Số ra ngày 01/04/2006: Đông Xuan 2006 |
sổ tay | |
Về Nguyệt San Khơi Nguồn | |
Đọc Khơi Nguồn của Song Nhị Song Nhị là nhà thơ, nhà văn tại Bắc Cali, những ai hoạt động trong phạm vi văn học hay thích văn chương phần lớn biết về anh. Anh tên thật là Trần Thiên Lý, là một trong những sáng lập viên của Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn. Đây là tổ chức gắn bó với chữ nghĩa Việt Nam. Cội Nguồn thành lập cuối năm 1994, chính thức sinh hoạt từ năm 1995, đã xuất bản trên 30 tác phẩm thơ văn và biên khảo. Ngoài việc phát hành nhiều tác phẩm văn học, tháng Tư 2004 Cội Nguồn ấn hành Tạp chí Nguồn do Song Nhị và nhà thơ Diên Nghị sáng lập, chủ nhiệm là nhà thơ Trần Anh Lan. Nguồn được sự cộng tác của nhiều cây bút tên tuổi trong nước cũng như ở hải ngoại. Sau khi thay đổi ban chủ trương từ tháng Mười 2005, Nguồn đổi tên Khơi Nguồn, với hình thức, nội dung và ban biên tập như cũ, đến nay đã phát hành được 7 số. Khơi Nguồn là sự nối tiếp của tạp chí văn học Nguồn. Theo chúng tôi được biết thì Khơi Nguồn số 8 phát hành tháng 5-2006 sẽ trở lại Nguồn Số 25 - Năm Thứ Ba. Ban chủ trương gồm có chủ nhiệm Đặng Lệ Khánh, chủ bút Song Nhị, phụ tá chủ bút Phan Bá Thụy Dương, thư ký tòa soạn Đông Nghị và cố vấn luật pháp Luật Sư Nguyễn Tâm. Khơi Nguồn hiện tại dầy 156 trang, khổ 6.50“x9.50”, bìa mầu trang nhã, bài vở trình bày thẩm mỹ, nội dung phong phú gồm khá nhiều ngòi bút đóng góp bài vở thật giá trị. Tôi xin đan cử ba số báo gần nhất là số 5, 6 và 7 mà trong đó tôi xem bài của nhiều tác giả quen thuộc trong làng văn thơ hải ngoại như: Diên Nghị, Nguyễn Văn Lục, Nguyễn Thanh Liêm, Nguyễn Xuân Vinh, Nam Giao, Mùi Quý Bồng, Diệu Tần, Bùi Đức Lạc, Phương Triều, Song Thao, Trần Tuấn Kiệt, Trần Trung Đạo, Hoàng Định Nam, Vũ Đình Trường, Trần Kiêm Đoàn, Tú Lắc, Ái Khanh, Vũ Thi Thiên Thư, Cung Diễm, Đặng Tiến, Lê Mộng Nguyên, Võ Thạnh Văn, Đinh Từ Thức, Giao Chỉ, Hà Thượng Nhân, Hà Viết Tịnh, Huy Trâm, Ngô Đức Diễm, Nguyễn Văn Canh,Vi Khuê, Hoàng Vũ Đông Sơn,... Trong KN số 5 có bài viết của nhà văn Phương Triều, mang tựa đề “Hình ảnh người vợ trong thơ”. Không ai trong chúng ta phủ nhận những công lao đóng góp của “những cái cò Việt Nam”, trước hình ảnh đẹp đẽ về đức tính và dáng vẻ trong thi ca Việt ngữ nhà thơ Phương Triều đã gom góp những áng văn thơ ca tụng người phụ nữ Việt của chúng ta. Ông đan cử thơ của thi sĩ Luân Hoán tả người vợ qua hình ảnh may vá, dù may kiếm tiền nuôi gia đình hay may quần áo cho chồng con thì còn hình ảnh nào đẹp hơn để nhà thơ rung động tâm tư như: “khoanh tay im lặng dường chăm chú nhưng đầu óc nổi cuối chân mây trái tim theo nhịp bàn chân vợ ngồi thức một mình đạp máy may.” Tôi xúc động khi đọc đoạn kế anh Phương Triều viết như sau: “tôi không quên được hai câu thơ của Phan Yến Linh: “Vợ tôi không biết làm thơ Biết làm cô thợ may đồ nuôi con.” Lâu nay tôi vẫn cho rằng những câu thơ tình hay nhứt của mỗi thi sĩ không phải nói về người yêu xưa, về mối tình dang dở kể cả mối tình đầu mà nói về vợ, người vợ tấm mẳn, người vợ thủy chung, nhẫn nhục và lặng lẽ chia xẻ đắng cay khổ cực với chồng đang hồi sa cơ thất thế. Người vợ xanh xao gầy gò suốt ngày đêm gập mình xuống chiếc máy may là một hình ảnh khiến ta bồi hồi. Nửa đêm mấy lần chợt thức vẫn nghe tiếng máy may rào rào, bèn hỏi, “Sao em chưa đi ngủ?”. Vợ nhỏ nhẹ trả lời, “Em phải may cho đủ số, mai giao sớm để lấy tiền đi chợ mua vải may quần áo Tết cho mấy đứa nhỏ.”. Xin đi ra ngoài bài văn thì như bao người quân nhân miền Nam chia chung nỗi buồn ngậm ngùi của biến cố đổi đời năm 1975, Phương Triều bị đi tù, anh có những cảm nhận xót xa từ hình ảnh người cô phụ như sau: “Xóm đêm có người vợ khóc Được tin chồng vừa chết trong tù Đứa con tập nói kêu hoài tiếng mẹ Đâu biết rằng cha giờ đã thiên thu!...” (bài “Xóm Mộ, Đêm”, thơ Phương Triều” Phương Triều trong tâm sự buồn bã: “Sau ngày đi tù về, tôi có hơn năm năm sống lăn lóc ở xa cảng Miền Tây, chứng kiến nhiều cảnh lam lũ của những người đàn bà kiếm sống cho gia đình...”. Nếu người chồng tù tội bỏ thây vì nghiệt ngã ác độc bởi kẻ cầm quyền CS, thì người vợ vẫn tiếp tục sống nuôi con thơ: “Như em nén lệ vào tâm niệm Bờm tóc xù che dấu bụi đường Có vô danh mấy đời trăm tuổi Người sống vờ trong chết dị thường !” (bài “Sống”, thơ Phương Triều) Phương Triều trình bày những nét đẹp của người đàn bà Việt Nam như đã trích dẫn, thơ Song Nhị cũng mô tả những Huyền Trân trong thời chiến, ám chỉ sự hy sinh cao cả của người phụ nữ Việt Nam: “Em hỡi! người xưa lạc vào bến nào Lối xưa nhòa nhạt ánh trăng sao Tình xưa nhòa nhạt hồn sông núi Mấy gái Huyền Trân đã lệ trào?” (bài “Lối Cũ Ta Về”, Song Nhị) Nếu duyên tình còn xa cách, em nguyện lòng một chữ thủy chung: “Em nhé! đường xưa hẹn buổi về Khi đời khép lại những cơn mê Khi người tìm lại tình thân ái Nghĩa nước tình non vẹn chữ thề.” (bài “Lối Cũ Ta Về”, Song Nhị) Mười năm tù