Số ra ngày 01/04/2006: Đông Xuan 2006 |
đời sống & khoa học | |
Phòng Tai Biến Mạch Máu Não | |
Câu Chuyện Thầy Lang Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức Phòng Ngừa Tai Biến Ðộng Mạch Não Từ thuở xa xưa, nhất là từ giữa thế kỷ 20, y học đã liên tiếp có những chiến thắng lớn để cố gắng không những chữa khỏi bệnh mà còn phòng ngừa bệnh tật cho con người. Môn học Y Khoa Phòng Ngừa đã thành hình và rộng rãi được áp dụng. Khoa học này đang đóng vai trò rất quan trọng trong việc phổ biến sự hiểu biết về các loại bệnh, giảm các rủi ro gây bệnh tật, thương tích, cổ võ duy trì sức khỏe tốt, và ngay cả kéo dài tuổi thọ. Sự phòng ngừa này có thể thực hiện qua các tổ chức, cơ sở y tế công tư hoặc qua phòng khám bệnh của bác sĩ.Người thực hiện là nhân viên y tế và mọi người dân. Một cách tổng quát, có ba cấp độ chính để phòng bệnh: a-Phòng bệnh cấp một bao gồm các hành động với mục đích không cho bệnh hoặc tác hại xấu có cơ hội gây ra bệnh tật. Thí dụ chủng ngừa các bệnh truyền nhiễm, khích lệ mọi người vận động cơ thể, không hút thuốc lá. Riêng việc chủng ngừa đã xóa sổ biết bao nhiêu là bệnh nhiễm từng một thời gây ra tử vong cho cả triệu sinh mệnh trên trái đất, như bệnh dịch hạch, dịch tả .. b- Phòng bệnh cấp hai với mục đích khám phá ra bệnh ở giai đoạn mới phôi thai chưa có triệu chứng. Nhờ đó khi áp dụng, các phương thức điều trị có thể trì hoãn hoặc chặn đứng không cho bệnh xẩy ra. Quý bà làm Pap Smear, chụp X quang nhũ hoa, quý ông khám nhiếp tuyến theo định kỳ đều nhằm mục đích này. c-Phòng ngừa loại ba là để tránh các biến chứng xấu của bệnh mà mình chẳng may đang mắc phải. Thí dụ một người bị bệnh tiểu đường cần được điều trị đúng thuốc, ăn uống điều độ và giữ gìn nếp sống họp lý để tránh hậu quả hư hao thị giác, tuần hoàn, tiết niệu. Trong tai biến Ðộng Mạch Não, sự phòng ngừa rất quan trọng và hữu ích. Y khoa đã tìm biết một số rủi ro đưa tới tai biến, mà nếu mọi người áp dụng thì đe dọa của bệnh này giảm đi rất nhiều. Những rủi ro. Sau đây là những rủi ro chính: a-Tiền sử đột quỵ. Nếu đã bị cơn đột quỵ thoảng qua TIA mà không được điều trị thì 5 năm sau, một trong ba người sẽ bị tai biến. Tương tự như vậy, nếu đã bị đột quỵ và thoát hiểm cũng có thể bị lại. b-Cao huyết áp- Ðây là một trong những nguy cơ đưa đến bệnh tim thận và đột quỵ. Cao huyết áp cần được điều trị đúng đắn bằng dược phẩm, thay đổi nếp sống, hoạt động cơ thể. c-Bệnh tim- Nhịp tim không đều, bệnh van tim, suy nhược tim là những rủi ro thường thấy; d-Bệnh tiểu đường. Ðường huyết cao gây tổn thương cho thành mạch máu đồng thời cũng can thiệp vào sự biến hóa chất đông máu fibrin, khiến máu dễ đóng cục. e-Thuốc viên điều hòa sinh đẻ- Phụ nữ dưới 35 tuổi dùng thuốc viên ngừa thai mà gia đình có người bị đột quỵ cũng có nhiều rủi do bị tai biến hơn một chút. g-Có thai- Trong thời kỳ có thai, huyết áp thường lên cao và máu cũng dễ đóng cục nên rủi ro đột quỵ cao hơn. h-Kích thích tố thay thế- Phụ nữ ở tuổi mãn kinh dùng kích thích tố từ hai năm trở lên có rủi ro bị đột quỵ, ung thư nhũ hoa và cơn đau tim.heart attack cao hơn một chút . Tuy nhiên nếu quý bà mãn kinh với khó chịu trầm trọng vẫn có thể thảo luận với bác sĩ để uống kích thích tố với lương nhỏ nhất, trong một thời gian ngắn. i-Hút