Số ra ngày 01/04/2008: Xuân Hạ 08 |
nghiên/khảo | |
Cách Soạn một Ca Khúc | |
SƠ LƯỢC CÁCH SOẠN MỘT CA KHÚC Triều Đông (-Cần xem lại những Kiến thức Căn bản về Nhạc Lý trước khi học cách soạn nhạc bản. Dưới đây, chỉ là những nét sơ yếu; nên tham khảo các thư tịch đầy đủ hơn.) Ca khúc là bản nhạc có lời ca, được chia làm 2 loại: Romance (tình ca) và Chanson (đoản ca). Đoản ca là khúc nhạc ngắn, được dùng nhiều nhất, phần chính là Nhạc, nghĩa là nó không hoàn toàn phụ thuộc vào lời ca. Trừ trường hợp thơ Việt phổ vào nhạc, người soạn bị mất nhiều tự do, vì trong thơ gần như đã có sẵn một nhạc điệu nào đó -sự lên xuống của các âm sắc (dấu huyền, hỏi ngã..) trong thanh âm. Về hình thức, điểm chính cần lưu ý khi soạn nhạc bản là luật Cân phương hoàn toàn (carrure) ; các phần trong bài nhạc phải Cân Đối, Thăng Bằng (équilibre). Khi những câu nhạc (phrase) bị mất thăng bằng, (khập khiễng..), hoặc khi những Giai Kết (cadences) đặt sai chỗ..là luật Cân Phương đã không được theo đúng. Trước khi soạn bài nhạc, cần phân biệt các dụng ngữ kể sau: -Cadence : Giai kết -Césure : chỗ ngắt -Carrure :Luật cân phương -Concerto : Hợp diễn khúc -Forme : Hình thức (bài nhạc) -Incise : Tiểu tiết -Mesure : trường canh, phách -Member de phrase : Phân câu -Mélodie :Giai điệu -Opéra: Đại nhạc kịch -Opéra ballet : Đại ca vũ kịch -Phrase : Câu -Période : Đoạn -Rythme :Tiết tấu (tiết điệu) -Sonate : Đại tấu khúc -Symphonie : Trường tấu khúc -Temps :Thì Trường Canh, hoặc Phách ..là một phần của bài nhạc được chia ra làm nhiều phần bằng nhau, mỗi phần này lại có thể chia nhỏ ra nhiều phần nữa (cũng đều nhau) gọi là Thì. Tiết tấu (hay tiết điệu) là cách phối hợp những âm-hiệu(notes)-hay Dấu lặng trong một Phách. Như vậy trong mỗi trường canh, có thể có rất nhiều tiết điệu khác nhau (mau, chậm, êm, giật..) tùy theo ý của soạn giả. Bài nhạc có thể có nhiều Câu, dài hay ngắn.Hai ba câu hợp thành môt Đoạn để diễn tả một Ý chung. Trong bài nhạc, một câu sẽ diễn tả một ý nhạc rõ rệt, và phải kết thúc bằng một Dấu lặng(nghỉ) và Giai kết thích hợp. Tuy nhiên, một câu có thể chia làm nhiều phần nhỏ, gọi là Phân câu, và cũng được kết thúc bằng một giai kết nào đó( thường là Bán giai kết hay giai kết gẫy) mà âm-hiệu phải Dài hơn những âm hiệu khác trong câu.. Lấy bài Quê Nghèo của Phạm Duy làm thí dụ: Nhịp 2/4. Câu đầu (sol la do..) có 16 trường canh, chia làm 2 phân câu, mỗi phân câu có 8 trường canh.. Phân câu lại có thể chia làm nhiều tiểu-tiết, ly cách nhau bằng những chỗ ngắt (nghỉ) Đoạn có thể là một câu, hay là sự kết hợp của nhiều câu, tương thuộc nhau, diễn tả một ý nghĩa chính. NHỮNG ĐIỂM CHÍNH TRONG MỘT BẢN NHẠC -Nét nhạc: (dessin mélodique). Đó là tính cách của một đọan, câu nhạc hay bài nhạc.Nét nhạc có thể êm dịu, nhẹ nhàng hay hùng mạnh.. -Chủ điệu : (motif). Nét nhạc nổi bật (lấn át) của một bài nhạc.Cần có chủ điệu để sáng tác khúc nhạc. -Nhạc đề, Chủ đề, Biến khúc: (Thème, Sujet, Variations) Chủ đề của bản nhạc. Chủ đề và biến khúc liên lạc mật thiết với nhau. -Khai đề (khúc dạo): Prélude, Introduction: Câu giới thiệu, mở đầu bản nhạc, như Tựa(Preface) một quyển sách. -Kết: (conclusion) là câu chấm dứt một bản nhạc Tuy nhiên, Kết và Khai đề không có tính cách bó buộc trong một