đày của Song Nhị là mười năm chị Song Nhị như bao người phụ nữ VNCH khác cực khổ lặn lội thăm nuôi chồng để nhà thơ buông những dòng thơ tình nghĩa: “Tưởng sang Mỹ rồi lòng thanh thỏa sang Mỹ rồi sẽ trả được cho em trả những năm em lặn lội đi tìm vượt núi băng rừng từ Nam ra Bắc gói đường, gói bột con cá khô, muối mè, muối sả vượt nghìn cây số đường xa lắc xa lơ trên toa-xe-lửa-già khập khễnh cứ sợ anh chết bụi chết bờ...” (“Thêm một lần nói chuyện cũ với em”, Song Nhị) Tôi đọc thơ mà hình dung bao sự hy sinh cao quý của người bà Việt Nam của sự tiết hạnh thủy chung, bao nhiêu lời, bao nhiêu giấy mực cũng không đủ diễn tả hết trọn vẹn cái hình ảnh thủy chung mà tôi cho là quá đẹp, tôi đã từng xem thơ của Dương Viết Điền, Hạo Nhiên,..., hay Mạc Phương Đình mô tả về người bạn đồng hành tri kỷ thăm nuôi các anh, tôi đọc những áng văn trong sách “Lối Cũ Chẳng Sao Quên” của nhà văn Bích Huyền, sách nói về người cô phụ lặn lội vào rừng sâu đi tìm chồng, một văn bản thực sự xúc động lòng tôi. Người bạn đời của Song Nhị ở tuổi đôi mươi đã trải qua một thử thách khó khăn, một kỷ niệm đầu đời ảm đạm, buồn vơi, đi thăm chồng nơi chốn tù đày: “Rồi em quay về giữa bầu trời ảm đạm giữa hoang vu móng vuốt rập rình mười năm em như con thoi đi thăm tù - về phố tuổi chập hai mươi em hóa thành chinh phụ hóa thành truyện kể dân gian anh thì cứ mãi băn khoăn tự hỏi: làm gì để bắt em cùng gánh tội?” (“Thêm một lần nói chuyện cũ với em”, Song Nhị) Nhìn chung, Khơi Nguồn 5 còn nhiều bài viết hay, có giá trị văn học như bài Bùi Giáng viết về “Đi vào cõi thơ Tuệ Sỹ”, Nguyễn Bá Hậu về “Nguyễn Du, nạn nhân của ngộ nhận”, Đặng Lệ Khánh về “Chuyên khảo về Huế”, hay Vương Đàm về “Nhận định những giá trị lịch sử Việt”,... Tiếp theo Khơi Nguồn 6 mà tôi đọc thì bài “Nhớ về Thăng Long” của tác giả Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh. Ông là một giáo sư về toán học, ông cũng dạy về môn kỹ thuật không gian (Aerospace Engineering), tương phản với những nguyên tắc lý luận toán học hay khoa học không gian ông còn là một nhà văn biên khảo uyên bác, hay là một nhà phê bình văn học. Dẫn chứng như khi ông viết về chốn Thăng Long xưa, ông dùng thơ của Bà Huyện Thanh Quan với bài “Thăng Long Thành Hoài Cổ” mang tôi về cái thuở mài đáy quần trên ghế trung học khi được học môn cổ văn. Xin hãy đọc văn của Toàn Phong: “Bà Huyện Thanh Quan Bài thơ nói về thành Thăng Long mà lại là một bài thơ hay tuyệt vời thì phần lớn chúng ta ai cũng biết và thuộc nằm lòng là bài thất ngôn bát cú của Bà Huyện Thanh Quan: Thăng Long Thành Hoài Cổ Tạo hoá gây chi cuộc hí trường Đến nay thấm thoát mấy tinh sương. Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, Nền cũ lâu đài bóng tịch dương. Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, Nước còn cau mặt với tang thương. Ngàn năm gương cũ soi kim cổ, Cảnh đấy người đây luống đoạn trường! Tính danh của nữ thi sĩ là gì thì không ai rõ. Sách văn học chỉ ghi lại bà là con ông nho Dương, người làng Nghi Tàm, huyện Hoàn Long, ở ngoại thành Hà Nội. Bà lấy ông Lưu Nghi, người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, cùng tỉnh Hà Đông, đậu cử nhân khoa Tân Tỵ (1821) thời Minh Mệnh. Ông làm quan đến Tri Huyện nên bà thường được biết đến như là Bà Huyện Thanh Quan. Về cuối đời, bà được vời vào Huế làm Cung trung giáo tập để dậy các hoàng tử. Thời Tự Đức (1847-1883), đôi khi bà được vua ban cho thơ chữ Hán và thơ Nôm, phu nhân cũng họa lại được nên vua qúi trọng lắm. Căn cứ vào những niên tích này thì thấy là những hoạt động thơ văn của bà là vào cuối thời Minh Mệnh và những năm đầu thời Tự Đức. Lúc đó kinh đô đã rời vào Phú Xuân, tức kinh thành Huế bây giờ và ở ngoài thành Thăng Long, kể từ những triều vua nhà Lê cuối cùng là Lê Hiển Tông (1740-1786) và Lê Chiêu Thống (1787-1788), cho tới nay cũng đã trải qua khoảng một trăm năm để bà nhìn thấy cảnh triều đại hưng phế mà viết lên những câu thơ như những hàng châu ngọc gợi cảm cho người đọc. Thơ của bà viết rất nhẹ nhàng, mỗi bài thơ tả cảnh đọc lên làm ta hình dung như một bức tranh thủy mạc, chấm phá thật tài tình, lời thơ tao nhã lại đượm nét u hoài. Lần bà được vua triệu vào Phú Xuân, khi đi tới đèo Ngang thuộc về rặng núi Hoành sơn, là một nhánh núi của dẫy Trường sơn, chạy từ cao nguyên ra bể, làm giới hạn cho hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, bà tức cảnh làm một bài thơ, có thể coi như là một tuyệt tác của thơ Nôm, luật Đường: Qua Đèo Ngang Tức Cảnh Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà, Cỏ cây chen đá, lá chen hoa. Lom khom dưới núi tiều vài chú, Lác đác bên sông, chợ mấy nhà. Nhớ nước đau lòng con quốc quốc, Thương nhà mỏi miệng cái gia gia. Dừng chân đứng lại trời, non, nước, Một mảnh tình riêng ta với ta. Bài thơ này thật là một bức tranh tuyệt mỹ, như đã được vẽ nên bằng những nét bút tài hoa tạo nên một khung cảnh trời, non và