Số ra ngày 01/01/2008: Đông Xuân |
trình bày/góp ý | |
WTO: Những Chặng Đường Còn Lại.. | |
WTO: Những chặng đường còn lại và quyền lợi của người Việt hải ngoại Ngày 1 Tháng Sáu vừa qua, bên lề cuộc họp cấp bộ trưởng thương mại của các quốc gia trong APEC tại Sài Gòn, đã có sự ký kết giữa VNCS và bà Susan Schwab, đại diện thương mại của Hoa kỳ, về văn bản cuối cùng giữa hai nước trước khi Hà Nội có thể được thâu nhận vào Tổ chức Thương mại Thế giới. Ðây là đỉnh điểm của một quá trình lâu dài vì Hà Nội đã tìm cách xin vào WTO ngay từ năm 2001, liền sau khi Hà Nội và Hoa Thịnh Ðốn ký xong Hiệp ước Thương mại Song phương (U.S. Vietnam Bilateral Trade Agreement, thường được gọi tắt là BTA) vào Tháng Mười Hai 2001. Gần 6 năm dài thương lượng với 28 quốc gia đối tác nhằm mở rộng thị trường của đôi bên, trong đó cứ hễ một quốc gia nào được hưởng quyền lợi như thế nào trong thị trường Việt Nam thì tức khắc các quốc gia còn lại cũng phải được hưởng tương tự. Nói cách khác, nếu Việt Nam giảm mức thuế về xe hơi nhập cảng, chẳng hạn, cho Nhật thì Ðức, Mỹ, Pháp, v.và, những quốc gia khác cũng có xe hơi xuất cảng sang VN, cũng phải được hưởng mức thuế tương tự. Thành thử vấn đề rất nhiêu khê và kéo dài song những quyền lợi của VN khi được vào tổ chức này cũng rất lớn nên Hà Nội đã phải đeo đuổi chật vật cho đến cùng. Nói như Trương Ðình Tuyển, Bộ trưởng Thương mại của Hà Nội, hôm 22 Tháng Năm với VietNamNet là nhận định khá chính xác: “Trong đàm phán đa phương có thuận lợi [song] cũng [có] nhiều khó khăn. Ðiều thuận lợi là chúng ta [VN] đã có 20 năm đổi mới và ngày càng tiếp cận đầy đủ hơn với nền kinh tế thị trường. Ðặc biệt, cuối năm ngoái, Quốc hội Việt Nam đã thông qua một loạt văn bản luật quan trọng như: Luật Doanh nghiệp, Luật Ðầu tư, Luật Sở hữu trí tuệ, trước đó chúng ta đã có Luật thương mại sửa đổi và Luật Cạnh tranh... Ðiều này tạo ra một sự đồng bộ cho nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, là cơ sở cho Việt Nam thực hiện cam kết của mình trong gia nhập WTO.” (NNB nhấn mạnh) Nói cách khác, để đi từ trong rừng ra và học được lối sống văn minh của nhân loại trên thương trường thế giới, Hà Nội đã phải lột bỏ gần như đến cái quần xà lỏn, thậm chí đến cả thay tim, thay phổi, thay gan, thay cật, thay phèo... để được thế giới coi là đáng được coi là đối tác thương mại của họ. Thương lượng với 28 quốc gia đối tác trong những năm qua là 28 lần đi thi, mỗi lần bị hỏi những đề bài khó hơn và chỉ khi đậu với một nhóm thầy giám khảo lớp sơ cấp thì rồi mới được lên cấp cao hơn để bị khảo thí tiếp. Vẫn ông Trương Ðình Tuyển: “Tuy nhiên, trong đàm phán đa phương cũng vấp phải những khó khăn mà có thể nhìn nhận trên hai khía cạnh. Thứ nhất, các nước càng gia nhập sau thì tiêu chuẩn càng cao hơn. Nếu so sánh với các nước gia nhập WTO trong giai đoạn 1995-2000 thì cam kết của Việt Nam đều ở mức độ cao hơn. Thứ hai, đối với những nước đang phát triển là không có sự công bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ: Nghĩa vụ nặng nề nhưng quyền lợi lại không tương xứng.” Nói như câu sau này của ông Tuyển là không đúng. Nếu “nghĩa vụ nặng nề” mà “quyền lợi không tương xứng” thì thử hỏi, Việt Nam tìm cách vào WTO để làm gì? Hiển nhiên, đó chỉ là một cách nói che đậy cho cái yếu kém của Việt Nam chứ không thể là sự thật. Sự thật Thế sự thật là gì? Sự thật là ngay lúc này, khi chưa vào WTO, VNCS đã được hưởng một siêu ngạch quá lợi so với phía Mỹ. Trong năm qua, chẳng hạn, sự trao đổi hai chiều đã lên đến trên 7 tỷ đô la mà phía Việt Nam bán cho Mỹ là trên 5 tỷ còn Mỹ bán cho Việt Nam mới chỉ được khoảng 2 tỷ hàng hóa. Vậy thì không thể bảo được là phía Việt Nam không lời được. Sự thật là sau khi vào WTO, các hạn ngạch của Mỹ gọi là “quota” sẽ còn bớt hơn nữa cũng như các ngạch thuế nhập cũng sẽ được giảm nhẹ một cách đáng kể, mở cửa cho hàng Việt Nam tràn vào thị trường Mỹ. Có thế Việt Nam mới “ham” chứ, có thế ngay những nhà tư doanh của Việt Nam như những người làm đồ may mặc, giày dép, đồ da, tôm cá, cà phê, hột điều, gạo, đồ gốm, thậm chí cả các văn nghệ sĩ như các họa sĩ, nhạc sĩ, nhà thời trang, v.và cũng thấy quyền lợi của mình gắn liền với việc Việt Nam được nhận vào WTO. Mỹ được lợi ở chỗ nào? Nếu thế thì Mỹ được lợi ở chỗ nào? Thưa, Mỹ cho rằng những siêu ngạch mà Việt Nam hưởng lợi trong mấy năm qua là một thiệt thòi mà họ phải gánh chịu ít nhiều trong lúc đầu, trong lúc dụ Việt Nam đi vào thị trường thế giới. Nói tóm lại, Mỹ xem đó là một thứ quà làm thân với Việt Nam để họ có thể: buộc Việt Nam đi vào một lối sống có văn minh (có luật pháp) trước khi họ muốn đi sâu hơn nữa vào thị trường Việt Nam. Ði sâu như thế nào? Thưa, đi sâu bằng những mặt hàng, những dịch vụ mà Mỹ có ở cấp cao, mà Việt Nam không thể bỏ qua được (như máy bay, chẳng hạn, hay các sản phẩm trí tuệ loại cao cường, hi tech), thậm chí cả những dịch vụ như dịch vụ khách sạn hay dịch vụ ngân hàng mà ít quốc gia có thể địch được với Mỹ. Ðể hiểu vấn đề này, ta chỉ cần nhớ lại việc xâm nhập của các máy điện thoại mobil từ thập niên 80 của thế kỷ trước là hiểu ngay. Việt Nam gần như đã bỏ qua giai đoạn máy điện thoại cố định để sang thời đại điện thoại cầm tay mà bây giờ có hơn 2 triệu máy ở Việt Nam. Cũng lại cuộc cách mạng kỹ thuật này mở rộng “không gian dân chủ” ở trong nước chúng ta, làm cho sự tiến lên dân chủ không thể quay đầu lại được. Nếu trước kia, nghĩa là khoảng 10 năm khi CS chiếm miền Nam, việc kiểm soát điện thoại còn dễ dàng (cả nước chỉ có khoảng hơn 50 nghìn máy và phần lớn phải đi qua tổng đài Hà Nội hay Sài Gòn ) thì bây giờ Công an Hà Nội vô phương theo dõi hơn 2 triệu máy mobil và trong tương lai, con số này còn nhân lên hơn nữa. Tuy nhiên, quyền lợi của Mỹ không thể chỉ là những chuyện trừu tượng như sự bành trướng của dân chủ sang Việt Nam. Bên cạnh đó, họ cũng phải được lợi vật chất một cái gì. Tóm lại, đối với các nhà tư bản Mỹ, quyền lợi của họ -nghĩa là mức lời trong làm ăn - phải đi đôi với quyền lợi trừu tượng hơn của chính sách Mỹ đối với một nước như Việt Nam. Ðó là chính sách có sự đồng thuận của Mỹ trong lúc này. Mấy lãnh vực Mỹ muốn vào Mỹ thừa biết là Việt Nam là một trong những thị trường ăn cắp nhiều sản phẩm trí tuệ của Mỹ nhất thế giới, không thua Trung Cộng bao xa. Từ “phần mềm” máy vi tính đến Thúy Nga Paris by Night, Asia, Vân Sơn, đến sách vở (như dịch vô tội vạ tiểu thuyết của Mỹ), v.và Mỹ, do đó, có nhiều lý do để làm sao cho những sự ăn cắp này bị ngưng bớt nếu không phải là ngưng hẳn: Vì chỉ có thế siêu ngạch trong thương mại hai chiều mới dần dần được cân bằng hóa. Theo nguồn tin của VietNamNet (ngày 12 Tháng Năm) thì “hai bên đạt được thỏa thuận trong những lãnh vực từng được coi là 'nhạy cảm' và khó mở cửa với Việt Nam như viễn thông, tài chính, phân phối và năng lượng” tương đối nhanh chóng trong đợt thương thảo thứ 12 hồi trung tuần Tháng Năm. Ngoài ra, phía Mỹ “cũng tiếp tục đòi hỏi VN phải mở cửa thị trường thịt bò và các sản phẩm thịt bò, yêu cầu VN bỏ thuế đặc biệt đối với các loại rượu mạnh, đòi VN phải mở cửa hơn nữa lĩnh vực dịch vụ chuyển phát nhanh (EMS).” Và cuối cùng, “vấn đề nhập khẩu các ấn phẩm văn hóa, phim ảnh, xuất bản vào thị trường cũng được phía Mỹ nêu ra.” Ðâu là quyền lợi của người Việt hải ngoại? Ðiểm sau cùng này nêu ra đích danh một đòi hỏi của người Việt hải ngoại trong cuộc vận động cho quyền lợi của người Việt tự do trong thời gian việc gia nhập WTO được thương thảo giữa Hà Nội và Hoa Thịnh Ðốn. Sở dĩ ta biết vậy là vì trong Hiệp ước Song phương Mỹ-Việt BTA năm 2001, Hoa Thịnh Ðốn đã nhượng bộ một yêu cầu then chốt của Hà Nội tức là xin (trong phụ đính 1.3) phía Hoa Kỳ đặc miễn cho Hà Nội phải chấp nhận sách báo, phim ảnh, DVD, CD âm nhạc, v.và từ Mỹ sang Việt Nam trong vòng 10 năm (nghĩa là cho tới năm 2011). Nói cách khác, trong vòng 10 năm 2001-2011, Hà Nội tha hồ gởi sách báo, video, truyền thanh, truyền hình, phim ảnh, CD, DVD, v.và của họ sang Mỹ mà không buộc phải nhận những sản phẩm tương tự của người Việt hải ngoại, chủ yếu là của người Việt ở Mỹ. Ðiều này, một đằng, cho phép Hà Nội ăn cắp tiếp bằng cách in lậu những sản phẩm hay của người Việt hải ngoại và, một đằng, lại ngăn chặn được những tác phẩm, sản phẩm mà họ có thể cho là độc hại (theo chủ quan của họ). Nghĩa là, nếu cứ giữ nguyên điều Mỹ nhượng bộ trong BTA thì tính đến năm 2011, người Việt hải ngoại có thể bị thiệt thòi đến hàng trăm triệu đô la vì tất cả những hình thức ăn cắp sản phẩm trí tuệ của mình do các con buôn trong nước với sự bao che nếu không muốn nói là đồng lõa của chính quyền. Chính vì lý do thiếu công bằng này mà một ủy ban đặc nhiệm đã được thành lập gồm thành viên từ Úc, Gia Nã Ðại, Âu Châu và Hoa Kỳ, nhằm phối hợp sức ép của ta lên các đại diện thương mại của mấy quốc gia này đòi hỏi phải hủy bỏ cái nhượng điểm của Mỹ cho Hà Nội nói trên. Cuối cùng thì Mỹ đã đưa vấn đề này vào thứ Tư 10 Tháng Năm làm áp lực lên trên phái