bản nhạc ( có hay không cũng được). -Đoạn vãn hồi (ritournelle). Đoạn nhạc nhỏ viết dành riêng cho nhạc khí biểu diễn, trước một Phiên khúc(couplet)-phần nhạc chính thức. Khi ở cuối bài nhạc, đoạn Vãn Hồi được coi là Câu Kế`t. Vãn Hồi đoạn viết ở đầu bài nhạc, có giá trị như Dạo khúc. -Âm thanh:(Sons). Tiếng chuông, tiếng mõ là âm thanh. Âm thanh khác nhau bởi Âm sắc (Timbre); Cường độ (Intensité); trường độ (durée); Xướng cung (Intonation).. -Giai điệu (Mélodie). Sự nối tiếp một chuỗi âm thanh khác nhau tạo nên bản nhạc (thang âm). -Tiết tấu (Rythme): Cách chuyển vận của câu nhạc; sự phối hợp âm thanh.. Nó có thể mau, chậm, gồ ghề, trôi chẩy, nhẹ nhàng, hùng dũng..Theo nhiều tác giả, Tiết tấu có tính cách quyết định giá trị một bản nhạc. -Hòa âm (Harmonie). Sự hòa hợp âm thanh để làm giai điệu thêm phong phú, uyển chuyển, đẹp đẽ.. GIAI ĐIỆU Những yếu tố chính của Giai điệu. -Xướng cung (intonation). Sự lên, xuống của âm thanh (bổng, trầm), nghĩa là sự khác biệt về chiều cao của thanh âm. -Tiết tấu (rythme). Sự chuyển vận mau, chậm của thanh âm. Giai điệu có thể dùng ít (2,3 ) hay nhiều âm hiệu .Ít như bài Consolations của Rousseau, chỉ có 3 âm hiệu Sol-La-Si. Sáng tác gồm nhiều âm hiệu thường chiếm đa số (7,8..), vi âm vực (étendue des sons) rộng hơn, nhiều màu sắc hơn. Để bài nhạc dễ hát, âm vực thông thường không nên quá một bát độ–8 (octave), tất nhiên người viết nhạc có thể vượt qua qui lệ ấy, nhưng không trên một Thập nhị trình –12 (douzième). Và, ta đã thấy trong bài Tình Ca của Phạm Duy, âm vực vượt khỏi thập tứ trình-14- (quatorzième), ít có ca sĩ trình diễn được dễ dàng. CÁCH VIẾT CÂU NHẠC Viết câu nhạc phải lưu ý đến Tiết tấu, để thính giả phân biệt được Thì mạnh, yếu, và mỗi Phách, vì nhiều khi tiết điệu khá phức tạp. Tốt hơn hết là nên dùng những tiết điệu giản đơn lúc đầu. Hình thức bài nhạc. Có thể dùng hình thức Cân đối (forme métrique) hay Không cân đối (non métrique) để viết các câu nhạc. Trong hình thức Cân đối, các câu nhạc, (hoặc phân câu) phải Thăng bằng (đều nhau) ; các giai kết sẽ phân biệt rõ ràng các câu và phân câu. Đối lại, hình thức không-cân-đối, không đòi hỏi các câu nhạc phải đều nhau; các giai kết không rõ ràng.nhưng ta nên hạn chế áp dụng, nếu ta muốn có những nét nhạc êm dịu, trôi chẩy. GIAI KẾT VÀ TRƯỜNG CANH.. Trong một bản nhạc, có nhiều trường canh. Có thể khởi đầu hay kết thúc bài nhạc bằng một trường canh đủ (complète) hay thiếu (incomplète), và chấm dứt nó với một Giai kết Nam (terminaison masculine)-kết trên Thì mạnh( temps fort) hay nữ (féminine)-kết trên Thì yếu ( temps faible). Trường canh đủ, khi giá trị âm hiệu của trường canh ấy đầy đủ. Trong nhịp 3/4, các âm hiệu phải là: đen, đen, đen hoặc 1 trắng, 1 đen; hoặc những âm hiệu tương đương. Trái lại, là những trường canh thiếu, trừ trường hợp giá trị âm hiệu (hay dấu lặng) thiếu đó ở dưới 1/ 4 của tổng số giá trị trường canh (ví dụ trường canh có 4 thì, nếu giá trị nốt thiếu trên 1thì kể là trường canh thiếu), nhất là những trường canh mở đầu bài nhạc.Tất nhiên, những trường hợp này không áp dụng luật cân phương. Ngoại trừ những trường canh cuối của một bản nhạc, dù thiếu, đủ..vẫn được tính vào luật cân phương. CÁCH PHÂN CHIA CÂU NHẠC Câu nhạc có thể chia