nước và, chỉ lơ thơ điểm thêm một vài nét, nữ sĩ đã đưa được vào bức tranh, và làm linh động thêm, vài chú tiều phu đốn củi dưới chân núi, và mấy quán hàng buổi chợ chiều ở ven sông. Câu kết của bài thơ đã nói lên tâm trạng của người thơ, một buổi chiều lữ thứ.” Rồi Toàn Phong viết về Hà Nội, về Bắc Hà với lịch sử và toán học để giải thích Cây Tháp tại Hà Nội, dẫn chứng phương trình toán học như sở trường của ông. Vì chiều dài bài viết này, tôi chỉ rút ngắn bớt những dẫn ý: “Cây Tháp Ở Hà Nội: Câu chuyện thứ hai cũng nhắc tới thành phố thân yêu của chúng ta, sau thời đại nhà Lê không còn gọi là Thăng Long nữa mà có tên mới là Hà Nội, có nghĩa là thành phố ở phía trong con sông Hồng. Vào năm 1883, tức là cách đây hơn một trăm năm, trên một tờ báo ở Paris có đăng một bài viết về toán vui đuợc ký tên là giáo sư Claus. Bài này tả một đồ chơi toán học, đặt tên là “La Tour d’Hanoi”, tức là “Cây Tháp ở Hà Nội”, và đồ chơi này có một tấm bảng gỗ trên có ba cái cọc, gọi là A, B và C như theo Hình 1. Trên cọc A có để xuyên 8 chiếc đĩa tròn, đường kính to nhỏ khác nhau, đĩa lớn bao giờ cũng ở dưới đĩa nhỏ hơn. Bài toán là làm cách nào chuyển dần những đĩa, mỗi lần nhấc một cái, để đưa tất cả các đĩa ở cọc A sang một cọc khác, với điều kiện là trong sự luân lưu di chuyển giữa 3 cọc, bao giờ cũng tôn trọng nguyên tắc là đĩa lớn nằm dưới đĩa bé hơn, và số lần chuyển đĩa là một số tối thiểu. Sang năm sau, tức là năm 1884, thì có một bài báo của ông Henri de Parville cho biết rằng giáo sư Claus là tên hiệu của nhà toán học có uy tín thời đó là giáo sư Edouard Lucas, tác giả cuốn sách có giá trị “Théorie des Nombres” (Lý thuyết Số Học). Mỗi lần viết bài về toán vui giải trí thì ông lại đổi tên thực là Lucas thành tên hiệu là Claus. Ông De Parville lại kể thêm câu chuyện là thật sự trò chơi cây tháp ở Hà Nội bắt đầu từ một tích truyền kỳ ở Ấn Độ. Một nhóm cao tăng của Ấn giáo đã được giao trọng trách chuyễn dần 64 đĩa bằng vàng giữa 3 cọc bằng kim cương theo điều lệ đã kể ở trên. Cũng theo truyền tích này thì khi thành tựu sự chuyển đĩa, ở giây phút cuối cùng, khi chiếc đĩa vàng nhỏ nhất được đặt xuống, thì trời đất vạn vật đều tan sụp xuống thành cát bụi. Sự việc này có thể xẩy ra hay không ta sẽ coi lại ở đoạn cuối. * Nhớ Về Hà Nội: Trước khi tiếp tục với bài toán cây tháp, thiết tưởng chúng ta cũng nên tìm hiểu sự chuyển biến từ tên gọi Thăng Long thành ra Thành phố Hà Nội ra sao theo với thời gian. Khởi thủy từ ông Lý Công Uẩn, khi lên ngôi hoàng đế là Lý Thái Tổ, thấy kinh thành cũ nhà Tiền Lê ở đất Hoa Lư chật hẹp không có thể mở mang ra làm chỗ đô hội được, liền dời đô ra La Thành. Tháng 7 năm Canh Tuất, tức là năm Thuận Thiên nguyên niên (1010), khi đoàn thuyền ngự tới nơi, Thái Tổ lấy cớ có điềm trông thấy rồng vàng hiện ra, bèn đổi Đại La thành là Thăng Long thành. Tới thời nhà Nguyễn, vào năm Nhâm Tuất (1802), khi vua Thế Tổ Cao Hoàng đưa quân ra Bắc, dẹp xong nhà Tây Sơn, bình được đất Bắc hà, thống nhất giang sơn, từ Nam chí Bắc thì ngài vẫn giữ tổ chức hành chánh và quân sự, có Bắc thành và Gia Định thành. Từ Thanh Hoá ngoại, tức là địa phận Ninh Bình bây giờ trở ra gọi là Bắc thành gồm có 5 nội trấn và 6 ngoại trấn. Từ Bình Thuận trở vào, gọi là Gia Định thành gồm có 5 trấn. Ở khoảng giữa đất nước tức là miền Trung bây giờ thì chia làm 7 trấn, riêng phần đất kinh kỳ thì đặt thành 4 doanh. Ở Bắc thành và Gia Định thành đều đặt chức Tổng Trấn để trông coi mọi việc. Riêng thủ phủ của Bắc thành thì theo âm Việt vẫn gọi là thành Thăng Long, nhưng chữ viết Hán tự thì đổi khác không có nghĩa là nơi có rồng bay lên, mà lấy nghĩa là thành phố thăng bình và hưng thịnh. Những năm đầu thời Gia Long dựng nước, công lao đều nhờ ở các võ quan, đứng đầu ngành võ, theo quy chế, chánh nhất phẩm là ngũ quân đô thống, nhưng cao cấp nhất chỉ có tiền quân Nguyễn Văn Thành được làm Tổng Trấn Bắc thành và tả quân Lê Văn Duyệt được giữ chức Tổng Trấn Gia Định thành cho đến lúc ông qua đời. Đến thời Minh Mệnh, vào năm Tân Mão (1831), vua Thánh Tổ bãi bỏ Bắc thành và Gia Định thành và những chức Tổng Trấn và theo lối nhà Thanh, đổi trấn làm thành tỉnh. Trước đó, thời Gia Long, nước ta có 27 trấn, nay lập thêm 4 tỉnh nữa, là tổng cộng 31 tỉnh, đặt những chức quan Tổng đốc để coi những tỉnh lớn và Tuần phủ để đứng đầu những tỉnh nhỏ. Thành Thăng Long là thủ phủ của Bắc thành nay cải thành một tỉnh gọi là Hà Nội.”