Số ra ngày 01/01/2008: Đông Xuân |
trình bày/góp ý | |||||
Lời Mở Đầu Tuyển Tập "50 Năm Thơ Và Người Thơ". | |||||
LỜI MỞ ĐẦU VỀ “TUYỂN TẬP 50 NĂM THƠ VÀ NGƯỜI THƠ” LẠI VIẾT VỀ THƠ VIỆT Đây là lần thứ tư chúng tôi viết về thơ Việt trong thế kỷ 20, có lẽ đó cũng là nghiệp dĩ. Lần thứ nhất, cách nay trên chục năm - khoảng 1992/94- chúng tôi đã có loạt bài giới thiệu một số nhà thơ mới (xuất hiện) trên đàn thơ hải ngọai với tiêu đề “ Những Khuôn Mặt Cũ/Mới trong Thơ”. Bốn năm trước,- 2001- theo đề khởi của một số thi hữu, chúng tôi đã cho ấn hành tập 1 “Thơ Việt Hải Ngọai, Một Góc Nhìn” gồm gần 60 tác giả, viết theo thể tản mạn để cho vui và dễ đọc. Qua nàm 2002, chúng tôi lại hoàn tất tập “Vài Hình Ảnh Thơ Việt Thế Kỷ 20”, giới thiệu khoảng 100 nhà thơ tiền phong,- vì chưa có đủ điều kiện, nên tạm phổ biến trên liên mạng, cơ sở XuânThu - LạcViệt. Thực ra, từ lâu, chúng tôi đã muốn viết một tổng tập đầy đủ về thơ Việt trong những thập niên qua để ghi lại những đặc điểm của phong trào thơ, những đổi mới và những khuôn mặt thi ca điển hình của thế kỷ 20. Nói cho đúng, muốn thực hiện dự định trên cần có nhiều điều kiện: thời gian, nhân lực và tài lực, chưa kể số tư liệu khá lớn ( của 500 nhà thơ) nếu không nói là rất lớn- phải đọc và suy diễn thêm. Dù sao, với tinh thần cầu tiến và muốn được học hỏi thêm, tác giả đã mạnh bạo cầm bút, mong được các giới thông cảm và thành thật chỉ bảo những thiếu sót, sai lầm..để có thể kịp thời bổ túc. Xin quí vị thức giả và độc giả, thân hữủ nhận ở đây lời cảm ơn nồng nhiệt của người viết. 1. - Như đã trình bày trong các tác phẩm kể trước, Thế Kỷ 20 chứng kiến một cuộc đổi mới lớn lao về thi văn Việt Nam cả về lượng, và về phẩm (cũng như là mọi địa hạt khác). Tuy nhiên về mức độ thì tùy theo thời gian, sự phát triển có khác nhau, có thể là do những thành tố khác nhau. Thời kỳ tiền thế chiến 2- tạm kể từ 1930 đến 1945, số người làm thơ còn ít, tính hàng trăm; tập Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Hoài Chân xuất bản năm 1942 đã chọn trên 40 tác giả -kể là rộng rãi. Nhưng từ chia đôi Nam Bắc (1954), số lượng người làm thơ (ở cả hai miền) tăng gấp bội, và đến sau ngày 30/4/1975, lại càng nhẩy vọt,- lên cả chục ngàn, có lẽ là do ảnh hưởng tình trạng đất nước(thống nhất,; lưu vong, tự do...). Ở tập này, chúng tôi xin đề cập đến những người-làm-thơ ở hải ngoại trước, vì tương đối có đầy đủ tư liệu; phần trước tác ở trong nước sẽ xin ghi lại ở một tập khác. 2.- Thi ca là sản phẩm của con người (một phần tử trong cộng đồng, xã hội..) nên sẽ phản ánh thời đại, tập thể và cá nhân (con người). Hơn 30 năm đã qua, dù muốn hay không, số người-làm- thơ nở rộ, nhiều thi đàn được thành lập, qua phương tiện truyền thống (sách, báo..) và trên liên mạng (Net), chuyên chủ hay nghiệp dư ( không nên gọi là chuyên nghiệp hay tài tử vì làm thơ không phải là một nghề để mưu sinh như trăm, ngàn nghề khác!), các