Số ra ngày 01/04/2006: Đông Xuan 2006 |
sinh hoạt văn học | |||||||||||||||
Giới Thiệu NV/NT Dương Huệ Anh | |||||||||||||||
DIỄN ĐÀN THỜI NAY ONLINE GIỚI THIỆU TÁC PHẨM DHA -------------------------------------------------------------------------------- -Những Cánh Thư Hồng - thư của nhà văn Trọng Lễ -Thiên Niên Kỷ Mới, Độc Hành, Ta Vui- Cảm Nghĩ của Cao Mỵ Nhân. -Tha Hương 18 Năm Sầu Có Ai- Bài Bạt của Hồ Trường An. -------------------------------------------------------------------------------- TRÍCH THƯ NV TRỌNG LỄ (PARIS-FRANCE): " ...viết để bày tỏ tấm lòng tha thiết của mình đốí với tác giả sau khi đọc xong tập truyện dài “Những cánh thư Hồng”, một tác phẩm văn học lịch sử , mà Trọng Lễ (ý kiến cá nhân) đã bị lôi cuốn ngay từ những trang đầu... " Những lời lẽ chân thật và đơn giản của người viết đã có sức thu hút mạnh mẽ bằng nhiều bài bình luận đầy đủ sắc hương. Chúng tôi nhận được các tác phẩm này, và nghĩ rằng bức thư của nhà văn Trọng Lễ đã đại diện cho cảm tưởng chúng tôi nữa. Chỉ đọc vài đọan thôi, chúng tôi cho rằng phải chọn một ban chiều để có thể ngồi dính vào quyển sách mà không bị quên đi trình diện ở sở làm. Mong rằng trang giới thiệu này cũng tượng trưng một cách mộc mạc nhất cho một tấm lòng cảm tạ thiết tha của Website Văn Thơ Thời Nay đối với tác giả. Mời đọc giả xem các bài cảm tưởng khác tiếp theo trong trang này. - VTTN - -Những Cánh Thư Hồng -------------------------------------------------------------------------------- thư của nhà văn Trọng Lễ STAINS- France Ngoại ô Balê, một chiều mưa Kính gửi Nhà Văn, Nhà Thơ Dương Huệ Anh San Jose CA 95148 USA Kính Anh, Không biết phải vô đề như thế nào, nhưng việc cần nói phải nói, cần viết phải viết, viết để bày tỏ tấm lòng tha thiết của mình đốí với tác giả sau khi đọc xong tập truyện dài “ Những cánh thư Hồng”, một tác phẩm văn học lịch sử , mà Trọng Lễ (ý kiến cá nhân) đã bị lôi cuốn ngay từ những trang đầu, và liên tiếp trong hai đêm liền, thức đến hai giờ sáng để đọc nốt. Trong quá trình đọc sách, tôi đã từng say mê một số tác phẩm có nội dung hay từ thời tiền chiến (lúc còn ở trung học Mỹ Tho); một số tác phẩm được viết ra trong thời kỳ 1945 đến 4/1975, và một số ít tiểu thuyết danh tiếng của Pháp và Trung Hoa. Sau này sống nương nhờ đất nước hiền hòa Lào Quốc, từ 1963 đến 1974 và lưu vong ờ Pháp Quốc từ 1974 đến nay, cũng thường nhận được thơ, sách đủ loại của nhiều tác giả sinh sống ở hải ngoại, gửi tặng cũng có mà do ủng hộ nên có, cũng có, nhưng chưa có tập truyện dài nào khiến tôi say mê và đọc xong trong hai đêm liền. Tập truyện dài “Những cánh thư Hồng” được tiểu thuyết hóa một cách mạch lạc, kỳ thú, qua hồi ký tự sự của nhân vật chính trong truyện, được lồng trong một cuộc tình chân thật, có thật, ngọt ngào, tha thiết, đậm đà nhưng cũng...quá éo le, ngang trái, tuyệt vọng và đau khổ..” ngày vui ngắn ngủi, nỗi đau suốt đời..”, với bối cảnh lịch sử của miền Nam, từ 1950 đến 1975 và vài năm kế tiếp..Trong cái hơi thở của mỗi bài thơ đều chất chứa nỗi ngậm ngùi, cay đắng, đau xót, người đọc buồn cái buồn của tác giả, đau cái đau của tác giả, khóc qua những giọt lệ của tác giả. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần những bức thư cô Hồng gửi cho Minh thuật lại đời sống vô cùng khốn khổ của người dân miền Nam vào những ngày trước và sau cuộc thay đổi chế độ, gần như không kềm được nước mắt. Thời gian ở Pháp tôi cũng từng đọc khá nhiều sách viết về những biến động lịch sử của miền Nam vào thời gian này; vẫn không có quyển nào có tác động khích lệ tôi tin tưởng, cho đến hôm nay, khi tôi đọc được những lời thư của cô Hồng gửi cho Minh trong quyển “NCTH” thì tự nhiên tôi có linh tính xuất phát từ trong sâu thẳm của của tâm hồn, của con tim bảo rằng: lời trong thư cô Hồng gửi cho Minh là sự thật, là khách quan...vì những lời cô Hồng viết cho Minh, tất cả đều xuất phát từ con tim, từ tấm chân tình, mấy ai nỡ nói dối với người mình tha thiết yêu, thành thật yêu, về những chuyện không cần thiết phải nói dối? Sau hai đêm đọc xong quyển sách của anh, tôi thấy thương anh quá, vội vã đi tìm anh để nói vài lời cảm tạ, và kính biếu anh ít quà kỷ niệm cho người bạn mới lần đầu quen biết, mà cảm thấy như là đã là bạn thâm giao từ kiếp trước, thì mới hay anh đã rời khỏi Balê.(không rõ anh có cái complexe de supériorité” hay không? khi tôi mạo muội tự gán cho mình là bạn của anh? Tôi có những người bạn ở Hàn Quốc (Nam Triều Tiên) ở Mỹ, ở Thailand, đã nói với tôi những câu chân tình như thế này: Trọng Lễ ơi, không biết chừng nào chúng mình mới gặp lại nhau..làm sao sớm gặp lại cậu đây? những lời chân thành này khiến tôi vô cùng cảm kích và thật cảm động, lại cảm thấy thương bạn mình quá, nhưng biết làm sao hơn? Hôm nay tôi xin mượn mấy câu của bạn tôi để nói với anh vậy! cũng rất tiếc chưa được đón tiếp anh ở nhà riêng. Tiện dịp, xin kính tặng anh mấy bài thơ thô thiển, vài ba truyện ngắn (nhiều thể loại), và vài bức ảnh do tôi tự chụp để kỷ niệm.Tôi quen tánh múa rìu qua mắt thợ rồi đấy...! Kính chúc Anh Chị cùng tất cả thành viên trong gia đình anh được dồi dào sức khỏe, tôi có khá đông bạn bè và một thằng em ở Mỹ, mà suốt ba chục năm dài đăng đẳng, bôn ba khắp nơi trên thế giới, vẫn chưa hân hạnh viếng thăm Mỹ Quốc bao la..nhưng luôn luôn nuôi hi vọng. Nhờ anh chuyển lời thăm của tôi đến cô Hồng! Trọng Lễ (ký tên)-5/6/03 -Thiên Niên Kỷ Mới, Độc Hành, Ta Vui Cao Mỵ Nhân CẢM NGHĨ VỀ THI PHẨM “THIÊN NIÊN KỶ MỚI, ĐỘC HÀNH, TA VUI!” của Dương Huệ Anh. Cao Mỵ Nhân Thường tôi ít khi đọc kỹ những bài Tựa, những bài Bạt của quí vị in trước va sau những tác phẩm văn, thơ. Lý do tôi muốn được giữ nguyên vẹn cảm nghĩ của mình về cuốn sách mà tác giả đã trao tặng, để được thưởng thức trung thực hơn, vì nếu đọc Tựa hay Bạt ,tôi sẽ lười biếng suy tư trước những dòng văn, thơ mà có thể mỗi người chúng ta khám