. Xin tham khảo Khơi Nguồn 6 cho toàn bản văn lý thú về lịch sử và diễn trình toán học của Cây Tháp Hà Nội của tác gỉa Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh. Ngoài ra, Khơi Nguồn 6 còn có bài của tác giả Trần Nhu với “Tư tưởng văn học triều Lý”, Mùi Quý Bồng với “Một thuở yêu đàn”, Thinh Quang với “Thấn thoại trong văn học cổ Trung Hoa”, hay Lê Mộng Nguyên với “Ý nghĩa một mùa xuân”,... với tước hiệu cao quý Viện sĩ Hàn Lâm Viện, nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên đã phát biểu ý nghĩa của mùa xuân hay ý nghĩa văn hóa Việt Nam khi ngày Tết về người dân theo lịch sử vui hưởng không khí an bình, tự do, không bị quỷ ám bởi tà thuyết “Xã Hội Chủ Nghĩa”. Một bài viết nên xem. Gần đây tôi đã nhận Khơi Nguồn 7, tạp san mới này cho nhiều bài viết như “Những biến đổi trong văn hóa Việt Nam” của GS Nguyễn Thanh Liêm qua bút pháp biên khảo trình bày về nền văn hóa cổ truyền Việt Nam, cũng như phân tích về văn hóa biến đổi theo thời gian, những điều kiện và tương quan trong sự biến đổi, rồi bài “Người đi tìm tổ quốc” của Trần Trung Đạo, “Đọc truyện Kiều, tác gỉa, nhân vật và luân lý” của Diệu Tần, hay “Giòng họ Lý tại Đại Hàn” của Trần Đại Sỹ. Tôi cũng chú ý đến bài “Cuộc sống ở một nơi nào khác” của tác giả Nguyễn Văn Lục, một nhà văn với bút pháp biên khảo và bình luận văn học đóng góp rất nhiều bài viết cho nền văn học hải ngoại. Hãy xem ông viết qua bài nhận định gần đây nhất nhân chuyến về lại quê hương từ Sài Gòn ra Hà Nội. Bài viết được trích đoạn như sau: “Đặt chân đến Sàigòn, tôi chỉ có một ý nghĩ là về: về với gia đình. Nhìn lại anh chị em mình còn ở lại. Gặp lại con cháu mình mà từ hơn 30 năm chưa gặp mặt. Đứa chưa gặp thì lạ hoắc. Nhìn nhau mà ngỡ ngàng, mà cười. Tất cả là hơn 60 đứa cháu lớn nhỏ. Tiền lì xì trong dịp tết phải có danh sách lần lượt mỗi nhà. Vui ơi là vui. Nhiều đứa đã lớn cái đầu, đã có dâu rể còn tỵ nạnh, mè nheo đòi cậu, đòi ông trẻ cho thêm. Thì cũng cho. Đứa gặp lúc thuở nhỏ thì nay cũng đã đứng tuổi hoặc chập chững bước vào tuổi già. Mừng vui lẫn lộn, cười chảy nước mắt. Lúc ra đi, cả một bầy vẫy tay la hét. Cứ nhốn nháo cả lên. Ra đi mà lòng không đặng. Cuối cùng cái gì còn lại chỉ còn lại một cuộc nối lại khúc ruột mà nhiều năm nay đứt đoạn... Thời gian bây giờ là thời gian miên tục, triền miên đến không còn ý niệm thời gian nữa. Việt Nam, đất nước tôi, Sàigòn, Hànội. Thời gian lúc nào cũng là lúc không giờ. Thời gian chuyển động triền miên cũng là thời gian lúc nào cũng chỉ không giờ. Nó xoay chuyển liên tục, chóng mặt như một vòng xoáy, như một cơn lốc, như một cơn mê. Nó không có lúc nào bắt đầu nên cũng không có lúc nào dứt điểm. Người lao động các khu chế xuất làm từ sáng tới đêm, làm hùng hục, không còn thấy ánh sáng mặt trời. Và nay thì họ đã cất lên tiếng nói bằng đình công. Nhiều chỗ, nhiều nơi ở các khu chế xuất, nhất là Biên Hoà, Long An. Ít lắm đã có gần 20 ngàn công nhân đình công.. Không làm thì ăn uống suốt từ sáng đến đêm. Lúc nào cũng là ăn, lúc nào cũng là uống và như thể không có công việc gì khác ngoài chuyện ăn uống. Sáng trưa chiều tối. Đêm là ngày, ngày là đêm. Thứ hai, tư sáu, thứ bảy chủ nhật. Lúc nào là nghỉ, lúc nào là làm. Xe cộ như mắc cửi như thể không ai làm việc gì, ngoài việc phóng xe ngoài đường.” Ông từ Sài Gòn ra Hà Nội tìm khung cảnh cố hương. Nơi nào ông đến cũng thấy những cảnh người lè phè, ăn nhậu, hay là một vấn nạn đáng buồn trên quê hương: “Đi Hà Nội để tìm lại một phần của đời mình: Tôi đã ra Hànội và tôi đã thấy gì. Thăm Hànội là để tìm lại một phần đời mình, một chút kỷ niệm, một chút mảnh đời tuổi trẻ. Tôi còn nhớ lại trước đây vào những buổi sáng tinh mơ, mặt nước hồ Tây hay còn gọi là Dâm Đàm có nghĩa là đồng sương mù còn mờ hơi sương. Sương la đà mặt đất, phủ nhẹ trên các lá cây một lớp bụi trắng đọng lại thành từng giọt nước. Phải lâu lắm, ánh sáng mặt trời mới làm tan lớp sương mỏng. Trên cao, một đàn chim sâm cầm lượn đi ăn sáng, chân duỗi thẳng ra đằng sau, thân mình nhọn dài, đâm chéo lên chân trời như trong một bức tranh. Tôi còn là một cậu bé Hànội co ro trong chếc áo len nhiều mầu chặt đến muốn nứt ra, chân đất chân không tới trường. Hànội tôi thế đấy, nghèo mà thân thương. Nhớ từng bụi cỏ, từng tiếng ve sầu, tiếng rao phá xa, tiếng tục tắc, tiếng leng keng của đường tầu điện.Cái cảnh đó không còn nữa. Cái kỷ niệm đó cũng không còn nữa. Con đường Cổ Ngư, phía tay mặt, nay dựng lên những quán ăn che mất mặt hồ. Tầm nhìn thu hẹp lại, chỉ còn ngửi thấy mùi thịt nướng từ quán ăn xông ra. Nếu đất nói được, nếu thiên nhiên biết nói tiếng người, nó sẽ nguyền rủa con người. Phía cuôí đường là chùa Trấn Quốc nay bị những khối bê tông chắn hết tầm nhìn. Sừng sững và trấn áp. Con người cũng chả được tôn trọng thì thiên nhiên sá gì. Chỗ nào cũng quán ăn nhậu. Mấy quán nhậu đó là cái bẩn mắt của thành phố do các quan chức bảo trợ đằng sau. Hànội không còn là Hànội nữa. Bờ hồ Hoàn Kiếm thì nay chình ình việc xây cất một toà nhà lớn của công ty Bưu điện. Bệnh xây cất tuỳ tiện là thứ bệnh dịch lan tràn khắp nơi.