thi phẩm thi nhau ra mắt vội vàng, ồ ạt, một phần lớn để lấy tiếng, cầu danh..Kết quả, thường là không lôi kéo được giới thưởng ngoạn có trình độ,-trừ vài trường hợp móc nối được nhiều hội đoàn, thân hữu (phe đảng ta!) kéo đến ủng hộ gà nhà . Bởi thế, độc giả dễ chán, vì chất lượng tác phẩm kém tiêu chuẩn..và có hiện tượng thơ ngày càng mất giá, đến nỗi tuyệt đại đa số nhà sách không còn nhận phát hành các tác phẩm thơ nữa. Ta co thể nhắc lại trường hợp Du Tử Lê ở San Jose và Hà Huyền Chi ở Nam Cali,-những nhà thơ hàng đầu ở hải ngoại- trong các buổi ra mắt do thân hữu tổ chức, đã không thu được kết quả như ý muốn, thật đáng buồn cho tìền đồ văn họcViệt Nam chân chính.. Trong tình trạng ấy- hơn 30 năm qua,- xu hướng thơ Việt ở hải ngoại ra sao? Nói chung, rất đa dạng. Đa số có khuynh hướng Hoài niệm, nhớ về nguồn gốc cũ, có nghĩa là quê cha, đất tổ, với lịch sử văn hiến bốn ngàn năm. Biến dạng của nó là loại thơ Tranh đấu , gửi gắm hoài vọng ái quốc, ái quần trong thơ của tác giả, nhưng khi ồn ào quá, sẽ trở thành một loại thơ “khẩu hiệu”, chỉ có tính cách giai đoạn, khó trường tồn. Bên cạnh loại này, lác đác có một số bài thơ có tính cách thời sự, hài hước, chế diễu.. đối với những cảnh trái mắt, ngang tai ngoài xã hội, và phản ánh sự đối kháng về chính trị, nhưng tiếc chưa tạo nên được một dòng thơ riêng. Nổi bật nhất, chiếm đa số trên những cột báo, trang sách..-như muôn thủa- vẫn là những vần thơ tình, mang đủ màu sắc tươi sáng, dịu êm..hay u buồn, ảm đạm ở nhiều mức độ cuồng nhiệt hay thâm trầm khác nhau.. Nhiều cây bút mới (một phần là nữ) vụt tỏa sáng trên văn thi đàn một thời gian tương đối ngắn, sau những ngày lưu lạc, lận đận, đồng hóa... nơi xứ người, đáng được nêu danh. 3.- Đó là về phần nội dung, về hình thức, thơ Việt đã có những thay đổi gì? Đa số (có thể đến 90%) vẫn sử dụng các thể thơ truyền thống- phần lớn có vần- (không hẳn là cổ điển!), như lục bát, ngũ ngôn, thất ngôn, tứ tuyệt, Đường luật, cổ phong..và loại thơ (được gọi là) Mới (?)- xuất hiện thời tiền chiến..mà vẫn được phần đông độc giả yêu thích, tìm hiểu. Thiểu số khác dùng các loại thơ tự do (kiểu Thanh Tâm Tuyền- thập niên 60), phá thể (không vần, câu dài ngắn không đều), thơ văn xuôi, tân hình thức (nhóm Tạp chí Thơ) nhưng những sự cố gắng đổi mới ấy dứờng như chưa được giới thưởng ngoạn đáp ứng, hoan nghênh. Đặc biệt, ta phải kể đến loại thơ tối nghĩa cũng lác đác xuất hiện, có khi được gọi là thơ “hũ nút”, vì văn nghĩa cầu kỳ, khó hiểu, có thể chính tác giả cắt nghĩa cũng không xuôi, Cuối cùng, cũng nên nhắc đến loại thơ Dâm đăng rải rác trên một số nguyệt san, tuần báo (ở Mỹ) đã trần tục hóa hoạt động sinh lý của con người một cách trắng trợn, hi vọng tạo ra một xu thế mới, nhưng thật sự không gây được một tiếng vang nào đáng kể, ngoài vài lời chê, khen của một số người hiếu kỳ. Đặc điểm đáng khích lệ là khuynh hướng làm thơ bằng ngoại ngữ (Anh, Pháp...)hay chuyển dịch thơ Việt qua ngoại văn của một số tác giả (tuy còn ít)như Hoài Vân Tử, Thanh Thanh Lê Xuân Nhuận, Minh Viên, Kim Vũ...TyNa...giúp việc phổ biến thơ được rộng rãi hơn trước... Tình trạng hỗn độn, và có vẻ thoái bộ của thơ Việt hải ngoại hiện thời có thể một phần là do ảnh hưởng của không khí sinh hoạt tự do, phóng túng ở địa phương (xứ sở tạm dung), và đã có không ít người tỏ ý bi quan, thất vọng.. nhưng chúng tôi tin là nó sẽ dần dần thay đổi, như mọi sản phẩm khác, theo luật đào thải và sự tiến hóa chung. 4.- Theo quan niệm của đa số, trong một tập thi tuyển, thơ cần được chọn lọc để có giá trị tiêu biểu, nhưng cái khó là sự tuyển chọn sẽ dựa trên những yếu tố nào. Dĩ nhiên ai cũng nghĩ là những thơ tuyển phải hay, nhưng thế nào là một bài thơ hay, từ xưa chưa có một định nghĩa nào nhất định, được đa số tán đồng. Tuy nhiên, khi một bài thơ đọc lên, nếu có một giá trị nào đó thì cũng rất dễ dàng được nhận thấy. Trong tập “Nhìn lại một cuộc Cách mạng trong thi ca” kỷ niệm 60 năm phong trào Thơ Mới, do Huy Cận và Hà Minh Đức chủ biên, ấn hành năm 1993, đã có nhận định:”...Thơ Mới đã đóng góp hàng trăm bài thơ hay, trong đó không ít bài thơ có thể xếp vào loại hay nhất của nền thơ ca dân tộc. Nhưng điều khó khăn chính là việc xác định đâu là những bài thơ hay nhất trong phong trào Thơ Mới, dựa trên những chuẩn mực nào để lựa chọn..” Ban biên tập sách đã mời một số nhà thơ (nổi tiếng), nhà phê bình am hiểu về thơ..lựa chọn khoảng mười bài thơ mới hay nhất, kết quả ra sao? Nói chung, các tác giả đều nói là (thấy) khó khăn (trong sự chọn lựa) và kết quả chỉ trùng hợp trên 50 phần trăm. Có vài tác giả làm thơ ít nhưng lại có bài được ưa thích như Nguyễn Nhược Pháp (Chùa Hương), Thâm Tâm (Tống Biệt Hành), Vũ Đình Liên (Ông Đồ).. Điểm đặc biệt là có những tác giả (Xuân Diệu, Huy Cận..) có rất nhiều bài thơ hay (đôi khi quá nửa số bài) trong một thi phẩm (như Thơ Thơ, Gửi Hương Cho Gió, Lửa Thiêng,,) Soạn giả Hoài Chân (Thi Nhân Việt Nam) chọn 6 bài thơ Mới hay nhất là: -Lời Kỹ Nữ (Xuân Diệu); -Nhớ Rừng (Thế Lữ); -Tiếng Thu (Lưu Trọng Lư); -Tràng Giang (Huy Cận); -Ông Đồ (Vũ Đình Liên); -Chùa Hương (Nguyễn Nhược Pháp). Nhưng với Huy Cận thì ông thích nhất bài Nguyệt Cầm của tác giả Thơ Thơ; Tế Hanh và Xuân Sanh lại chọn bài Tương Tư Chiều... Với Thế Lữ, đa số (Hoài Chân, Vũ Đình Liên..) thích bài “Nhớ Rừng”, nhưng Xuân Sanh, Tế Hanh lại thích “Tiếng Sáo Thiên Thai”, còn Huy Cận đã chọn bài “ Giây Phút Chạnh Lòng”. Nói tóm, chọn lựa thơ hay thật là khó, sự trùng hợp không thống nhất, vì tùy khuynh hướng, sở thích người đọc. Và cũng nên lưu ý một bài thơ được ưa thích chưa hẳn là hợp lệ trường qui (niêm, luật truyền thống, cổ điển). (Riêng theo nhận xét của người-viết, thì đại đa số những bài thơ được ưa chuộng đều có một tác dụng chung: làm rung động, gây cảm súc chân thành cho độc giả.) Cuối cùng thì Hội đồng