thuốc lá. Chất nicotine trong thuốc lá có ảnh hưởng không tốt với mạch máu và là rủi ro đưa tới stroke. Nếu đã hút thuốc dăm năm mà ngưng ngay cũng giảm nguy cơ tai biến não rất nhiều. k-Cao cholesterol trong máu. Cholesterol cao đưa tới đóng chất béo vào thành động mạch, đưa tới giảm lưu thông máu nuôi não bộ. l-Mật phì làm tăng huyết áp, bệnh tim và tiểu đường mà các bệnh này đều là rủi ro của đột quỵ; m-Ðời sống tĩnh tại, không vận động cơ thể; n-Uống nhiều rượu, ghiền thuốc cấm; o-Tuổi tác. Ðột quỵ có thể xẩy ra cho mọi người bất kể tuổi tác nhưng thường thấy nhiều ở người tuổi cao hơn trung niên. Các nghiên cứu cho hay 80% tai biến xẩy ra ở lớp người từ 65 tuổi trở lên. p-Giới tính. Cho tới tuổi 75, nam giới bị stroke hơi nhiều hơn nữ. Nhung sau tuổi đó thì tỷ lệ bị bệnh như nhau. q-Gia đình.Trong gia đình có bố mẹ hoặc anh chị em đã bị tai biến, đặc biệt là với anh chị em sinh đôi đồng nhất, từ một hợp tử (identical twins) với cùng gen di truyền và giới tính. r-Chủng tộc.- Dân da đen từ tuổi 35 tới 75 thường có nhiều tử vong vì stroke nhiều gấp đôi dân da trắng. Một lý do có thể là họ bị cao huyết áp nhiều hơn và họ cũng hay bị bệnh thiếu máu hồng cầu liềm sickle cell anemia trong đó tế bào máu dễ đóng cục. Phòng ngừa đột quỵ. Tai Biến Động Mạch Não là một tai nạn trầm trọng, xẩy ra không hẹn trước. Nó cũng có thể tái phát trong vòng 5 năm sau khi thoát khỏi cơn tai biến. Nhưng y giới vẫn xác quyết là có thể phòng ngừa tai biến nếu ta giảm thiểu các nguy cơ gây bệnh. Như là: 1-Huyết áp cao. Huyết áp cao là nguy cơ thứ nhất gây ra tai biến. Các nhà y học đã coi nó như tên sát nhân thầm lặng. Ở người cao huyết áp, nguy cơ bệnh tăng lên gấp 3 hoặc 4 lần so với người bình thường. Cả hai áp suất tâm thu và tâm trương đều quan trọng như nhau và đều là nguy cơ gây tai biến này. Huyết áp cao làm tăng xơ cứng mạch máu, gây tổn thương và bứt vỡ các động mạch nhỏ ở não, chẳng khác chi chiếc ruột xe đạp bể vỡ vì bơm hơi quá căng. Ðây có lẽ là rủi ro lớn nhất gây ra đột quỵ trong cả hai lãnh vực huyết cục và băng huyết. Theo thống kê dịch tễ, quá nửa đột quỵ là do cao huyết áp lớn nhỏ không được kiểm soát mà ra. Vì thế mỗi người cần theo dõi huyết áp đều đặn, đo ít nhất hai lần mỗi năm. Nhiều người không biết huyết áp mình cao vì bệnh thường thường không có triệu chứng. Huyết áp nên có là dưới 120/80. Trên mức này đã được coi như tiền-cao-huyết-áp và cần được theo dõi. Trên mức 140/90 là cao. Theo bác sĩ Harold P. Adams Jr, Đại Học Iowa, thì sự duy trì huyết áp ở mức độ bình thường là yếu tố quan trọng trong việc ngăn ngừa Tai biến. Cao huyết áp là nguy cơ gây tai biến quan trọng nhất mà ta có thể điều chỉnh được. . Do đó, nên có khám sức khỏe tổng quát hàng năm, đo huyết áp đều đặn. Nếu HA cao thì điều trị đến nơi đến chốn với: a- dinh dưỡng lành mạnh, giới hạn tiêu thụ muối, giảm uống rượu các loại; b- năng vận động cơ thể; c- giảm ký nếu mập phì; d- bỏ thuốc lá; e-sống tâm thân an lạc; và g- dùng thuốc hạ huyết áp theo hướng dẫn của bác sĩ, đừng bỏ sót một ngày nào dù thấy khỏe mạnh huyết áp xuống. Nếu cho rằng có thể giảm liều lượng thuốc thì hãy hỏi ý liến bác sĩ. 2- Bỏ hút thuốc lá vì chất nicotine làm co mạch máu, đẩy mạnh xơ cứng động mạch, gây tắc nghẽn. Sau khi ngưng thuốc 2 