyễn Ngọc Bích có ghi trong tập Hồ Xuân Hương Tác phẩm (của ông) xuất bản năm 2000, hình như đồng quan điểm với chúng tôi, khi nhấn mạnh: Nếu ta đem so sánh mấy chục bài thơ Nôm của Hồ Xuân Hương (chưa chắc có thật!) ngày trước vói những bài thơ chữ Nho trong tập Lưu Hương Ký...chỉ chịu khó nghiền ngẫm một chút , ta sẽ nhận thấy ngay văn phong của hai nguồn thơ ấy không thể hòa nhập với nhau được: một đằng thì sỗ sàng, thô tục, một dằng thì tình tứ triền miên, lẽ nào hai ngôn từ trái ngược đó lại có thể phát xuất ra từ một người? Văn phong phản ánh tính tình của con người, mà tính tình có thể thay đổi tùy theo tuổi tác, học vấn, hoàn cảnh, kinh nghiệm trong cuộc sống..(mau chậm tùy theo sự tu dưỡng), nhưng một người không thể cùng một lúc mà có hai bộ óc khác nhau..trừ khi.. THÁI UYỂN (Dương Huệ Anh) 12/10/2000 | |