phá ra được nét đặc biệt của tác phẩm ấy. Thế nhưng lần này, nhà thơ cao niên Dương Huệ Anh có nhã ý dành cho tôi mục giới thiệu tác phẩm “ Thiên Niên Kỷ Mới, Độc Hành, Ta Vui”một tập thơ dày như cuốn truyện dài, khởi sự viết từ 1-1-2003 tới 31-12-2003, đúng một năm, giống như cuốn Nhật ký Thơ và được phân phối không đồng đều trong suốt 12 tháng , nghĩa là tháng nào cũng làm thơ, khiến tôi phải đọc kỹ thi phẩm trên hơn, kể cả Tựa và Bạt. Với số lượng bài thơ cao nhất ở tháng Giêng là 57 bài, và thấp nhất ở tháng 9 là 5 bài, còn thì cứ trung bình ở mức mười mấy, vài ba chục bài cho mỗi tháng. Sau khi đọc tổng quát thi tập TNKMDHTV, thấy được phần nào nội dung tập thơ, tôi tẩn mẩn làm một kết toán nhỏ, thử xem cuộc độc hành của nhà thơ DHA trên đường trường thiên niên kỷ mới vui vẻ, hứng thú (như) thế nào.Thì thấy 6 tháng đầu nhà thơ có vẻ rất hăm hở, đã viết được 203 bài, qua 6 tháng sau số thơ trước tác chỉ có 88 bài thôi. Như vậy, ta thấy cuộc vui nào, hành trình nào của thế nhân cũng xung mãn, lạc quan trong giai đoạn đầu, nhưng qua giai đoạn kế tiếp thì có lẽ sức người có hạn, sự mệt mỏi, đôi khi buồn nản..đã là một phần khiến thế nhân bỏ cuộc.. Nhưng với nhà thơ Dương Huệ Anh thì lại khác, ông đã tìm ra một Chân Lý Sống mới, đấy là nguồn vui trong cuộc độc hành trước mặt. Nhờ đó, nhà thơ đã hoàn tất toàn tập TNKMDHTV, trong đó chứa đụng biết bao nhoiêu là hình ảnh đẹp , kỷ niệm vui nhiều hơn buồn, tươi mát hơn là khô héo… Xin trích ra đây bài thơ cuối tập, bài kết gần như tóm gọn nội dung, nên tựa đề thơ được dùng đạt cho tên sách : Thiên Niên Kỷ Mới, Độc Hành, Ta Vui. Yêu Em, Đâu phải vì em Trên đời, đẹp nhất (hay) có duyên nhất đời.. Đối với các thi nhân khác, thì Nàng Thơ phải đẹp, xinh, có duyên mới chiếm ngự được tâm hồn nhà thơ, còn với Dương Huệ Anh, lại không cần em thơ phài đẹp, xinh, duyên dáng lắm, nên: Thương em, Ít nói, ít cười, Thông minh, cứng cỏi Tính trời, biết sao! Nàng Thơ mẫu mực của Dương tiên sinh that là khuôn phép, có thể là còn khó tính nữa! Hai đoạn thơ tiếp chỉ để diễn tả hai mối tình, trong số hàng mấy chục mối tình của ông, nhưng có thể đây là mấy mối tình đậm đà nhất, moat ở Ninh Kiều-Cần Thơ, và nay ở xứ Hoa Lan phương trời Tây. Qua đoạn thơ áp chót thì : Là duyên Là nợ quỉ ma Cứ yêu, Chẳng đợi người ta yêu mình! Tuy nhiên (và thực ra), Nàng Thơ của Dương Huệ Anh ở đây, mang một nhân dáng tổng hợp của nhiều nhân dáng đã đi qua đời ông, khiến họ Dương phải thốt ra nó là duyên nợ quỉ ma, đã đeo đẳng nhà thơ, buộc ông cứ phải cầm bút viết lời tán tụng nhừng hình ảnh ma quỉ ấy mãi. Nói như thế cũng có nghĩa là, nhờ chúng,-nhờ họ- những mối tình tản main trong đời này, đã tạo thành một nguồn thơ bất tận cho nhà thơ, khởi sắc vần điệu, viết miên man không nghỉ, nói tóm, về một góc cạnh nào đó, có lẽ nhà thơ phải cảm ơn họ mới đúng. Kết thúc bài và tập thơ TNKMDHTV, là đoạn thơ thổ lộ,bộc bạch hết tâm tình