Số ra ngày 01/01/2008: Đông Xuân |
viết từ... | |||||
Hoàng Cầm : Mối Duyên Văn Chưa Dứt | |||||
HOÀNG CẦM, MỐI DUYÊN VĂN CHƯA DỨT Dương Huệ Anh Đã có khá nhiều người viết về nhà thơ Hoàng Cầm. Lý do cũng dễ hiểu: Ong là một (trong những) khuôn mặt lớn trên thi văn đàn Việt Nam thuộc thế kỷ 20. Hôm nay, chúng tôi được vinh dự viết mấy dòng về ông cũng vì mối duyên văn nghệ. Thực sự, khi HC đã bắt đầu nổi tiếng trên văn đàn (nhất là ở miền Bắc) thì chúng tôi chưa qua bậc trung học, và cũng đang tập tành thơ thẩn để làm quen với các bạn khác phái. Khi vở kịch thơ Kiều Loan của ông trình diễn thành công lần đầu ở Nhà Hát Lớn Hà Nội, năm 1946, chúng tôi cũng được tham gia gián tiếp và theo dõi qua báo chí, truyền thông … và lòng riêng rất thán phục người nghệ sĩ tài hoa vùng Kinh Bắc. Trái vời mong ước, phải đến năm sau, mùa hè 1947, chúng tôi mới có dịp được sơ kiến ông, cùng một số văn nghệ sĩ nổi tiếng khác như Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng …trong Đại hội Văn Hóa Liên khu 3 ở Thái Bình. Và rồi, cũng từ ngày ấy, hai bên chưa có lần gặp lại. Sau biến cố tháng 4/1975, chúng tôi định cư ở một thành phố thuộc bang Cali(fornia, và ở đây, đã có dịp gặp cô gái cưng của Hoàng Cầm là Kiều Loan với giọng ngâm thơ thiên phú, và chúng tôi đã có nhiều cơ hội cộng tác chặt chẽ với nhau trong những sinh hoạt văn nghệ bất vụ lợi. Rồi, gần đây thì chúng tôi – qua thơ văn – lại được may mắn biết đến người bạn đời (ngày trước) của ông là Tuyết Khanh, vai trò chính trong vở kịch thơ Kiều Loan, cách đây hơn 60 năm, dưới bút hiệu Tịnh Nguyệt Anh Nương. Đời sống của Hoàng Cầm những ngày sau vụ Nhân Văn giai phẩm như thế nào, đại đa số chỉ biết qua tin tức báo chí, có điều chắc là phải khó khăn hơn trước, vì tuổi đời chồng chất và môi trường hoạt động hạn chế, với một gia đình đông trẻ còn nhỏ, và thiếu sự hỗ trợ từ nhiều nguồn, nhiều phương. Gần đây, nghe tin ông bị ngã, phải dùng “xe lăn”, vài anh em ở hải ngoại, nhân dịp về quê nhà, có ghé thăm ông, ai cũng bùi ngùi, thương cảm. Thời gian sau này, lại được biết thêm vụ Nhân Văn giai phẩm đã được “xét lại”, có một số trường hợp được “bạch hóa”, trong đó có ông, thì những bạn bè thân sơ cũ, ai cũng mừng cho ông vì “dù sao, chậm, còn hơn không!” Riêng chúng tôi, nhân dịp về quê thăm họ hàng, có may mắn gặp lại nhạc sĩ Hoảng Dương, một “đồng chí”-đã hơn nửa thế kỷ xa cách; trong lúc lan man tâm sự, mới hỏi dò được địa chỉ dưỡng bệnh của nhà thơ vùng Kinh Bắc, chỉ vài giờ trước khi dời thành phố Hà Nội. Rồi như là mối duyên văn chưa dứt, trong khi chuẩn bị hành lý ra phi trường, chúng tôi đã tiếp xúc được bằng điện thoại với nhà thơ Hoàng Cầm và được ông đồng ý tiếp trong vòng 20 phút vì điều kiện sức khỏe của ông. Quá gấp rút, chúng tôi phải nhờ cô cháu “đèo” xe gắn máy đến ngay chỗ hẹn, khá vát vả vì đường phố Thủ đô cũng có cảnh “kẹt xe” như đô thị Sàigòn. Leo hết 4 tầng lầu, chúng tôi cảm thấy hơi mệt, thì may cuối cùng đã được gặp lại nhà thơ, sau 60 năm cách biệt, trong căn phòng riêng ở lầu 5. Sau vấn an, Hoàng Cầm kể lại vụ ông ngã xe, bị gẫy xương đùi cách đây 4 năm, có thể vì sự chữa trị không đúng cách, cho nên hiện thời di chuyển rất khó khăn, đi đâu (xuống lầu), phải có người cõng, và dùng xe lăn. Hàng ngày, ông sống một mình trong phòng, không ai chăm sóc, trò chuyện …con cháu bận đi làm đến trưa/ tối mới ghé qua, tinh thần xuống “rất thấp”, dù giọng nói của ông còn khỏe. Câu cuối cùng ông trả lời, khi chúng tôi khuyến khích ông “đại huynh cần lạc quan: “ Với tình cảnh này, anh xem tôi có thể lạc quan được không? Có lẽ tôi khó qua khỏi được năm sau!” Ngập ngừng, chúng tôi đánh trống lảng, và xin bắt tay cáo từ vì đã đến giờ ra phi trường. Hình ảnh Hoàng Cầm với dáng điệu mệt mỏi, chán nản (dù bề ngoài có vẻ trầm tĩnh), đã ám ảnh chúng tôi suốt chuyến bay vào Nam và khi trở về nơi thường trú: phải làm cái gì để thiết thực giúp đờ nhà thơ trong nhừng ngày (buồn nản) cuối cuộc đời, trong vài năm tới? Với hiện trạng, khó có hi vọng chữa lành vết thương của ông, giờ đây để ông có thể sống bình thản với chuỗi ngày còn lại, thiết nghĩ cần có người chăm sóc, phụ giúp, trò chuyện hàng ngày với ông (khi vắng mặt con cháu)…Nếu có điều kiện, chúng tôi thấy có thể mướn riêng một người đến làm những dịch vụ ấy với giá tiền vừa phải! Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao!! Chúng tôi thiết tưởng để thực hiên công việc này, một cá nhân khó thể làm nổi, cần có sự tiếp sức của đa số, những người yêu thích văn nghệ, và nhất là những văn thi hữu, thân hữu của nhà thơ vùng Kinh Bắc. Thay mặt cho ban Vận động Tương trợ Văn Nghệ sĩ sơ khởi, xin kêu gọi sự tiếp tay rộng rãi của các giới, sự hỗ trợ thiết thực tùy nghi của các văn thi hữu, thân hữu …thể hiện tinh thần tương thân tương ái trong giới thi văn, và lòng biết ơn đối với một đại tác giả đã đóng góp nhiều công trình giá trị cho văn học nước nhà. Để độc giả và văn thi hữu hiểu rõ thêm về nhà thơ Hoàng Cầm, chúng tôi xin phép được lược kể lại gia thế và văn nghiệp của ông (theo tư liệu ông trao đổi với tác giả Nguyễn Kim Dung). Họ tên thật ông là Bùi Tằng Việt, sinh năm 1922; nơi sinh là thôn Phúc Tằng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang nhưng nguyên quán lại ở làng Lạc Thổ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh (xưa có tên là Luy Lâu, thủ đô văn hóa Giao Châu, thế kỷ 1. Lớn lên trong tiếng hát quan họ vùng Kinh Bắc xưa và quê hương của tranh dân gian Đông Hồ (đám cưới chuột, mẹ con đàn lợn âm dương); và thơ ông cũng bắt nguồn từ những tiếng hát trữ tình vàsắc màu dân tộc của nền văn hóa Việt. Về gia thế, thân sinh ông nguyên là một hàn nho (1886-1959lều chõng 3 lần lận đận, sau bỏ thi, đi dậy học và làm thầy lang ở 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Cụ ông là người có khí tiết, đã tham gia các phong trào cứu quốc (Đông Kinh Nghĩa thục, Đông du, Việt Quốc (Nguyễn Thái Học), và có lần bị bắt giam gần một năm ở thị xã Phủ Lạng Thương. Thân mẫu ông (1891-1961) quê ở