năm, nguy cơ giảm đáng kể; nếu ngưng được 5 năm thì nguy cơ tai biến giống như ở người không hút thuốc. Bác sĩ Harold P. Adams khuyến cáo là phải ngưng toàn bộ thuốc lá ngay chứ không phải là chỉ cắt giảm hút. Theo vị bác sĩ này, thuốc lá không những là nguy cơ gây Tai Biến mà còn làm tăng bệnh tim mạch, xơ cứng động mạch. 3- Vận động cơ thể đều đặn để giúp giữ lượng cholesterol thấp, kiểm soát cao đường trong máu, tránh phì mập. Nhiều chuyên viên bệnh tim coi đời sống quá tĩnh tại là nguy cơ Tai Biến, và chỉ cần tập thể dục 20 phút mồi ngày, 3 ngày một tuần, là bớt được nguy cơ. Họ cũng cho hay là càng tập dượt sớm càng tốt, nhưng không bao giờ là trễ cả. Ở tuổi 40-55 mới bắt đầu tập cũng làm giảm nguy cơ tai biến tới trên 35 %. 4-Giảm căng thẳng tâm thần vì stress tăng huyết áp và có thể gây ra đột quỵ. Áp dụng vài phương pháp thư giãn sẽ giúp đời sống thoải mái hơn cũng như tránh tai biến não. 5- Bớt tiêu thụ chất mỡ. Mặc dù chưa có bằng chứng rõ rệt về sự liên hệ giữa cao cholesterol và Tai Biến. Tuy nhiên kinh nghiệm dịch tễ cho hay khi hạ cholesterol thì nguy cơ tử vong vì Tai Biến do các bệnh tim mạch gây ra sẽ giảm rất nhiều. 6- Một số nhà dinh dưỡng y học khuyên uống một lượng vang đỏ hai lần mỗi ngày cho nam giới, một lần cho nữ giới. Lượng rượu vừa phải ( 350cc la-de, 150cc rượu vang, 50cc rượu nặng 80 độ ) có thể có tác dụng tốt ngừa tai biến. Nhưng khi uống quá nhiều thì nguy cơ tai biến tăng lên gấp 4 lần. 7 - Khi bị bệnh tiểu đường, cần duy trì đường ở mức độ trung bình, vì bệnh này làm tăng nguy cơ tai biến từ 2 đến 4 lần cũng như tăng số tử vong. 8- Aspirin với Tai Biến Aspirin có ảnh hưởng tới sự đông đặc của máu. Khi chẳng may đứt tay, chẩy máu thì cơ thể biệt phái những tiểu cầu tới đó, tụ lại với nhau tạo thành một cái nút để bịt lỗ rỉ của mạch máu. Tuy nhiên tiểu cầu cũng kết tụ bất thường trong mạch máu nuôi dưỡng trái tim, bộ não và gây ra Tai Biến Não hoặc Cơn Suy Tim. Aspirin giảm sự cấu kết của tiểu cầu, do đó được dùng để phòng ngừa một vài bệnh tim mạch. Nhưng việc sử dụng này là vấn đề khá tế nhị, cần được sự hướng dẫn của chuyên viên y học. Ủy Ban Đặc Nhiệm Phòng Bệnh Hoa Kỳ đã có những gợi ý nên theo sau đây về việc dùng Aspirin để phòng ngừa (primary prevention) bệnh tim mạch. Ủy Ban thành khẩn gợi ý rằng các bác sĩ nên thảo luận về khả năng ích lợi và bất lợi của Aspirin với người lớn có nhiều nguy cơ mắc bệnh động mạch vành ( Coronary Heart Disease). Ủy Ban đã thu thập được nhiều bằng chứng rằng Aspirin làm giảm tỷ lệ bệnh động mạch vành mới phát ở người lớn có nguy cơ bị bệnh tim mạch. Ủy Ban cũng có nhiều bằng chứng là Aspirin làm tăng tỷ lệ xuất huyết bao tử và cũng làm tăng phần nào tỷ lệ tai biến mạch máu não vì xuất huyết. Trước khi dùng Aspirin cho mục đích phòng ngừa tai biến não, cần uớc lượng các nguy cơ bệnh tim như tuổi tác, nam hay nữ, bệnh tiểu đường, cao tổng số cholesterol, thấp cholesterol HDL, cao huyết áp, bệnh sử thân nhân, và có hút thuốc lá hay không. Đàn ông trên 40 tuổi, phụ nữ ở tuổi mãn kinh, giới trẻ mà có yếu tố nguy cơ bệnh động mạch vành đều dễ mắc bệnh tim thì nên dùng Aspirin. Phân lượng Aspirin để phòng ngừa hữu hiệu có thể là 75 mg/ngày, 100 mg/ngày, hoặc 325 mg/mỗi hai ngày. Phân lượng cao hơn không mang