của nhà thơ: Hoàng hôn Tím ngắt môi tình, Thiên niên kỷ mới, độc hành, ta vui! Thật khổ, hay thật sung sướng với một thi sĩ đã cổ lai hi mà còn biết bao nhiêu hình ảnh đẹp đẽ vây bủa, đến nỗi đời đã hoàng hôn, môi tình đã tím ngắt mà còn yêu đương vương vất.. Bởi thế, nhà thơ Dương Huệ Anh đã hoan ca, hỉ xả, tự tha thứ cho mình,cho người (những Nàng Thơ yêu thích ông qua thơ ca, email, internet vv..) để vỗ bụng cả cười, đơn lẻ, độc hành trên đường thiên niên kỷ mới, thảnh thơi, ung dung, chẳng ngán gì, ngại ai.. Toàn tập thơ viết theo lối diễn đọc, gọi là thơ mới kiểu trẻ trung, không cần thiết vần điệu, hoặc giả ngắt những dòng thơ ra cho phù hợp với nộ, hoặc giả ngắt những dòng thơ ra cho phù hợp với nội dung. Thi sĩ Dương Huệ Anh, người tự chọn cho mình một danh xưng là Độc Cô Cửu Kiếm. Độc cô hay cô độc tất nhiên là đơn độc, còn Cửu Kiếm là chi đây? Sao không Bát kiếm hay Thập kiếm, vv kiếm mà lại Cửu kiếm, nếu có hỏi chắc ông chỉ cười xòa: -Thì Cửu kiếm là cửu kiếm thôi! Vậy nhà thơ Dương Huệ Anh, người lữ hành cô độc mang tới 9 thanh kiếm đi trên đường thơ thiên niên kỷ mới, không bằng hữu, tiểu đồng theo cùng, e bận rộn, vướng víu chăng? Cửu kiếm chắc phải làm bằng giấy bồi, nhựa plastic..chứ nếu bằng kim loại e nặng quá đấy! Sau khi đã trang bị cho mình 9 thanh kiếm báu, với tấm long yêu thơ bất tuyệt, nhà thơ họ Dương tha hồ đọc thơ mình một cách sảng khoái, như ca sĩ hát nhạc RAP, ngôn ngữ thơ DHA tuôn trào như nhạc RAP sinh động, hồn nhiên. Song, tác giả đã làm thơ từ tuổi trẻ học trò, nên xen kẽ trong thi tập vẫn thấy những bài bát cú, that ngôn, Đường luật nghiêm chỉnh..chứng tỏ nhà thơ vẫn tôn trọng thể (thơ) cổ điển, trân quí nguyên tắc đẹp xưa. Thơ RAP chẳng qua chỉ để diễn tả cho linh hoạt , và số lượng thơ có thể phong phú hơn. Tôi xin trân trọng giới thiệu cùng quí vị bằng hữu, độc giả, nhà thơ Dương Huệ Anh, người mang chiếc nơ hồng, nối liền hai thế hệ già, trẻ ..qua những bài thơ tình, chuyên chở nhiều cuộc tình diễm lệ..trên đường thiên lý cuộc đời thiên niên kỷ mới hôm nay. Hawthorne, 15/6/2005 Cao Mỵ Nhân -Tha Hương 18 Năm Sầu Có Ai ĐỌC THI TẬP THƠ DƯƠNG HUỆ ANH 2003 Hồ Trường An Vào một sáng cuối tuần vào buổi chớm hạ năm Quý Mùi (2003), nhà thơ Đỗ Bình có mở một cuộc tiếp tân dành cho nhà thơ Dương Huệ Anh từ San Jose ( Bắc California) qua viếng Paris. Buổi tiếp tân tại tư gia, thuộc khu tân lập chập cây cao bóng mát của thành phố Cergy Christophe ở hướng Nam của Kinh Đô Ánh Sáng Paris. Hôm đó, gặp buổi đẹp trời, thiều quang rực rỡ thắp sáng mọi nơi. Muôn hồng nghìn tía trong các khu chúng cư tưng bừng thịnh phóng. Các văn hữu và nghệ sĩ tham dự gồm có các nhà thơ lão thành trong nhóm Ba Lê Thi Xã như Bác sĩ Nguyễn Bá Hậu, Nguyễn Văn Ái, như hai nữ sĩ Quỳnh Liên và Minh Châu Thái Hạc Oanh. Còn phải kể thêm nhà văn Võ Phước Hiếu (Đức Trung), nhà văn Trần Đại Sỹ, nhà thơ nữ Thụy Khanh, các nhạc sĩ Xuân Lôi, Trịnh