(Maladie de la pierre).Tôi đạp xe xuống phía Giám để về Hà Đông vào thăm dinh Hoàng Cao Khải, nơi mà tôi đã từng học nhiều năm với biết bao kỷ niệm. Gần đấy là Gò Đống Đa giống như một cái lúm đất mỗi ngày mỗi lùn đi, bị khuất lấp bởi những nhà xây cất phía trước mặt. Hỏi thăm mãi mới tìm ra được. Lên trên, ở phía tay trái, người ta lại tham lam làm một cái cái sân chơi với các cây đu cho trẻ con.. Sân chơi cho trẻ con là cần lắm, tốt lắm. Nhưng phải làm ở chỗ khác, không được đụng đến di tích lịch sử. Nếu đã đụng như thế thì nên dẹp gò Đống đa đi cho rồi. Còn gì là di tích lịch sử nữa. Dinh Hoàng Cao Khải, thời trước 54, trước mặt là một cái hồ bán nguyệt, rộng mênh mông nay thật đến ngu xuẩn người ta làm hồ nuôi cá. Giữa hồ là cái bè nổi với các thùng phuy có cái bảng đề như sau : Hồ thả cá. Cấm câu cá, đổ rác. Cổng vào dinh thì nay trở thành : Trụ sở tuần tra nhân dân quận 9. Dinh này có thể biến thành khu di tích lịch sử nay trở thành hồ câu cá. Lấy cái lợi nhỏ, cục bộ quên cái lợi lớn. Óc tham lam địa phương che mờ cái nghĩa lớn. Buồn thay. Tôi vừa đọc tờ báo Khơi Nguồn, số mới nhất, số 5, có bài của ông Diệu Tần viết như sau : “ Về kiến trúc cổ, chùa Diên Hựu hay chùa Một Cột là một trường hợp điển hình có sự mâu thuẫn nặng nề giữa quyền lực chình trị và nhu cầu bảo tồn di sản quốc gia... Nguồn tin mới tiết lộ là khi xây chỗ cho ông Hồ, những người có trách nhiệm muốn phá bỏ ngôi chùa đặc biệt có một không hai trên thế giới cho rộng chỗ, cho vĩ đại hơn.. Rất may là “chướng ngại vật” vẫn còn trơ trơ, nhưng người ta cho biết chùa nằm vào thế kẹt ngó rất khiêm nhường và thảm bại”.”. Tác giả Nguyễn Văn Lục mô tả điều nực cười dưới chế độ CSVN vốn ba hoa, phét lác về nền văn hóa do họ gầy dựng. Khi đi đến đâu cũng nói bảo tồn văn hoá. Cả thành phố Sàigòn, cứ mỗi cổng vào các phường khóm đều có cái bảng đề: “Khu văn hoá”. Những vết tích lạc hậu của xe điện Hà Nội đến sự hỗn hào của thế hệ trẻ thiếu một nền giáo dục nhân bản và đạo đức, thay vào đó là một chủ trương kim bản vì duy vật, duy tiền, mất đi nét đẹp của truyền thống của dân tộc. “Trên đường về, tôi nhớ hai toa tầu điện kêu kính keng với cái sào điện trên nóc. Đã không còn nữa. Tôi thử đi tìm hiểu xem, đường tàu điện đã được gỡ bỏ từ năm nào.. Tôi kiếm được tờ National geographic, nằm ở xó kẹt tủ sách của tôi, số tháng 11.1989, có bức hình xe điện chiếm toàn hai trang báo. Tôi ngắm đi ngắm lại. Dĩ nhiên nó không đẹp và rếch rác hơn thời 1950. Nhưng tàu điện vẫn còn đó. Nó như một cái mền rách. Nhưng chỉ cần nó còn đó, rách cũng đuợc, sơn quét lại mấy hồi. Lớp vỏ bên hông tầu điện tróc sơn từng mảng, rách nát. Cửa sổ bằng then gỗ cái còn cái mất. Nó chỉ chạy có một toa. Và đằng trước toa, đứng ở bên ngoài, vẫn có một người mặc áo xanh, quần đen, đi dép, đang kéo một sợi giây hay cái gì đó để điều khiển cho tầu điện có thể chạy được. Cái kỷ lục của xe điện thành phố Hànội, trong hàng thế kỷ, theo ý nghĩ riêng tư của tôi, có lẽ nó chưa cán chết một người nào, chỉ vì nó đi chậm. Chậm đến độ, tôi có nhảy lên lúc nào tôi muốn và xuống bất cứ chỗ nào để khỏi trả vé. Cách nhảy lên cũng cần kỹ thuật lắm, phải chạy nhanh theo hướng xe điện, rồi thuận đà nhảy lên. Xuống cũng vậy, nếu không thì ngã dập mặt. Tôi đếm được tất cả hơn 20 chục chiếc xe đạp đi ngược đi xuôi chung quanh xe điện, sắp quẹo... Chắc là Ngã Giám. Trong đó chỉ có một xe Honda. Sau 14 năm thống nhất, qua chiếc tàu điện... Hànội vẫn như một chiếc mền rách. Nghèo nàn và lạc hậu. Vậy mà đến hôm nay, sau 16 năm, tôi về lại nó đã khác nhiều rồi. Xe máy chiếm trọn vẹn đường phố. Xe đạp hầu như rất hiếm. Nhờ có tôi và một người bạn mà Hànội có thêm được hai người đi xe đạp. Chúng tôi thích thú và vui lại cái hồn nhiên tuổi trẻ. Mỗi lần lạc nhau, đứng chờ, sợ xanh mặt. Tôi cảm thấy mình trẻ ra như một người thanh niên hồi còn xanh tóc. Vui và phơi phới. Hai đứa đạp không biết mệt. Vừa đạp vừa ngó nhìn sợ lạc nhau. Có lẽ đây là những giây phút tôi cảm thấy đẹp nhất khi ở Hànội. Nhớ mãi. Sàigòn thì không thể có những giây phút thư giãn bằng xe đạp được. Mỗi đọan tôi lại dừng xe hỏi đường. May mắn là khu phố đối diện nhà thờ cửa Bắc, xưa gọi là thành cổ Hànội, Bắc môn còn giữ lại được hai vết tích vết đạn đại bác của quân đội Pháp bắn vào thành Hànội. Dưới đó có ghi: thành cổ Hànội, Bắc môn 25 tháng tư, năm 1882. Bombardet de la citadelle par les cannonières surprise et fanfare. Chỉ có hai lỗ đạn thị uy đủ làm khiếp đảm quân lính trong thành. Thật ra đạn đó có giết ai đâu. Dọc con đường Hoàng Diệu hay Nguyễn Tri Phương, trùng trùng điệp điệp, nay là dinh cơ của hằng trăm các cấp lãnh đạo lớn nhỏ, tướng lãnh.. Đây là những đền đài dinh thự của các vua chúa mới thời Cộng Sản và có thể nói ươc mơ cuối đời của giai cấp lãnh đạo chỉ gồm có hai điều : Sống ở nơi đây trong các dinh cơ đồ sộ và tráng lệ, chết thì lưu danh với tên tuổi trên đường phố. Tôi cũng thấy thiếu cái thi vị Hànội mà mỗi buổi sáng tinh mơ, từng đoàn người lũ lượt từ hướng làng Ngọc Hà, phía sau vườn Bách thảo, làng Nghi Tàm, khu vực cạnh Hồ Tây quang gánh những tinh hoa của trời đất với những bông hồng, bông sen trắng đỏ, những cụm sói bông trắng lá xanh, rồi những