Biên tập sách đã chọn 18 bài thơ Mới , được coi như hay nhất, của 15 tác gia, đó là: -Nhớ Rừng và Cây Đàn Muôn Điệu Thế Lữ -Nguyệt Cầm và Lời Kỹ Nữ- Xuân Diệu -Ngậm Ngùi và Tràng Giang -Huy Cận -Tiếng Thu Lưu Trọng Lư -Đây Thôn Vĩ Dạ Hàn Mặc Tử -Thu Chế Lan Viên -Tiếng Địch Sông Ô Huy Thông -Ông Đồ Vũ Đình Liên -Chùa Hương Nguyễn Nhược Pháp -Quê Hương Tế Hanh -Mưa Xuân Nguyễn Bính -Màu Thời Gian Đoàn Phú Tứ -Tống Biệt Hành Thâm Tâm -Say Đi Em Vũ Hoàng Chương -Hai Sắc Hoa Ti Gôn T.T.KH.* * Chọn theo yêu cầu tâm lý của lớp trẻ. Soạn giả đồng ý với Huy Cận là lời thơ bài này chưa hay; nói một cách khác bài thơ hay về tình tiết câu chuyện hơn là về kỹ thuật. 5.- Nhân tiện, bàn qua về thể loại thơ (Mới), ta thấy cần chú ý đến mấy phần: -Số câu trong bài; -Số âm tiết trong câu; -Nhịp điệu (tiết tấu) trong thơ; -Vần Ngoài hai thể lục bát và song thất lục bát, rõ ràng có tính cách truyền thống (riêng của thơ Việt có), các thể thơ khác có câu từ 2 âm tiết trở lên (bài Sương Rơi) đến lối Hợp thể, Tự do, nhưng thật ra chúng cũng không xa lạ gì đối với thơ truyền thống Việt. - 2 âm tiết. Không khác thể tục ngữ : tốt mốc, ngon tương.. - 4 âm tiết. Thấy ở đồng dao có nhịp đôi và có vần lưng:” Mèo già ăn trộm - Mèo ốm phải đòn -Mèo con phải vạ- Con quạ đứt đuôi..” -Lại nữa: Ở ca dao: Khăn thương nhớ ai - Khăn rơi xuống đất - Khăn thương nhớ ai - Khăn vắt lên vai.. Nếu nói về cách Hợp vận trong thơ (Mới), ta thấy có vần ôm, vần chéo, vần liền, vần tự do ..có người nghĩ là do ảnh hưởng từ thơ Pháp, nhưng sự thật chúng đã được sử dụng trong thơ Việt từ lâu rồi, theo ý kiến của nhà giáo Dương Quảng Hàm trong tập Viêt Nam Văn Học Sử Yếu, xuất bản từ thập niên 1940. Nói cho công bằng thì ngoài mấy thể 2,4 âm tiết trong câu thơ, phong trào thơ Mới đã thể nghiệm thành công một số cải tiến: - Câu thơ 8 âm tiết (từ ca trù); - Câu thơ 5,7 âm tiết (theo thơ Ngũ ngôn và thất ngôn Đường luật ); ` - Câu thơ 10, 12.. âm tiết được thử nghiệm nhưng thất bại..(Thơ Bạch Nga); ta có thể coi chúng là hình ảnh của thơ Tự do và thơ Văn xuôi sau này! 6.- Ở đây, sẽ không đi sâu vào vấn đề Thơ Mới, nhưng xin nhấn mạnh ở điểm, ngoài sự đổi mới về tư tưởng (Cái Ta), nội dung (trữ tình)...thơ Mới đã làm nổi bật sự sử dụng ngôn từ, nghĩa là từ ngữ, âm thanh, nhịp điệu...cấu trúc, cú pháp... trong thơ. Những từ ngữ mới như: Một chiếc linh hồn nhỏ, Mặt trời đi ngủ sớm.., những cách đặt câu như : xào xạc tiếng gà, trăng ngà lạnh buốt...(trong thơ Xuân Diệu) coi như là những kết hợp âm thanh, tạo nên chất thơ trong thơ Mới. Đặc điểm nữa của Thơ Mới là tính chất lãng mạn, sự miêu tả những cái đẹp bên trong, và bên trong sự vật. Trong thơ Mới cũng thấy chớm phát xu hướng tượng trưng (nói về những cái hư ảo, truyền thuyết, huyền thoại, những giấc mơ...) tiêu biểu như Vũ Hoàng Chương (và Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên...), và siêu thực (cái thực hòa với mơ, cái ảo giác với cái bình thường, thực và hư...) thì ta có thể nhớ đến Hoàng Cầm với những Lá Diêu Bông, Mưa Thuận Thành, Chùa Hương... 