Hưng, Lê Mộng Nguyên... Lại có thêm anh Nguyễn Tấn Phước, phụ tá của ông ông thị trưởng thành phố Cergy, một thi sĩ và cũng là dịch giả thơ từ tiếng Việt qua tiếng Pháp. Và rất còn vài danh sĩ khác mà tôi không sao nhớ hết. Về phần văn nghệ, khách tham dự đươc nghe tiếng độc huyền cầm điêu luyện của anh Trọng Lễ cùng tiếng hát và giọng ngâm trong như pha lê và ẻo lả như nhành lệ liễu của chị Linh Chi. Lại thêm tiếng hát êm như mộng, mềm như nhung của chị Thúy Hằng (tức là Đỗ Bình phu nhân), giọng ngâm và tiếng hát đẹp như gấm thêu, rất thành thạo và có nét nhà nghề của nữ sĩ Thụy Khanh. Và đặc sắc hơn, đó là tiếng hát cất cao rất dũng mãnh như ngọn suối phun nước của nam ca sĩ Thanh Hùng... Buổi tiếp tân có một bữa tiệc đơn giản, nhưng được sửa soạn rất công phu, chăm chút. Đặc biệt nhất là món cà-ri thịt cừu do anh chị Trọng Lễ & Linh Chi đảm nhiệm. Tuy không có dạ quang bôi, nhưng vẫn có bồ đào mỹ tửu đỏ thắm như ngọc lựu. Có rượu sâm banh trong vắt sủi bọt lăn tăn khi rót vào những chiếc ly mỏng tanh hình ống sáo. Đây là thứ rượu mà cố thi sĩ Đông Hồ tặng cho nó cái tên kiều diễm là Quỳnh Tương ngọc dịch. Có trà thơm và bánh ngọt. Còn có những tấm lòng quý mến của văn nghệ sĩ ở xa Paris nữa chứ. Các bậc yêu thơ văn nầy tìm mọi cách đến Cergy để diện kiến cho bằng được nhà thơ họ Dương hiện định cư miền Bắc Cali của đất nước Hợp Chúng Quốc. Trước đó, tôi được hân hạnh quen biết với nhà thơ Dương Huệ Anh tới nay đã gần một con giáp (từ năm 1992 cho tới bây giờ). Tiên sinh không phải là một nhà thơ thuần túy đâu mà còn là một nhà văn và còn là một học giả đã khởi bút từ năm 1955, tức là vào thuở bình minh của phong trào di cư. Xin phép đưọc kể sự nghiệp văn chương của Dương Huệ Anh tiên sinh: *Thơ Xanh (thơ, 1955), * Tâm Lư Phụ Nữ Việt Nam Qua Phong Dao (khảo luận, 1959), * Huyền Ca Diễm Ảnh I và II (thơ; 1991), * Quê Hương Vĩnh Cửu Tình Yêu (thơ, 1992), * Đường Nào Có Hoa Đào (thơ, 1993), * Tha Hương Mười Tám Năm Sầu Có Ai? ( 1993), * Đông Y Dược Khảo, ( sưu khảo, tậpI ), *Thơ Dương Huệ Anh (Tổng Tập I, 1997 gồm 6 thi tập: Thương Cả Trăm Hoa, Gót Ngọc Quan Âm Lấm Bụi Trần, Thơ Xanh, Thơ Hồng, Ba Mươi Năm Trước, Hai Mươi Năm Lưu Vong). * Những Khúc Buồn Vui ( thơ D.H.Ạ do Triều Đông phổ nhạc, 1998), * Những Cánh Thư Hồng (truyện dài, viết chung với Tần Ngọc, 1999) *Thơ Việt Hải Ngoại-Một Góc Nhìn Tản Mạn-Tập I (chung với Thụy Cầm, 2001)), *Những Hình Ảnh Thơ Thế Kỷ 20,Tập I- 2002..(đang in).. (Chưa kể một số tác phẩm khác, đủ thể loại..sẽ in những ngày gần đây..) Như thế, sự nghiệp văn chương gồm thi ca, tiểu thuyết, biên khảo.. của Dương Huệ Anh khá nguy nga tráng lệ như một tòa kiến trúc vào một thời đại huy hoàng của nền văn chương lưu vong đấy chứ! Hôm gặp tiên sinh, tôi phải nhìn nhận rằng tiên sinh không già quắt queo như tôi hằng tưởng qua những bài thơ mà tiên sinh than văn cái tuổi thất thập cổ lai hy bệnh hoạn của mình qua bài