cành mai vàng, cụm quất đem vào thành phố. Ngược chiều là những người đi đổ thùng phân đi ra khỏi thành phố. Hànội nay như thiếu vắng một cái gì xác lập nó là Hànội. Hàng Đào chẳng cần lụa nữa và hàng bạc nay cũng chẳng cần vàng nữa. Hànội chuyển mình: Nếu mường tượng trong tương lai Hànội sẽ có gì thay đổi ? Thủ đô Hànội nằm gối đầu trên bờ đê sông Hồng, giắt ngang bằng một giải yếm là cầu Paul Doumer. Sông đó, cầu đó, biểu tượng cho sức mạnh của người Pháp. Nay đã không còn như thế nữa. Thời đó, người ta không khỏi thở dài thán phục: Les Francais font tout ce qu!ils veulent (Người Pháp làm được bất cứ cái gì họ muốn). Ai cũng nghĩ rằng, thật vô vọng để xây một cây cầu như vậy. Đứng trên bờ đê mùa lũ, nhìn nước chảy phăng phăng , cuốn theo bất cứ cái gì: đất phù sa mầu đỏ gạch như hàng nghìn chiếc xe tải chở đất, cuốn theo nó nào cành cây, củi khô, củi mục, rác rưởi, bè lục bình và nếu cần cả xác người trôi sông nữa vào thời Việt Minh trước 1945. Nước sông mầu đỏ ngầu như đang say máu, phăng phăng như chạy giặc. Vậy mà P. Doumer đã khắc phục được tất cả, hoàn thành cây cầu sau 4 năm. Công của ông không nhỏ. Phải nhìn nhận rằng, dưới thời Paul Doumer, thành phố Hànội đã đổi mình. Cây cầu Paul Doumer đã mở đường cho Hànội bước vào thế giới văn minh. Nhớ lại cái hình ảnh năm 1946, tôi chạy lọan và leo lên gác chuông nhà thờ cửa Bắc sáng hôm sau. Tôi đã thấy gì. Thấy từng đoàn người lũ lượt lếch thếch, bồng bế chạy trên đê Yên Phụ, hướng về phía Hà Đông thay vì hướng về phiá cầu Long Biên. Bóng những người chạy tản cư in dấu một vệt dài trên nên bầu trời trắng đục. Tất cả hình ảnh đó đã phai mờ về những ngày khởi đầu chiến tranh trong ký ức của tôi khi về thăm lại Hànội. Nhớ lại 4 câu thơ của Quang Dũng những ngày ấy: Thôi chào Hànội lửa ngang trời Ta đi ngõ gạch, tường đang đục Gạn từng giọt nước đánh cầm hơi.” Tác giả kể về “Ngõ Phố Hànội”, đời sống người dân nghèo thê thảm và tội nghiệp, khác với bộ máy tuyên truyền của CS khoe khoang trong sự phồn vinh giả tạo của sự đổi mới làm giàu cho thiểu số khi mà những ông bộ trưởng trong chính phủ thết đãi tiệc tùng có những trinh nữ mỹ nhân khỏa thân trong bồn rượu để người dự tiệc múc rượu thưởng thức sự trinh nguyên của mỹ nhân. Xã hội chủ nghĩa như thế ư? Lối sống “trưởng giả học làm sang” tại Hà Nội như thế ư? Bài viết của Nguyễn Văn Lục cho ta cơ hội so sánh cái thực chất của nhà cầm quyền bất tài, vô trách nhiệm, sau hàng chục năm áp dụng mớ lý thuyết xã hội chủ nghĩa trong ảo mộng, trong hoang đường để rồi cái nôi CSVN tại Hà Nội vẫn lạc hậu, vẫn tội nghiệp lắm. “Phố và ngõ là hai đặc điểm sắc thái văn hoá của Hànội. Phố là đời sống bên ngoài, ngõ là đời sống bên trong. Cứ vài nhà lại có một ngõ. Ngõ sâu hun hút đến dài bằng một con đường phố nhỏ. Nơi ấy là nơi ra vào của hàng chục gia đình lớn nhỏ. Bề ngang chỉ chừng hơn nửa thước mà nếu có hoả hoạn thì không biết sẽ ra sao. Bề dài có thể 50 đến 60 chục mét. Có ngõ chật như thế chỉ vừa một người đứng một tý mà trong đó có một cửa hàng bán đồ vàng bạc. Tủ kính dựa vào tường, thế là thành một cửa hàng. Có cái ngõ gì quên mất bán chè chí mào phù và trong tiệm có một con chó đá. Chắc xưa hẳn là cửa ngõ đi vào đền. Chúng tôi đã quên đường và đi hỏi bằng được tiệm bán chè chí mào phù có con chó đá. Vậy mà hơn một tiếng đồng hồ sau, tôi cũng tìm ra. Khá vất vả. Tôi vừa tức, vừa vui, vừa đùa, tôi ngồi lên lưng con chó đá nói: Vì Mày mà tao phải vất vả thế này. Người trong quán nhìn tôi trách móc: Đây là chó thờ đấy. Tôi vội vàng tụt xuống xin lỗi mọi người vì vô lễ và cúi vái ông chó đá vài cái. Quả thực trước mặt ông chó đá có bát nhang thờ. Tín ngưỡng miền Bắc còn khá nhiều vương vất tính cách thờ vật tổ (Totem), chen lẫn mê tín và dị đoan lắm, khác hẳn trong Nam. Ngõ như thế trở thành quen thuộc và nét văn hoá đặc thù của Hànội. Chỉ có ở Hànội mới có. Một nếp sống chung đụng hàng vài chục người. Và người Hànội đã sống như thế, thế hệ này qua thế hệ khác. Nhất là kể từ sau 1954, mỗi hộ thay vì một nhà có thể thêm cả chục nhà sống chen chúc nhau. Tôi có cô em họ ở 14 Hàng Cân. Tôi đã đến thăm cô vào một buổi trưa. Vào đến bên trong là vô số những bếp lớn nhỏ ở dưới và trên lầu của mỗi gia đình. Hỏi thăm cô, cô cũng chả thích thú gì cái đời sống với ngõ ngách như thế. Có đứa con trai đã ra ở riêng. Và chắc sau này sẽ dần tan biến đi. Cô nói muốn bán cũng không phải dễ, phải tất cả những người trong căn hộ đều muốn bán. Chắc bên trong cũng có nhiều điều phức tạp. Gì chứ kèn cựa nhau từng tấc vuông đất, từng ly từng chút chịu đựng nhau, nhịn nhục nhau mà sống chung là không tránh được.. Đi ra đi vào chạm mặt, nhà này làm gì, mua bán, cãi nhau, con cái ra sao. Nhà kia biết hết. Khó mà có thể dung hợp hết mọi người trong mấy thước đất đó được. Khó mà có chỗ riêng tư. Đấy là một bi kịch của đời sống kiểu l’enfer c’est les autres. Tranh dành, cãi cọ, dòm ngó, ghen tuông, đố kỵ, bon chen, giả dối, ác độc, thù hằn, khó tính khó nết. Có thể có hết. Có khi ở mấy chục năm không thèm ngó mặt nhau. Cô em tôi vốn là thừa kế gia sản của ông ngoại. Ông cụ vốn có 14 căn nhà. Nhưng sau 1954 bị tịch thu hết, chỉ còn giữ được căn nhà 16 Hàng Cân này... Nhưng cũng chỉ được ở một phần, phần còn lại nhà nước chia cho người khác. Có lần, tôi gặp một bà cụ đi mua một quả trứng.... Tôi tò mò hỏi thăm cụ.. Thế là cụ dẫn tôi vào ngõ và lên lầu.. Cụ dặn tôi, con mẹ bán ngoài cửa hàng là khó chịu lắm. Đừng để nó biết lại lôi thôi ra. Cụ nay ở một mình, trong nhà vương vất lối sống giàu có thời xưa, cũng sập gụ, tủ chè, ghế sa lông gụ chạm trổ. Cúng ông cụ vỏn vẹn có một quả trứng đi mua và một bát cơm. Tình nghĩa vợ chồng của một người còn ở lại dương thế trong cái nghèo nàn cô quạnh như một vất vưởng chờ ngày để về. Căn nhà trong ngõ cũng là quãng đời của bà cụ và biết đâu cũng là quãng đời còn lại của ngõ. Và đến một lúc nào đó cũng là lúc chấm dứt một thứ văn hoá ngõ. Bao giờ người Hànội ra khỏi những quãng đời tăm tối của những căn nhà hút sâu trong các ngõ hẻm. Bao giờ. Chắc rồi cũng thay đổi. Và nếu thay đởi thì đây chẳng khác gì một biến cố lịch sử của ngõ mà cũng là lịch sử cuộc đời của vô số người Hànội. Thật khó mà quên.” Tác giả viết lời kết về người Hà Nội nghe như xót xa, đau lòng. Tôi yêu mến Hà Nội trong văn chương của bậc trung học với “Hà Nội 36 phố phường” của Thạch Lam, bao nhiêu áng văn khác viết về Hà Thành, nay chính người CSVN đã làm tiêu tan, hoang phế giấc mộng xưa của tôi về Hà Nội, và về con người Hà Nội, tôi đọc tiếp: “Và chả nhẽ ra Hànội mà lại không nói một tiếng về người Hànội. Thật ra sau 50 xa cách, tôi không hình dung ra người Hànội qua ông A, ông B hay chị C nữa. Và đó có lẽ là cái thay đổi lớn lao nhất trên toàn bộ sinh hoạt đời sống người Hànội. Tôi không có dịp tiếp xúc nhiều, phần đông những người trên đường phố thì đều là những người bình thường. Một thứ “Mr. tout le monde”. Ở đâu cũng có, ở đâu cũng vậy, nhưng tiếp xúc rồi thì cũng ngại. Tại sao người Hànội ăn nói tục tĩu thế. Một cô gái trẻ, xinh đẹp có thể văng tục không ngượng miệng. Nhiều người đi về đã nói với tôi như thế rồi. Nhưng lần đầu nghe vẫn thấy thế nào ấy. Đó không phải người Hànội trong mắt tôi nữa mà người Hànội nguyên con, nguyên hình. Cái nơi mà tôi có thể nhận ra người Hànội chắc hẳn không phải nơi các cô chiêu đãi, các chị làm công trong khách sạn, hay các người bán hàng, hay mấy ông nhà văn, nhà báo. Phải nhìn ra người Hànội qua đám trẻ từ 12-14-17 tuổi. Chỉ cần vào một tiệm Internet. Ta sẽ gặp, ta sẽ thấy.. Đây là sản phẩm nguyên gốc của xã hội người Hànội. Ta sẽ gặp những đứa trẻ ngổ ngáo, hỗn xược, nói tục tĩu hết chịu nổi. Những thanh thiếu niên, thiếu nữ này không biết con cái nhà ai, thuộc thành phần xã hội nào.. Thật tình tôi không biết. Nhưng từ cách ăn mặc, cử chỉ, ngồi trên ghế, nói to quát tháo, chửi thề, thái độ biểu tỏ một sự vô giáo dục ở mức độ báo động. Tôi không nói ngoa cho người Hànội đâu nhé. Và sự khác biệt giữa lớp trẻ Hànội và lớp trẻ Sàigòn làm tôi thay vì kinh dị thì ngạc nhiên. Lớp trẻ Sàigòn, cũng chỉ trong tiệm Internet thôi nhé, biểu tỏ một nếp sống văn hoá có giáo dục, có lễ độ trong một chừng mực có thể tin tưởng được. Cái này những bậc làm cha mẹ, những nhà giáo dục phải nên nghĩ tới. Tại đâu? Tại cha mẹ, thầy giáo hay xã hội? Tại sao có sự khác biệt giữa lớp trẻ trong Nam, ngoài Bắc và nói rộng ra lớp trẻ hải ngoại? Thật là không vui phải viết ra điều ấy. Cứ tình trạng này thì Hànội có phát triển đến đâu cũng báo hiệu những cơn lốc phá hoại, hủy diệt không ai lường trước được về mức độ hư hỏng và mức độ tội phạm. Lời cảnh báo này chẳng biết có ai muốn nghe không. Nhưng cảnh báo vẫn phải cảnh báo. Trong dịp ở Hànội, đôi khi một cách ngoài ý muốn, đôi khi tình cờ, đôi khi không hẹn mà gặp, tôi đã nhìn, đã gặp, đã nói truyện, đã thấy trong một hai buổi hội thảo một số nhà văn, nhà báo, họa sĩ, nhà phê bình, chủ báo theo một thứ tự lộn xộn sau đây. Thật là mỗi người mỗi vẻ, có người để lại ấn tượng tốt, có người không. Nói chung họ ăn nói, phát biểu vung vít hơn Sàigòn. Và cũng có vẻ họ nói nhiều hơn là làm. Nhưng người ta cũng nhủ tai cho biết rằng. Nói thì cứ nói, nhưng đừng viết là được. Họ có tên là : Lý triệu Dũng, Lương Xuân Đoàn, Trần Thị Trường, Phạm Toàn ( Châu Diên). Đỗ Hoàng Diệu, Phạm Xuân Nguyên, Dương Thúy Hằng, Bùi Như Hương, Văn Thành, Nguyễn Bỉnh Quân, Nguyễn Minh Khánh, Đào Anh Khánh, Soma Chakrabarti-Fezzardi, Nguyên Ngọc, Lê Đạt và đặc biệt, ông Hoàng Chương, chủ bút báo Văn Hiến. Và nói thêm một điều. Đời sống họ cao, đầy đủ hơn mấy nhà văn của Sàigòn trước 1975. Cũng khó mà làm khác được. Hình như chỉ là nhà văn của hội nhà văn.. Những Nguyễn Thị Hoàng của miền Nam trưóc 1975 nay họ sống bằng gì, như thế nào. Tôi gặp mà chả dám hỏi. Người mà tôi ghi lại ấn