7.- Sách này, nói cho đúng, không phải là một tập phê bình, khảo luận về thơ, mà chỉ là một số những cảm nghĩ, kỷ niệm về thơ, và những nhà-thơ (và người-làm thơ) mà tác giả đã được đọc và tiếp xúc, được ghi lại một cách vô tư và trung thực, không nhằm đề cao (hay chỉ trích) một cá nhân nào. Cho nên nếu có những sự kiện, ý kiến không được vừa ý (mọi người) nêu ra, thì cũng chỉ là phản ánh Sự Thật, làm vui và giúp con người thông cảm lẫn nhau. Thi nhân là một con người, dùng ngôn ngữ diễn tả những cảm nghĩ, cảm xúc, cảm nhận, hoài vọng...của mình...trước cuộc sống, môi trường quốc gia và xã hội, theo nhiều khuynh hướng khác nhau, nên không thể có một tư tưởng đồng nhất như một vài chế độ mong muốn áp đặt cho tất cả mọi công dân trong một nước. Thi nhân là con người, dĩ nhiên sẽ có những tính hay, tật xấu... (như những người bình thường) nên có khi xử sự ngoài đời không đúng như trong thơ, thì ta nên hiểu những lời trình bày qua vần điệu chỉ là những ước vọng, hoài tưởng..chứ không hẳn phản ánh đúng với địa vị và nhân cách của người thơ. (Soạn giả nhớ lại những ngày mới tập tành làm thơ, mục đích rất tầm thường, chỉ là muốn khoe mình có chút tài mọn (?) để lấy lòng mấy cô bạn nhỏ học cùng lớp, vào những năm đầu thập niên (19)40, nhưng kết quả gần như con số không. Bởi lẽ, nhiều cô hình như không thích thứ văn chương khó hiểu và lẩm cẩm này, nên có trường hợp thư (và thơ) được trân trọng trao tay cho họ đọc, đã mất tăm, mất tích luôn, không bao giờ được hồi âm , có lẽ số phận hẩm hiu, chúng đã được nằm trong thùng rác từ sau phút đề tặng, không lâu). Nói tóm lại, tuyển chọn thơ là một vấn đề tế nhị và chủ quan, không có giá trị tuyệt đối, dù đã căn cứ vào một số tiêu chuẩn chung. 8.- Vậy, soạn giả đã (và sẽ) dựa vào những đặc điểm nào để giói thiệu các thi bản trong tác phẩm này? Lẽ dĩ nhiên, chúng sẽ tôi chú trọng đến những bài thơ (tương đối) vững vàng về bút pháp, hướng về chân, thiện, mỹ, có tính cách xây dựng, và đem rung động đến cho người đọc, dù thơ thuộc bất cứ thể loại nào, tầng lớp nào, địa phương nào (cổ điển, thơ mới, tự do, có vần, không vần, thơ văn xuôi, thơ trong nước hay ngoài nước...) Theo chiều hướng đó, chúng tôi có ý định ghi lại khoảng một trăm tác giả trong mỗi tập (như trong tập 1) bởi số người-làm thơ có tác phẩm khá nhiều (trên, dưới 500 bạn cần được nêu danh, nếu không muốn nói là cả ngàn). Theo tác giả Tuyển tập Thơ Việt Nam 1975-2000 do Hội Nhà Văn Hànội xuất bản “ Hàng năm có tới năm, sáu trăm tập thơ ra đời. Tác giả thơ lên tới con số ngàn.” Về tác phẩm, sách này cũng nhận xét:” Đánh giá đúng chất lượng thơ là việc không dễ. ..tiêu chí của muôn đời : chọn bài hay. Nhưng thế nào là bài hay thì mỗi thời lại mỗi khác, cả về nội dung lẫn nghệ thuật.” Trong tuyển tập