tới ích lợi tốt hơn mà lại tạo ra nhiều tác dụng phụ không muốn. Để cho phù hợp với tình trạng của mình, ta nên tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng ngõ hầu tránh tác dụng phụ của Aspirin. Nhân tiện đây, xin nhắc lại vài tác dụng phụ của viên thuốc đa năng aspirin.Dù đa năng nhưng không phải ai cũng uống được. Dùng lâu ngày có thể bị xuất huyết bao tử và các phản ứng dị ứng khác. Theo bác sĩ Daniel Deyken, Đại Học Y khoa Boston, Aspirin là nguyên nhân khá quan trọng gây ra xuất huyết. Uống một viên có thể làm chẩy ra một muỗng canh máu ở bao tử đã bị loét. Người bệnh đã có rối loạn về đóng cục máu hoặc dễ bị bầm da đều phải cẩn thận trước khi dùng thuốc Aspirin vì xuất huyết sẽ trầm trọng hơn. Một số điều kiện không dùng Aspirin được là có tiền sử mắc bệnh loét bao tử, dị ứng với Aspirin, huyết áp cao không kiểm soát được, bệnh gan và thận trầm trọng hoặc bệnh xuất huyết. Trẻ em không nên uống Aspirin vì nhiều quan sát cho thấy thuốc này có thẩy gây một bệnh hiếm cho não bộ, đó là hội chứng Reye. Ðây là rối loạn trong đó gan bị sưng với nhiều tế bào mỡ, não bộ sưng đưa tới kinh phong, đường huyết xuống thấp. Bệnh nhân có thể rơi vào hôn mê. Thường thường, đa số chúng ta có thể uống một lượng nhỏ aspirin mỗi ngày mà không ngại rối loạn cho bao tử. Tuy nhiên nếu ở người mà bao tử nhậy cảm thì nên uống sau khi ăn hoặc dùng loại Aspirin có bọc đường, vì bọc này ngăn Aspirin khỏi hòa tan trong bao tử trước khi xuống ruột. Hiện nay có cả nhiều chục triệu người uống Aspirin để ngừa bệnh tim. Các nhà bào chế vội vã tung ra nhiều loại Aspirin viên với phân lượng nhỏ: 81 mg . Công ty McNeil Pharmaceuticals sản xuất St Joseph Aspirin mà một thời được gọi là Baby Aspirin. Hãng Bayer tung ra loại Bayer Women's Aspirin Plus Calcium vừa để tăng cường xương cốt vừa bảo vệ trái tim của phái nữ. Kết luận Coi vậy thì Ðột Quỵ có thể giảm thiểu nếu ta áp dụng các hiểu biết về những rủi ro đưa tới bệnh. Sức khỏe ta sẽ được bảo vệ, tiền tài được tiết kiệm, gia đình được hạnh phúc. Áp dụng phương thức phòng ngừa là công việc của cả y giới lẫn dân chúng. Cho nên, thiên tài sáng chế Thomas A. Edison đã nói: “Các bác sĩ của tương lai sẽ không cho thuốc mà khích lệ hướng dẫn bệnh nhân vào sự chăm sóc cơ thể bằng dinh dưỡng, bằng hiểu biết về nguyên nhân và sự phòng ngừa bệnh” Ngoài ra, bị tai Biến Động Mạch Não không có nghĩa là cuộc đời chấm dứt. Khi nhà bác học Louis Pasteur bị stroke nặng ở tuổi 46, tình trạng bệnh ông suy sụp rất mau. Nhất là khi được biết, vì ông đau, người ta ngưng xây cất phòng thí nghiệm riêng của ông. Bạn bè bèn tâu xin với Hoàng Đế Napoleon III ra lệnh cho hoàn tất phòng thí nghiệm. Tinh thần Pasteur lên cao, ông kiên trì điều trị, phục hồi khả năng cơ thể và tiếp tục làm việc, thực hiện nhiều công trình khoa học đáng kể cho tới khi ông mất ở tuổi 73. Diễn viên sân khấu tài danh Patricia Neal bị tai biến trầm trọng, đã kiên tâm điều trị, hồi phục hoàn toàn và tiếp tục biểu diễn tài nghệ cho khán giả mộ điệu. Cho nên, điều cần thiết là người bệnh phải có thái độ tích cực, tin tưởng ở phương tiện trị liệu, phục hồi và chủ động trong việc tự săn sóc. Và với sự hỗ trợ, chăm sóc của người thân. Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC Texas-Hoa Kỳ | |