tượng rất tốt khi biết ông là người đã hết lòng với Tây Nguyên, dịch sách về Tây Nguyên, hiểu Tây Nguyên và thương Tây Nguyên hơn ai hết. Người mà khi về đến Sàigòn, bạn bè cho biết, ông đã từ chối một giải thưởng cao quý nhất. Ít ai đã làm được điều đó. Tôi chỉ có dịp nói chuyện chung với ông một lần. Đó là nhà văn Nguyên Ngọc. Khen một người không có nghĩa là chê các người còn lại. Chỉ vì trong một tình huống nào đó, biết rõ người này hơn người khác. Và cuối cùng, ấn tượng sâu sắc để lại trong tôi khi rời Hànội là ở nơi đây sẽ là trung tâm quyền lực của cả nước. Cái quyền uy đó nó lồ lộ ra khi đi qua những con đường như Hoàng Diệu. Bóng dáng quyền uy của những căn nhà, những biệt thự như chụp trên ta. Có cái gì thâm cung bí sử, có cái gì ghê sợ phát tiết ra ngoài. Nó bàng bạc trên không, trên mái nhà, trên những bức tường cao quá đầu người, trên những cây me, cây sấu già trăm tuổi, trên người lính gác hiền lành trước cửa. Không thể kiếm ra những người lính gác hiền hơn thế. Vậy mà tôi vẫn sợ anh, mà anh có làm gì tôi đâu. Tội sợ anh, hay sợ cái gì đằng sau anh. Tôi không biết. Không một bóng người, không một ai tới gần, không dám tới gần hay không muốn tới gần. Phần tôi, chỉ sợ anh lính gác chận lại hỏi đi đâu vì lỉnh kỉnh máy ảnh, sổ tay ghi chép. Anh mà đọc những thứ ấy, có thể tôi bị bắt giam. Tôi cảm thấy mình nhỏ bé, yếu ớt quá, tôi cảm thấy mình như con dun, con dế. Mặc dầu tôi là người nước ngoài, mặc dầu tôi không làm gì, mặc dầu trong thâm tâm tôi cũng muốn nó khá lên, mặc dầu tôi cũng yêu đất nước này, đất nước đó cũng là của tôi. Tôi cũng từng nhiều lần đi qua tòa Bạch ốc. Nó đồ sộ và uy nghi gấp nhiều lần. Lính canh và an ninh nghiêm ngặt gấp nhiều lần. Loạng quạng có thể nó bắn mình chết ngay. Cứ bề ngoài thì nó dễ sợ lắm. Vậy mà tôi không sợ. Vậy mà hằng trăm, hằng ngàn người đi qua đó cũng không sợ. Tôi thản nhiên đi lại như một người khách du lịch nhàn tản. Thấy cái gì thích thì chụp. Tôi có dám đứng lại mà chụp những tòa nhà có lính gác không ở Ba Đình, ở Hoàng Diệu. Chụp cái cổng trụ sở an ninh, dinh Hoàng Cao Khải mà tôi cũng sợ.. len lét nhìn trước nhìn sau. Tôi chỉ có thể nói được rằng, lúc nhỏ tôi sợ ma, về nước, nay tôi sợ người. Ai có thể giải thích cho tôi điều này đây, tại sao lại như thế. Cái gì đã làm cho tôi sợ như thế. Tôi nhớ lại ông Tổng Giám Mục Bình khi gần chết được tờ Công Giáo và Dân tộc phỏng vấn có hỏi : Sau 20 năm thống nhất đất nước, điều gì đáng nói nhất. Trả lời : Sau 20 năm mà tôi vẫn còn sợ. Nếu cứ nhìn sinh hoạt bề ngoài thì tôi thấy chả có gì để sợ. Vậy cái sợ đó đã cấy mầm từ bên trong tôi tư thủa nào. 30 năm trở lại mà cảm giác sợ vẫn còn. Tôi không biết những người dân Hànội đi qua những nơi ấy có cảm nghĩ như tôi không. Nhưng tôi còn nhớ như in cái cảm giác đi qua những quảng trường chiến sĩ, khu vực Ba Đình. Ở đây không phải cảm giác sợ mà lạnh tanh, cảm giác hoang vắng, cảm giác chơ chọi. Và tôi đã quay xe trở về không đi tiếp nữa. Vì thế, tôi mới viết một câu rất là vô duyên: Mọi quyền uy đều xuất phát từ đây mà ra. Ai chả biết nhu vậy. Nhưng nguyên ủy làm tôi viết câu đó là do nỗi sợ hãi khi đi qua những khu vực này. Rất may, Sàgòn của tôi sẽ là trung tâm tài chánh, thương mại của cả nước. Với các tỉnh vệ tinh phía đông như Vũng Tầu, Bình Dương và Biên Hoà. Ít ra là như thế. Đồng bằng sông cửu long, vựa lúa miền Tây sẽ mỏi mòn kiệt quệ. Quay trở lại Huế thì đây là niềm thất vọng của cả nước, vì tính cách tụt hậu về kinh tế và phát triển. Chẳng có công ty ngoại quốc nào muốn đầu tư ở đây.. Nhưng Huế không có lối thoát và không có tý tiềm năng kinh tế nào mà người ta có thể trông chờ vào. Trái lại Đà nẵng có cơ ngơi phát triển và còn có con đường đi lên như faifoo, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Và cuối cùng có thể nói ba cái trục chính của đất nước Việt Nam sẽ là : Hànội- Đànẵng- Sàigòn.” Xin cám ơn tác giả Nguyễn Văn Lục cho tôi cái nhìn về quê nhà Việt Nam qua những điều ông đã thấy tận mắt, những cảm nhận của ông về quê hương. Quê hương không ai chối bỏ, người ta chỉ chối bỏ một chủ thuyết, một chế độ hay những lãnh tụ độc ác, võ biền, tham lam và bất tài mà thôi. Thời gian trước mặt sẽ đưa những thế lực đi ngược lại ý muốn của người dân vào quên lãng. Vâng, tôi tin như vậy. Đọc Khơi Nguồn qua nhiều bài viết, tôi đồng ý với chủ trương của ban biên tập về những bài viết chọn lọc, những tác giả đã đóng góp cho nền văn học hải ngoại được hưng thịnh thêm, xin hãy góp phần ủng hộ những sản phẩm tinh thần gồm báo chí, những đặc san, những tạp chí và nói riêng trước mặt tôi là những số báo Khơi Nguồn, tôi nhìn dòng chữ “Tạp chí sáng tác nhận định phê bình văn học nghệ thuật” và tôi thích thú cái thú ôm ấp chữ nghĩa làm nguồn vui.. mà số báo sắp đến tay độc giả trong tháng 5 này sẽ là Nguồn Số 25 - Năm Thứ Ba. Xin giới thiệu Nguồn cùng bè bạn của tôi. Việt Hải Los Angeles | |