này, các tác giả sẽ được giới thiệu một cách rộng rãi, vô tư, không phân biệt (bè phái, địa phương...) nhưng chắc khó được hoàn toàn đầy đủ - như dự hoạch - vì trong thực tế, chúng tôi đã gặp những trở ngại rất đáng kể về tư liệu hay trong liên lạc, giao tế cá nhân. Riêng về vấn đề sau này, (liên lạc...), chúng tôi đã gặp một số tác giả khá nổi tiếng nhưng rất khó tính, thiếu tinh thần hợp tác (vì lý do này hay lý do khác); sau nhiều lần tiếp xúc, dù nhẫn nại, chúng tôi cũng không có cơ hội để giải tỏa những khác biệt, hiểu lầm, chấp nhất... (có thể có) giữa đôi bên, nên đành tạm sắp xếp họ vào những tập sau. Trường hợp hi hữu, có một cây bút đã từng diện kiến và trao đổi (khá nhiều) sách với soạn giả, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã quên và coi soạn giả như một người thuộc phái khác (nữ). Trái lại, có một số thi hữu (dù mới gia nhập làng Thơ), đã có một tinh thần yêu thơ cao độ, luôn luôn hi sinh, sẵn sàng gánh vác việc chung (bất vụ lợi) dù sức khỏe kém, hoàn cảnh ngặt nghèo; có bạn gắn bó với thơ từ tuổi học trò, cho đến ngày gần đất xa trời, ra đi vì bạo bệnh, vẫn mê mải, nặng lòng với Thơ: đó là trường hợp của nhà giáo Đặng Ngọc Anh (Duy Ngọc). Bên cạnh những trở ngại thường thấy, chúng ta may mắn đã có một số người-làm-thơ yêu Thơ, hết lòng vì Thơ, đứng ra làm đầu tầu để vận động phát triển, duy trì họat động thơ qua những cơ sở tư, bất vụ lợi (như Hương Việt, Cội Nguồn, Hội Thơ Tài Tử, Lạc Việt, Cỏ Thơm...) trong một thời gian khá dài (đủ để thay đổi màu tóc trên đầu) mà chưa muốn ngưng dù đã đến tuổi cần nghỉ ngơi. Có vài sự kiện cũng nên nhắc đến là trong làng Thơ hải ngọai, những năm trước đây đã xuất hiện một số nhà thơ - một phần là nữ- đã tạo được những thành tích (nhẩy những bước dài) trong một thời gian (tương đối) ngắn khiến dư luận bàn tán, xôn xao...nghi ngờ là có sự “gà” thơ, và đáng tiếc đã xẩy ra vài vụ đả kích nhau (bằng thơ) trên báo chí giữa mấy người “đồng môn”, đồng phái ở một địa phương kia. Đúng ra, chưa có bằng chứng “khả tín” nào về vu (việc) này mà chỉ có những dư luận, căn cứ vào những suy đoán cá nhân. Trong thực tế, chúng tôi đã tận mắt thấy những trường hợp các cao thủ sửa hộ thơ cho mấy đàn em, nhưng nghĩ cái đó là thường tình, xưa nay và ở đâu cũng có. 9.- Riêng tuyển tập này, về thơ chọn, chúng tôi sẽ lựa mỗi người từ một đến 5 bài tiêu biểu, mà tác giả ưng ý nhất, theo tiêu chuẩn (nói trên), và nhiều, ít tùy sự đóng góp của họ cho hoạt động văn học (về nhiều phương diện: tác phẩm, thành tích, tinh thần dấn thân, với cộng đồng...) Giá trị những bài thơ ấy tất nhiên khó có sự đồng đều, vì khả năng, trình độ, hoàn cảnh, tâm tư mỗi tác giả khác nhau, và quan điểm về thẩm mỹ hẳn có dị biệt. Sách này, về một phương diện nào đó, nhằm vinh danh những tác giả có đủ điều kiện tham gia đóng góp vào việc xây dựng (và phát triển) phong trào sinh hoạt văn học (nhất là Thơ) hậu bán