đoàn Hà Nội khi hai bên không thể đồng ý được về vấn đề hàng may mặc. Mỹ cho biết là theo một số nguồn tin báo chí xuất phát từ VN, Hà Nội đã dự trù bỏ ra 4 tỷ đô la để yểm trợ cho các công ty may mặc của VN. Theo họ, đây là nâng đỡ và bao cấp, tức là một hình thức cạnh tranh không công bằng. Hà Nội thì chối là có chuyện bao cấp nói trên và tố lại là Mỹ cũng “subsidize” các nhà sản xuất nông phẩm để nông phẩm Mỹ có thể bán rẻ ra thị trường quốc tế. Hai bên tưởng đã không thể nào thỏa thuận được vào vòng thương thuyết Tháng Năm. Nhưng vào giờ chót, sau khi bắt phái đoàn VN đợi đến 3 giờ sáng (ngày 11 Tháng Năm) để chờ kết quả, phía Hoa kỳ đã khai thông được bằng cách đề nghị: sẽ tiếp tục coi VN là một nền kinh tế phi thị trường trong vòng 12 năm và sẽ có những biện pháp chế tài nếu như họ tìm ra bằng chứng có bao cấp cho ngành may mặc. Còn một số chặng phải vượt qua Ngày 1Tháng Sáu, như vậy là đôi bên mới ký được một bản văn gần như chung quyết. Các thủ tục còn lại là bản văn này cần được thông qua bởi cả hai quốc hội, của VN và của Hoa kỳ. Vì Quốc hội Việt Nam toàn là nghị gật nên người ta không nghĩ là có khó khăn gì nhưng Quốc hội Mỹ thì chịu nhiều sức ép của cử tri và các công ty Mỹ. Do vậy, Tháng Bảy này Quốc hội Mỹ, khi họp lại, có thể còn bắt phải đổi thay một số chi tiết trong bản văn nhất là sau khi đã nghe những chống đối mạnh mẽ từ ngành may mặc ở Mỹ. Ðó là chưa kể VNCS vẫn còn ở trong danh sách CPC (các quốc gia thiếu sót trầm trọng về tự do tôn giáo), vẫn còn bị chỉ trích nặng nề trên bình diện nhân quyền (bởi các NGO nên rất khách quan), vẫn chưa hoàn toàn để cho công dân VN đi ra nước ngoài và về một cách tự nhiên hoặc là đi định cư ở nước khác (Tu chính án Jackson Vanik). Những điều kiện này trong quá khứ đã buộc Hành pháp Hoa kỳ xin đặc miễn hàng năm để cho Việt Nam có thể làm ăn buôn bán được với Mỹ. Ðể có PNTR (tức Permanent Normal Trade Relations, tức quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn) cho phép Việt Nam đi vào WTO, Hà Nội còn phải đi vận động hành lang với Quốc hội Mỹ để cho phía Lập pháp Hoa kỳ chịu cho VNCS qui chế PNTR. Chính đây là cái kẽ hở để cho cộng đồng Việt Nam ở Mỹ vận động với dân biểu nghị sĩ của mình đòi hỏi nhiều cải thiện hơn nữa về mặt nhân quyền và các quyền tự do, kể cả tự do báo chí và tự do tôn giáo, trước khi nên bằng lòng cho Hà Nội qui chế PNTR. Nếu Hà Nội tiếp tục hạch sách những nhà dân chủ, làm khó dễ với các tôn giáo, tìm cách bịt miệng những cơ quan ngôn luận tự do (như cho tin tặc vào phá các trang nhà của báo Người Việt hoặc báo Ðàn Chim Việt) thì không chắc Quốc hội Mỹ đã bằng lòng cho Hà Nội qui chế PNTR. Dù như ai cũng biết là, để cho Tổng Thống Bush có thể sang Hà Nội vào Tháng Mười Một tới đây dự hội nghị thượng đỉnh APEC, thì ít nhiều Hà Nội cũng phải nhượng bộ trên mặt trận nhân quyền. Bây giờ đã là Tháng Sáu 2006 và Hà Nội còn rất ít giờ để chứng tỏ thiện chí của mình. Ngày 5 Tháng Sáu 2006 Springfield, VA | |