theo (nhị phân), (tam phân) hay (tứ phân).. có nghĩa là trong mỗi phân câu trong câu nhạc, sẽ có 2, 3, 4 trường canh.. Tuy nhiên, ta có thể dùng lối hỗn hợp, các phân câu có thể lúc là 2, lúc có 4 trường canh.. Những tỉ dụ : về nhị phân như bài “Lời Người Ở Lại” của Hoàng Nguyên; tam phân có bài: “ Hòn Vọng Phu 3” của Lê Thương; và tứ phân như : “ Bến Xuân Xanh” của Dương Thiệu Tước.. Nhạc Việt ưa dùng thể tứ phân. PHÂN LOẠI CÂU NHẠC Câu nhạc dược chia ra làm nhiều loại:-1- Cân phương (thăng bằng)-2- Bình Thường- 3-Không cân bằng -4- Ngoại lệ. -1- Câu Cân Phương: các phân câu chỉ gồm 4 trường canh. -2-Câu Bình Thường: giai kết và ngắt đoạn đúng chỗ..,khoảng cách bằng nhau. -3-Câu bất Cân Bằng: các phân câu không chia thành 4 trường canh. -4-Câu Ngoại Lệ: câu mà các phân câu không bằng nhau, gồm 5, 7 trường canh. -Khai Đề: Những câu nhạc không có lời ca,(từ 4 đến 8 trường canh)- thường đặt ở đầu bài, để giới thiệu tính chất, thể điệu bản nhạc (Xem bài Thiên Thai của Văn Cao-hoặc bài Tiếng Đàn Tôi của Hoàng Trọng.) Xin lưu ý là các phần Khai Đề, Vãng Hồi..không tính vào luật Cân Phương của bản nhạc. Câu nhạc gồm ít nhất gồm tám (8) trường canh, chia làm hai (2) phân câu (mỗi phân câu 4 trường canh), bởi vì riêng 4 trường canh không đủ diễn tả ý tứ câu nhạc. Trong trường hợp này,(câu có 8 trường canh), ở trường canh thứ tư , phải có giai kết tạm; nhưng cuối trường canh thứ tám(8), giai kết phải là trọn (hoàn toàn). Ngoài hai giai kết đó, trong câu nhạc nên có những chỗ Ngắt, và tiểu tiết..ở cuối những trường canh không có giai kết. Câu được dùng nhiều nhất là câu có 16 (mười sáu) trường canh , chia làm 4 phân câu, mỗi phân câu là bốn (4) trường canh, đặc biệt là ở nhạc Việt. Xem bài Hương Quê của Hoàng Quý, hoặc Con Sẽ Về..của Thu Hồ. Hai câu 16 trường canh có thể hợp thành một (1) đoạn nhạc (32 trường canh). Trong những bài nhạc ngắn, ta có thể dùng một câu 16 trường canh, và lặp lại 4 trường canh cuối (tổng cộng là 20 trường canh). Trừ câu nhạc có 4 trường canh, các hình thức câu nhạc khác (8, 12..trường canh) được coi là cân đối và thường được sử dụng đến. Lại cần nhớ là một câu (hay đoạn) nhạc có thể không kết thúc bằng Chủ âm, mà bằng một âm khác (nhất là Áp âm). NHỮNG TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT Bên cạnh những trường canh thường, có một số trường canh đặc biệt như: Trường canh phụ, trường canh bổ túc, và trường canh lưỡng dụng. Trước hết, TC lưỡng dụng vừa kết thúc câu trước, vừa khởi đầu câu sau, có hai tác dụng nên được kể như hai trường canh trong một câu nhạc; tuy nhiên loại trường canh này khó đọc thấy. Về TC bổ túc, sẽ được dùng khi cần làm câu nhạc được cân đối(như trường hợp câu nhạc 8 trường canh mà chỉ có 7; nên phải thêm dấu Nghỉ cho trường canh Thiếu (8) cho câu nhạc đầy đủ. Trường hợp TC phụ, không phải là do câu nhạc thiếu trường canh, mà vì soạn giả muốn ca sĩ có thời gian nghỉ thêm(vì thời gian của trường canh cuối đã hết) ; trường canh phụ này không tính vào luật Cân Phương. Trong sáng tác, ta có thể bắt đầu bằng bất cứ âm nào trong thang âm (do, ré, mi, fa, sol, la, si..), hoặc là Chủ âm, âm chính của bài nhạc-Trung âm (âm thứ 3 trong thang âm) hay Áp âm (âm thứ 5 trong thang âm), hoặc một Bát độ (octave) trên