Thế kỷ 20, nằm trong chương trình chung của liên cơ sở Xuân Thu-Lạc Việt đề khởi. 10. - Về sắp xếp nội dung, theo ý kiến của đa số, sách này sẽ gồm những tên tuổi có liên lạc gần gũi nhất với tác giả, và được chia làm 3 phần: - Những Người Đã Khuất; - Những Người Đi Trước; - Những Người Đến Sau, Đến Trễ. Quí độc giả sẽ lần lượt gặp những cây bút kỳ cựu như: Du Tử Lê, Duy Năng, Hoàng Anh Tuấn, Trình Xuyên, Diên Nghị, Đỗ Cẩm Khê, Hà Huyền Chi, Hà Bỉnh Trung, Hà Thượng Nhân, Hà Trung Yên, Hải Phương, Hồ Trường An, Lưu Thái Dzo, Nguyễn Ái Lữ, Tâm Huyền, Tô Thùy Yên, Trụ Vũ; Về nữ phái, có hiện diện của các tên tuổi Cao Mỵ Nhân, Hoàng Hương Trang, Tâm Huyền, Tuệ Nga, Vân Nương, Vi Khuê... (Rất tiếc một số thi hữu khác đã vắng mặt vì thiếu liên lạc hay tư liệu...) Bên cạnh là một số nhà thơ mới (hay tái) xuất hiện sau ngày 30/4/75 (có thể đã vào nghiệp thơ từ nhiều năm trước ở quốc nội) như Bạch Vân, Bích Xuân, Chu Toàn Chung, Duy Nghiệp, Dương Huệ Anh, Dương Ngọc Ánh, Đỗ Bình, Hồ Công Tâm, Huệ Thu, Khánh Minh, Kim Vũ, Lý Thái Vượng, Mai Thanh Tuyền, Ngô Đức Diễm, Nguyễn Đông Giang, Ngô Minh Hằng, Nguyễn Văn Cường, Lê Mộng Nguyên (nhạc sĩ), Nguyễn Thị Ngọc Dung, Nguyễn Bá Trạc, Như Hoa, Song Linh, Song Nhị, Thái Quốc Mưu, Thanh Hiền, Thanh Thanh, Tịnh Nguyệt Anh Nương, Trần Vấn Lệ, Việt Bằng, Vũ Gia Sắc, Xuân Bích, Đào Văn Bình, Vinh Hồ, Mai Xuân Khánh...trong số này có đóng góp của hai nhà văn “nặng ký” là Nguyễn Trung Dũng và Ái Khanh, cùng 2 bác sĩ Phương Du (Nguyễn Bá Hậu) và Nguyễn Trọng Kỳ. Cuối cùng, chúng ta không thể quên sự góp mặt đầy thiện chí của một số cây viết mới (hay trẻ) như: Chinh Nguyên, Võ Thạnh Văn, Du Sơn Lãng Tử, Dương Đức Bửu, Đào Thanh Khiết, Hải Bằng, Hoa Hướng Dương, Hoàng Mộng Thu, Ngô Thy Vân, Nguyên Khoa, TyNa, Vi Vi, Lê Kỳ Hoa, Hoàng Xuyến Anh, L.T.Đông Phương, Vũ Hoài Mỹ, Thùy Mỹ, Thái Sỹ... Xin cảm thông cho ban biên tập vì một số thi hữu có danh đã vắng mặt trong tuyển tập này ở phút chót bởi nhiều lý do ngoài ý muốn. Vài bạn gửi bài quá trễ (sau khi bản thảo đã layout) nên đành phải để ở phần cuối sách. Mong sẽ có điều kiện gặp lại quí bạn ấy cùng những thi hữu khác ở mấy tuyển tập sau, trong một thời gian ngắn. Cuối cùng, xin được thành thật cảm ơn: - Sự đóng góp tư liệu và phương tiện của các thi hữu tham gia tuyển tập; - Đặc biệt một số bạn đã tận tâm khích lệ và cộng tác (tinh thần, kinh nghiệm và vật chất) -nhất là Chinh Nguyên (layout), ViVi (hình bìa)- đã giúp người viết có đủ điều kiện thực hiện tác phẩm này theo hạn định. Dù đã kiểm và đọc lại nhiều lần, với sự hạn chế về mọi phương diện, với tâm lực của một cá nhân, trong một thời gian ngắn, chắc chắn tác phẩm còn nhiều sự sai sót về mọi phương diện, xin chờ sự chỉ giáo và nhận xét xây dựng của quí bạn và quí vị để kịp thời bổ cứu lần in sau. Xin chân thành cảm tạ trước./. SB, ngày Veterans Day 11/11/2005 Dương Huệ Anh & Thụy Cầm | |||||