Kinh Bắc, là cô gái nhan sắc (có đôi mắt thật tình tứ, theo lời ông-), nổi tiếng về hát quan họ, hát thơ. Mẹ ông đã truyền vào cái bào thai của mình chất trữ tình quan họ. Cũng như một số các bà mẹ khác, thân mẫu ông hàng ngày phải quảy hai bồ hàng xén đi các chợ làng, chợ huyện để mưu sinh, thắt lưng buộc bụng ,chăm chút nuôi con ăn học thành tài … Học vỡ lòng ở trường làng, khi 13 tuổi, gia đình chuyển lên thị xã Bắc Giang; tốt nghiệp Trung học ở trường tỉnh, năm 17 tuổi (1939?), ông ra Hànội học ban Tú Tài tại tư thục Thăng Long do GS Hoàng Minh Giám làm hiệu trưởng. Vì dòng họ hiếm con trai, ông phải lập gia đình sớm (1940), và có 3 con, 2 gái, một trai. Bà cả đã thất lộc năm 1949. Ong gia nhập làng văn từ cuối năm 1939, có truyện ngắn, thơ đăng các báo ở Hà Nội (nhất là Tiểu thuyết thứ Bẩy của Nhà xuất bản Tân Dân –Vũ Đình Long- cùng với Tô Hoài). Đồng thời, ông còn dịch sách tiếng Pháp (Nghìn Lẻ Một Đêm, Hận Ngày Xanh) ngoài sáng tác truyện dài Thoi Mộng (viết từ chuyện thật). Vở kịch thơ đầu tiên của ông là Hận Nam Quan (Nguyễn Trãi -Nguyễn Phi Khanh) viết màn đầu từ 1937; năm 1944 hoàn tất và xuất bản. Nhưng vở (bi) kịch thơ lớn nhất lại là Kiều Loan (1942-43), đã không được chính quyèn Thực dân cho trình diễn, phải đến năm 1946 vở kịch mới ra mắt lần đầu ở Nhà Hát Lớn Hà Nội. Nói tóm, nguồn cảm hứng chính trong sáng tác của ông đều bắt nguồn từ tấm lòng yêu quê hươngđất nước và từ người nữ, từ tình yêu nam nữ. Vở kịch thơ Lên Đường, thể hiện tinh thần tranh đấu chống ngoại xâm, được viết năm 1944, cùng lúc ông tham gia phong tràocứu quốc ở Thuận Thành. Sau đó, ông trở ra Hà Nôi lập ban kịch Đông Phương (trụ sở ở nhà họa sĩ Hoàng Tích Chu), hằng đi diễn kịch ở quanh thành phố Hà Nội. Giữa năm 1947, ông và bà vợ thứ 2 (Tuyết Khanh) trong khí thế sôi sục kháng chiến và bầu nhiệt huyết thanh niên, đã gia nhập bộ đội, làm thơ, viết những vở kịch ngắn cho bộ đội trình diễn. Cuối năm này, ông lập một Đội Văn Công nhỏ chừng 13-14 người, trong đó có các nhạc sĩ Phạm Duy và Văn Chung.. Năm 1952, ông được chuyển làm Trưởng đoàn Văn Công Tổng cục chính trị, gồm gần 200 người. Ông chỉ say mêtrong công tác văn nghệ, chưa thấu hiểu những mưu đồ chính trị. Cuối năm 1954, được đổi qua làm Đoàn trưởng đoàn Kịch nói Quân đội cho đến gần hết năm 1955 thì chuyển sang công tác ở Hội Văn Nghệ. Năm 1956, sau thời gian suy tư, tìm hiểu sự thật, ông cùng Lê Đạt ra tạp chí Giai Phẩm Mùa Xuân, trong đó có bài thơ Nhất Định Thắng của Trần Dần, bị coi là phản động. Do vụ này, nẩy sinh ra báo Nhân Văn của giới văn nghệ sĩ đấu tranh đòi tự do, dân chủ trong văn nghệ; báo ra được 5 số thì bị đóng cửa; bản thân ông bị cái án kỷ luật cũng như Nguyễn Hữu Đang, Trương Tửu ( Trần Dần, Tử Phác bị giam giữ ). Trong suốt thời gian vụ án, nói chung, đời sống vật chất của ông không thay đổi lắm (vẫn có thể làm thêm việc khác để bồi dưỡng, cải thiện cho gia đình đông con.) Ong nói không hề mang trong lòng chút gì oán hận, buồn phiền, hay trách móc ai …Đôi lúc chỉ nghĩ về số phận mình …có chút cay đắng, suy tư. Trong thời gian khó khăn này, ông được người vợ thứ ba là Lê Hoàng Yến, y tá, cưới năm 1955) đảm đang phụ giúp; bà đã mất năm 1985. Thơ văn của ông được cho giảng dậy trong chương trình Trung học công, tư. Những tác phẩm được truyền tụng, tán thưởng gồm: Men Đá Vàng; Mưa Thụan Thành (in 1991), với Lá Diêu bông (1993), Bên Kia Sông Đuống (1993), Chùa Hương, Chị Em Xanh (1990), Kiều Loan( 1992) Sẽ in: Về Kinh Bắc và Hồi ký Nhớ Lại Một Đời Thơ … Sau đây là phần ý kiến của nhà thơ Hoàng Cầm và một số tác giả nhận định về ông: Bản ý HC: “ Tôi thật tình không mong muốn được nhiều người xưng tụng ….lại càng không bao giờ muốn tranh cãi lý luận ồn ào trên văn đàn. Tôi chỉ hi vọng được gặp những tấm long thân ái để thông cảm, có tri thức để hiểu thấu đáo tác phẩm và tác giả ….của một người suốt đời lấy thơ làm cứu cánh, làm mục đích, làm lẽ sống …chứ thơ không phải là phương tiện để cho mình đạt tới những gì (đó) mà hồn mình không chấp nhận. Ví dụ như danh lợi và sự bon chen, sự cầu cạnh, sự hận thù là những cái rất xa lạ với tôi … -Đỗ đức Hiểu: Hòang Cầm là người kế tục Thơ Mới, với Lá Diêu bông, Mưa Thuận Thành …Tính hiện đại của thơ HC (không phải như thơ Vũ Hoàng Chương: nhà thơ mới với nếp sống đô thị), mà là vùng cỏ cây, sông hồ nhẹ bay của thôn quê Kinh Bắc, được siêu thực hóa bằng Lá Diêu bông … Thơ HC âm u, lóe sáng, rồi mịt mù, xa lắc như những huyền thoại thủa hoang sơ … -Hoàng Như Mai: … Bài Bên Kia Sông Đuống trong kháng chiến, rất được truyền tụng (nhất là khi tác giả ngâm …nhiều người vẫn giữ trong ký ức niềm xúc động (khi nghe) sau bao nhiêu năm).Thơ HC không cầu kỳ về kỹ thuật tu từ hay cấu trúc (như viết một hơi, những lời từ trái tim, rout thẳng vào người đọc, không sắp xếp, không điểm trang …còn nguyên trinh…Bài Bên Kia Sông Đuống là một sáng tác tiêu biểu trong kháng chiến chống Pháp, nó thể hiện sâu sắc tâm trạng, ước vọng của nhân dân Việt Nam. -Hà Minh Đức: BKSĐ và Lá Diêu bông là 2 bài thơ tiêu biểu của HC trong thời KC. BKSĐ đã nói lên được khá sâu sắc tình cảm với quê hương, vẻ đẹp vùng Kinh Bắc, tội ác của kẻ thù , và tấm lòng của của người con nơi xa khi nghĩ về làng quê trong cảnh ngộ đau lòng đó. Với HC, thơ đến tự (hồn) nhiên và nhiều khi không giải thích được tại sao mình &tác giả) lại viết như thế.Trường hợp Lá Diêu bông, viết vào lúc nửa đêm tỉnh giấc và như có người nhắc cho từng ý thơ, đọc cho từng câu thơ …Bài thơ có nhiều ẩn ý, hiện thực và ước mơ như là bi kịch trong tình yêu đôi lứa ..(Lá Diêu Bông –1959- không có thực trong đời, tên được đặt theo tưởng tượng …theo câu chuyện đã có từ hồi ông còn nhỏ …) Trong thơ Hoàng Cầm có một số bài nói về quan hệ chị em như bài “Cây Tam cúc”, nhưng thực ra là tình yêu trai gái (vì so lệch tuổi!). BỊ CHÚ. Nếu quí vị cần biết tin tức của NT Hoàng Cầm, cũng như góp ý về việc hỗ trợ, xin vui lòng liên lạc với người viết tại địạ chỉ: duonghueanh@yahoo.com Dương Huệ Anh –Tháng 12/07 | |||||