Những Ngày Bệnh: NHỮNG NGÀY BỆNH.. ..Mấy hôm nay bịnh. Không còn thiết tha nhìn ngoại cảnh.. buồn hay vui? Của mình, đếm tới, đếm lui, Vài mươi xuân nữa, đủ rồi một trăm. Nằm đây, buồn. Có ai thăm? Ngồi tĩnh lặng.. Chiếu sâu tâm thức mình.. Không mong gieo nữa, nhân lành không vương mắc nữa.. cả tình thế gian.! ..Mấy hôm nay bịnh. Không còn thiết tha nhìn ngoại cảnh.. buồn hay vui? Của mình, đếm tới, đếm lui, Vài mươi xuân nữa, đủ rồi một trăm. Nằm đây, buồn. Có ai thăm? Ngồi tĩnh lặng.. Chiếu sâu tâm thức mình.. Không mong gieo nữa, nhân lành không vương mắc nữa.. cả tình thế gian.! 7/3/03 #113/03 Thần thái của Dương Huệ Anh thanh thản và tươi mát, thân vóc nho phong tuy không hùng tráng như cây thanh tùng, nhưng vẫn dẻo dai như cây thùy dương còn có thể đương đầu vối bốn phương gió lộng. Ông ngán ngẫm nhân tình thế, cảm khái trong 28 nâm lưu xứ người. Xin đọc bài Hai Tám Năm Qua: HĂM TÁM NĂM QUA.. TRONG CHỚP MẮT Tháng Tư rồi.. Lại tháng Tư rồi Lịch ngó trơ vơ.. thoáng ngậm ngùi.. Hăm tám năm qua.. trong chớp mắt, Quê hương xa.. vạn dặm trùng khơi! Bỏ quê yêu, sống kiếp tha phương Cầu thực, băn khoăn mỗi bước đường.. Phóng túng, xứ người cơm với áo, Làng xưa, xóm cũ, nghẹn ngào thương! Hơn ngàn năm tự chủ, buồn ơi, Minh chủ, anh quân ..có mấy người? Sĩ tướng cúi đầu..mong giữ mạng, Dân cùng khổ.. được mấy ngày vui? Hòa bình, không muốn dựng xây đời, Tham ác? mươi năm hết kiếp thôi! Tần Thủy Hoàng, kìa gương trước mắt, Chết đường, cá ướp, bịp lừa ai! Biết ai dại nhỉ, biết ai khôn? Bia đá mòn, bia miệng chẳng mòn.. Lịch sử , phải chăng trò tái diễn ? Tàn đời, Đế, Hậu..cũng đem chôn! 18/04/03 143/03 Ông cảm thấy lạc lõng giữa cuộc đời, giữa làng văn trận bút qua bài Độc Cô Cửu Kiếm, Phải Ta? : ĐỘC CÔ CỬU KIẾM, PHẢI TA? Ta sinh ra Kẻ ngu đần Thập Ngưu đồ học Chuyên Dần hiểu ra Đời? Nào phải của riêng ta Đất trời, sông núi, lá hoa.. Suối đồi! Ta là linh vật? Con người Tầm thường, bé nhỏ Khóc, cười hồn nhiên.. Biết tình là nghiệp Với duyên Gây bao nỗi khổ triền miên.. Tự mình! Luân hồi sáu ngả Tử sinh Bởi tham ái, Bởi vô minh Mê mờ! Lớn lên Viết báo, làm thơ Tặng người-thiên-hạ Trọi trơ nỗi buồn Huyền hoàng Vẫn mảnh trăng đơn Hồng hoang Nhớ chuyện Cổ bồn, Mình ca! Độc Cô cửu kiếm phải ta? Toàn Chân kiếm phổ Ném xa .. Cõi ngoài!! 6/01/03 #04/03 Nhưng rồi ánh lạc quan và niềm tin yêu trở lại tiên sinh vì cuộc đời nào chỉ đưa ông vào tuổi già, vào bệnh hoạn? Còn biết bao cái ân sủng, cái tích cực của cuộc đời vẫn dành tặng cho ông. Đó là những giai nhân đã đi qua cuộc đời ông trong bài Những Dư Ảnh Đẹp với những cái tên Thái Thủy, Vu Thiên, Kiều Nga, Phương Hiếu, Lương Anh Quế, Bội Phấn, Hồng Diệm, Dạ Lan, Ngân Tuyết v.v... NHỮNG DƯ ẢNH ĐẸP Bao lần lệ đắng uống, còn mê Xuân, thủa còn đi học, vụng về.. Thái Thủy, Vu Thiên, Dầu quán nhỏ, Chính Tâm, Nam Hải, Phố nhà quê. Kiều Nga, Phương Hiếu, Lương Anh Quế, Bội Phấn, Mai Mai, Thỏ Ngọc Chi! Hồng