Số ra ngày 01/01/2008: Đông Xuân |
trình bày/góp ý | |
Vài Dòng Về Dương Huệ Anh | |
Vài Dòng Tâm Sự Với Thi Sĩ Dương Huệ Anh. Nguyễn Ái Lữ Tôi nghe tiếng thi sĩ Dương Huệ Anh từ thời tôi còn phục vụ lâu dài tại Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị/ QLVNCH trước năm 1975. Sau nhiều năm tỵ nạn tại Mỹ tôi mới hân hạnh được gặp ông hai lần tại San Jose: một lần hội ngộ cùng thi sĩ Cao Tiêu; nguyên Cục Trưởng Cục Tâm Lý Chiến mà tôi đã từng phục vu, từ Orange County lên họp mặt các văn thi hữu ở Bắc Cali- fornia, và một lần ông tổ chức ra mắt tuyển tập Thơ Việt Hải Ngoại do ông xuất bản năm 2001. Cuốn sách này dầy trên 500 trang, quy tụ nhiều nhà thơ đương thời ở hải ngoại thuộc các thế hệ già và trẻ. Nhìn vào bề dầy sự nghiệp làm thơ của ông, phải nói không những ông có tài sáng tác cho bản thân, mà ông còn đem hết tâm trí ra xây dựng, bảo tồn nền thi ca hải ngoại vốn đa dạng, nhiều bức xúc, trăn trở trong cuộc bể dâu của thế kỷ 20 và nay bước sang thế kỷ 21. Trong hàng ngũ các nhà thơ hiện đại, tôi thấy có nhiều người nổi tiếng; đó làđiều khẳng định, song có hai nhà thơ tôi được gần gũi và chiêm nghiệm bản lĩnh khí khái, cùng cuộc đời từng trải khác nhau là thi sĩ Hà Thượng Nhân và Dương Huệ Anh. Với Hà tiên sinh, tôi đã có nhận xét thơ ông tự nhiên như mạch suối và tài xuất khẩu thành thơ của ông có thể ví với Tào Thực đi bẩy bước làm xong bài thơ tứ tuyệt đầy xúc động; sử Trung quốc gọi là Thất thi bộ. * Chử đậu nhiên đậu cơ, /Đậu tại phủ trung khấp,/ Bản thị đồng sinh căn /Tương tiên hà thái cấp? Tạm dịch: Cành đậu nung hạt đậu, / Đậu khóc ở trong nồi/ Ta cùng gốc sinh ra,/ Sao nỡ thiêu nhau gấp? Thật đau lòng cho cảnh cốt nhục tương tàn, nồi da nấu thịt, mà ta đã chứng kiến không xa xôi gì, ngay ở trong thời đại chúng ta đương sống! Hận vẫn còn chất chứa trong lòng! Trong một bàn tiệc đông vui thực khách, chén chú chén anh, Hà tiên sinh có thể ứng khẩu một bài thơ dài nêu đủ danh tánh, chức vụ của các vị khách quý mà nội dung lại thâm thúy, vần điẹu, niêm luật rất căn cơ, chững chạc ! Đó là tài làm thơ của Hà tiên sinh được nhiều người ca tụng. * Nhờ bài thơ này mà Tào Thực thoát chết bởi anh là Tào Phi, thế tử kế nghiệp vua cha Tào Tháo (Ngụy Vương ) mất tại Lạc Dương. Nghi em có âm mưu hại mình, Tào Phi bắt Tào Thực phải làm xong bài thơ trong bẩy bước mới tha tội. Tào Thực đi được ba bước thì làm xong bài thơ tứ tuyệt, mỗi bước một câu thơ hay. Cả ba cha con Tào Tháo đều giỏi thơ văn. Về nhà thơ Dương Huệ Anh, phải nói thơ ông rất chân thật và tinh tế, đây là hai yêu tố cần và đủ để thơ ông có thể tồn tại với thời gian. Ông lại hiểu sâu về Thiền, yếu tố này giúp thơ ông có tầm cao về Đạo. Rải rác trong các thi tập của tác giả, tôi thấy một số bài thơ tiêu biểu cho nhân sinh quan vững vàng của ông: Ta muốn gần nhưng lại thấy xa, Trong em lẫn lộn thánh và ma, Niệm xin Quán thế âm bồ tát Chân tánh, tâm huyền nở cánh hoa. Không những thực tế với cuộc sống phù du, ông còn thực tế với tình yêu mong manh tựa cánh dạ lan: Đời vẫn vô thường như cõi tạm, Mong manh tình, cánh dạ phong lan. Đặc biệt trong phạm vi tình yêu, tôi nghĩ ông không mầu mè (có người lại cho là cường điệu! ): Hai mươi lăm năm vẫn thương Hồng Như thủa nào vương tội tổ tông. Gần đây, trong cuốn 50 NĂM THƠ & NGƯỜI THƠ, một tuyển tập thơ dày trên 500 trang, xuất bản năm 2007, gồm 90 tác giả do ông soạn công phu và tinh tế hơn các cuốn trước, qua bài Từ Thung Lũng Chết, thi sĩ đã cho ta thấy rõ thêm cái nhìn hiện thực dưới góc độ thiền về cõi nhân sinh: Với ta, Tất cả là hư vọng, Đời có còn gì để khổ đau? Thế đấy, Hư Vô! hình với bóng, hạt sương, bọt nổi giữa mưa mau… Mỗi người làm thơ theo phong cách riêng, tôi tôn trọng phong cách làm thơ của mỗi thi nhân. Tự do, đường luật, sáu tám chỉ là hình thức, quan trọng là nội dung tư tưởng. Vả chăng thơ là tâm sự của chính mình. Trong 1400 bài thơ của Đỗ Phủ (712-770), một đại thi hào nổi tiếng từ thời Thịnh Đường cùng với Lý Bạch, đến nay người đời chỉ còn nhớ được mươi bài hay nhất của ông, những bài nói lên tình người từ đáy lòng thi sĩ. Qua tấm lòng chân phương của các đại thi hào Đỗ Phủ, Lý Bạch, Nguyễn Du, tôi lại có dịp liên tưởng đến phong cách thi ca Chân, Thiện, Mỹ mà nhà thơ Dương Huệ Anh đương theo đuổi. Cách gì rồi cũng quy về nẻo thơ mang tính nhân bản truyền thống này. Mong rằng thi sĩ Dương Huệ Anh vẫn sáng tác đều thi ca như ông đã và đang làm để niềm đau của thân phận và kiếp người được dịu bớt, mặc dù tuổi đời nhà thơ đã xế chiều nhưng tinh thần vẫn còn khang kiện. Oakland, xuân Đinh Hợi, 2007 Nguyễn Ái Lữ | |