hay dưới. Xin lưu ý: các quãng nhạc ngắn.. 1-2, 1-3..dễ cho những câu nhạc uyển chuyển; trái lại, những quãng xa (như 1-5; 1-6..) lại đưa đến những nét nhạc độc đáo, nguyên thủy.. Qui tắc của sự phối hơp âm thanh là dùng nhiều những quãng nhạc ngắn làm căn bản, thận trọng khi viết (hay tránh) những quãng cách trên một bát trình (octave); nhất là thập nhất/nhị/tam trình (11,12,13..) Lúc đầu, nên phối hợp âm thanh trên giấy trắng, mực đen; sau khi thông thạo, chúng ta có thể thực hiện nó trong đầu óc, lễ tất nhiên sẽ đòi hỏi một thời gian, dài hay ngắn, tùy người. Sau khi phối hợp âm thanh, soạn nên bài nhạc, ta phải tìm cho nó một tiết tấu (tiết điệu) thích hợp: -Tính cách vui, buồn của bài nhạc; -Hành âm, Tiết tấu (mouvement, rythme) bài nhạc: Mau (vui), chậm(buồn).. Cũng bằng đó âm thanh, ta có thể diễn tả qua nhiều hình thức khác nhau, nếu thay đổi tiết tấu (tiết điệu..). Trong công việc này, nhạc sĩ hay dùng đến các đảo phách (syncopes), nghịch phách (contre-temps), liên-ba (triolet) và các Dấu nghỉ (silences).. Xem trong bài “Khúc Ca Ngày Mùa” của Lam Phương, đã dùng nhiều đảo phách và dấu-nghỉ nên bài nhạc có nét độc đáo nhờ nhịp tiết tấu.. CHUYỂN ÂM THỂ (Tranpositions) Bài nhạc nào cũng có một Âm Thể chính, như Do trưởng, La trưởng (major) ..hoặc La thứ, Ré thứ (minor). Tính chất âm thể Trưởng là vui; trái lại, âm thể Thứ là buồn. Tuy nhiên, ta có thể đổi tính chất của một âm thể (vui, buồn) bằng cách chuyển qua một âm thể khác (Trưởng qua Thứ, và Thứ qua Trưởng). Khi viết nhạc để hát, nên viết những âm thể có ít Biến cung (dấu Thăng/ Giáng), như Do trưởng, không có dấu Biến cung, hay Ré trưởng: chỉ có hai dấu Thăng. Ré thứ, chỉ có một dấu Giáng... Âm thể Trưởng (vui) có thể cho cảm giác buồn nếu được chuyển âm qua thể Thứ, và trường hợp ngược lại( âm thể Thứ (buồn) có thể đổi thành vui, nếu được chuyển qua âm thể Trưởng. Ngoài ra, ta có thể phối hợp tiết tấu để làm công việc đó (âm thể vui, dùng tiết tấu chậm sẽ gây cảm giác buồn; âm thể buồn, dùng tiết tấu nhanh..sẽ cho cảm giác vui..) ÂM THỂ KẾ, CẬN -Âm thể kế cận: Những âm thể khác nhau một Dấu Thăng/Giáng ở biến cốt (armature), như Do trưởng (không dấu) và Sol trưởng (1 dấu thăng). -Âm thể có dấu Thăng/Giáng giống nhau, như Do trưởng và La thứ (không dấu), nhưng âm thức lại khác nhau, như Do trưởng và La thứ. -CHÚ Ý: Nếu bài nhạc (hơặc đoạn đầu) viết với âm thể chính là Do trưởng, thì phải kêt thúc (đoạn cuối) câu cuối cùng bằng Do trưởng. Trong một bài nhạc có 4 câu (hay đoạn), ta có thể dùng 3, hay 4 âm thể là nhiều nhất để viết , và bố cục như sau: -Câu (đoạn) đầu: :âm thể Do trưởng;- Chủ âm-1 -Câu (đoạn) 2, với âm thể Sol trưởng;-Áp âm- 5 -Câu (đoạn) 3 với âm thể La thứ; -Âm thể kế cận-(cùng Dấu Thăng/Giáng) -Câu (đoạn) thứ tư: trở về âm thể Do trưởng.-Chủ âm. Recommendations: -Viết riêng cho bạn TyTa sử dụng -Cần đọc thêm những sách dạy Nhạc cơ bản và Trung cấp -Mới đầu tập Xướng Âm, từng quãng ngắn, như 1-2; 1-3; 1-4; 1- 5 ( Do/Re; Do/Mi; Do/Fa; Do/Sol; Do/La; Do/Si..và ngược lại..) để ký âm dọc đường.. -Tập một nhạc khí (instruments), tốt nhất là Organ; Piano..(Ký âm ở nhà) -Phổ thơ vào nhạc Việt rất công phu (vì thơ đã có giai điệu sẵn)-Khó hay! GOOD LUCK 18/11/03 Triều Đông | |