Diệm, A Say..bao kỷ niệm, Dạ Lan, Ngân Tuyết..mộng đương thì.. 22/01/03 #26/03 Ông còn có các bạn thơ, văn.. để giao du và xướng họa như nữ sĩ Trùng Quang, Hà Thượng Nhân Tiên sinh,Trình Xuyên, giáo sư Thanh Vân, Hoàng Tầm Phương, nhà thơ Hà Bỉnh Trung, Hà Trung Yên, Tô Thùy Yên, Hà Huyền Chi, Trần Tú Uyên, nhà văn Diệu Tần, Đào Hữu Dương, Phạm Xuân Đài.., các nữ sĩ Quỳ Hương,Vân Nương, Vi Khuê, Như Hiên, Tuệ Nga, Ngọc Dung, Ngô Minh Hằng, Huệ Thu, Cao Mỵ Nhân, Sương Mai.. Và trên hết mọi điều, ông còn có Phật giáo làm điểm tựa cho tinh thần và cho nền tảng tâm linh của mình. Xin đọc bài Những Ngày Đen Tối Qua: RỒI..NHỮNG NGÀY ĐEN TỐI QUA Năm xung, tháng hạn biết bao lần, “Rồi sẽ qua”..nên chẳng ngại ngần. Đâu nghĩ thời gian thay đổi khác? Xuân này nào phải Vạn-niên xuân! Xuân về..mới được mấy ngày thôi, “Bố ” rút tên ra* bởi ngại lời.. Thiên hạ chê bai, thân lão tướng, “Mượn danh người..”-, hỏi mấy ai vui? Dấn bước? hay là bỏ cuộc đây? Thiếu tiền, tin tức đã đăng đầy.. Bạn xa..lại bất ngờ lâm bệnh, Nửa gật đầu, phần muốn “rút tay”. Cái mệt mười năm..bỗng mệt thêm, Tính đường lui..để sống an nhiên.. Ngờ đâu, bọn họ (khôn hay dại?) Hò hét, ai xui, muốn “cướp quyền..” ..”Quyền rơm, vạ đá”, lợi gì đâu? Nhưng “chính danh”, ai nỡ bỏ nào! Lẽ Phải muôn đời, cần phải giữ, Và Tình Người thắm thiết, quên sao? Quên rồi, trên Net, đánh liên miên, Bận rộn trăm ngàn chuyện, muốn điên. Tính bỏ ngang? Ngày giờ quá cận, Mong anh-em, tất cả vờ..quên.. Chạy ngang, chạy dọc, bệnh, ngờ đâu! “Mất tiếng”, hoang mang, rắn mất đầu.. Kẻ trách, người chê.. sao giải thích? Thời gian? mong chậm lại, hay mau?! Chậm hay mau, hạn đến, sao lui? Hơi thở còn..thiên hạ cứ vui! Chạy trước, chạy sau..quên bệnh họan, Hơn ba giờ, hát nhạc yêu đời.. Rồi.. những ngày đen tối..cũng qua.. Nằm đây, dưỡng bệnh..vẫn còn ta. Ngồi đây, ghi lại dòng lưu niệm, Sau gió mưa, hồng lại nở hoa! 14/03/03 #117/03 Cho nên Dương Huệ Anh xả bỏ mọi bợn phiền để đón tuệ nhật bừng sáng trong tâm thức của mình, để gột rửa vọng thức gồm nhiều thứ phiền não và để sống thảnh thơi với ánh đạo vàng bừng lên từ Chân Tâm Thiệt Tánh đã sẵn có nơi mình. Xin cùng đọc bài Phá Chấp : PHÁ CHẤP ..Ba ngàn năm trước Phật truyền Đạo Vô thượng, giảng khắp miền nhân gian.. Theo hầu, đệ tử, cả ngàn, Lời Phật dậy, dám nghĩ bàn? Đọc kinh Dặn Ngày nhập diệt, phân minh: “Lời nào hữu lư, hợp tình.. mới tin!” Theo phương tiện, (lại) tùy duyên Bề ngoài Đốn, Tiệm, Thực, Quyền, khác đâu! Chấp chi sắc tướng, khổ cầu Đơn Hà thiêu tượng gỗ.. ngầu (thật) thôi! Thiện Tài nút lưỡi, hôn môi, Bởi tham, ái, dục diệt rồi,, có sao!! 29/01/03 #49/01 Thơ Dương Huệ Anh có giọng điệu cảm khái của những kẻ sinh bất phùng thời hay nhưng kẻ đầu thai lầm thế kỷ (nói theo thi bá Vũ Hoàng Chương). Thơ ông không dùng ngôn ngữ bóng bẩy cầu kỳ. Ngôn ngữ trong thi ca của ông bình dị và trong sáng như một khối ngọc lưu ly. Hơn thế nữa, tình ư trong thơ rất chân thành và thắm đuợm. Xin đọc bài Đời Phải Là Thơ. ĐỜI PHÀI LÀ THƠ? Đời đâu có phải chỉ là thơ? Thực tế, trăm, ngàn chuyện phải lo! Cơm áo, sao cho no với ấm, Xác hồn, nào biết hữu hay vô? Gia đình, tổ quốc, bao hoài niệm, Vọng động, tham sân..chẳng bến bờ! Bút múa, thôi tùy theo cảm xúc, Anh hùng vận lỡ, chịu nằm co? 6/7/03 207/03 Nét đặc sắc trong thơ ông là giọng điệu tự trào . Thơ tự trào tức là thơ tự chê mình; đó là một lối thơ cảm khái đặc biệt mà các bậc sĩ phu nước ta thường dùng để nói lên cái bất lực của mình trước tình đời đen bạc, trong xã hội lố lăng, trước thời thế nhiễu nhương v.v... Chính lối thơ tự trào làm cho hơi thơ tiên sinh phóng khoáng hơn, tình ư hào sảng hơn. Xin đọc bài Chủ Hay Tớ? : CHỦ HAY TỚ ? Xứ nhà làm chủ, sướng ghê a! Từ xóm làng, thôn..đến quốc gia. Kẻ dạ. người thưa..vòng nội, ngoại, Người đưa, kẻ rước, chỗ gần xa. Bạc tiền rủng rỉnh, mê, nhiều mợ, Uy lực đằng đằng, sợ, các cha! Đôi lúc làm tàng, sinh độc đoán, Bị đời nguyền rủa, phố phường la.. Xứ người làm chủ, nặng đầu ghê. Bận rộn, từ cao đến thấp tè! Kẻ thụi, người đâm..ai lại thích? Người thoi, kẻ chích..”trự” nào mê! Ít tiền, ít bạc..sao làm mạnh? Vô lực, vô quyền, dễ bị chê! Lớn, nhỏ, dọc, ngang..làm(mọi) việc, Hơn gì nhỉ, mấy chú cu-li ! 12/02/03 # 78/03 Đã tự trào, đã tự mình nhìn sâu vào cảnh ngộ và ư tình của mình, Dương Huệ Anh ngại ngùng gì mà không xét đoán cái bát nháo, dở hơi của cái xã hội chung quanh ông. Xin đọc bài Thuyền Nát Đòi Đi Biển: THUYỀN NÁT ĐÒI ĐI BIỂN Thuyền nát đòi đi biển, lạ không! Một cuồng, hai dốt..có ai mong? Toàn là đệ tử ngu..và biếng, Rặt những thày cô bướng..lai ngông. Luyện tập không lo, lo biểu diễn, Tôi rèn chẳng thích, thích bông lông. Thôi về, vui với trăng đầu núi, Tháng bẩy, hoa quỳnh đợi, nở bông. 22/02/03 # 95/03 Nhưng đặc sắc hơn cả là những bài đạo ca sáng lộng lẫy ánh đạo vàng và bát ngát các mùi hương chiên đàn, trầm thủy. Qua những bài nầy, độc giả mới vững bụng rằng đây là lẽ sống nhiệm mầu của tiên sinh, do thiện nghiệp và tuệ căn đưa tới. Những bài đạo ca ấy tạo nên một căn bản sinh hoạt vững vàng, một lẽ sống an lạc thân tâm cho tiên sinh vào buổi hoàng hôn cuộc đời. Xin đọc bài Giả Hợp và bài Pháp Không Hai. Chính bài sau chứng tỏ căn bản sở tri thâm hậu về Phật pháp của nhà thơ Dương Huệ Anh: Phật giáo đặt trên nền tảng tinh thần bất nhị, còn gọi là tinh thần Bát-nhã (le non-deux, le non-dualisme). GIẢ HỢP Đã biết thân này giả hợp thôi, Đủ duyên: hiện hữu, rã: tan rời. Khi tồn thân xác, còn đau, bệnh, Lúc trút hồn-linh, hết khóc, cười! Sự thế lăng nhăng, sao luyến tiếc? Chuyện người điên đảo, chẳng buồn vui! Bại, thành..cũng một duyên sinh, diệt, Ánh đạo từ, tâm nguyện chiếu soi! 4/02/03 #63/03 PHÁP KHÔNG HAI Thế nào là Pháp không-hai? Ấn Tông đàn chủ hỏi ngài Huệ Năng. Niết Bàn kinh dẫn, giảng rằng Thiện căn, thường với vô thường, đối nhau.. Tánh (hay) tâm một, trước, sau, Thế nên chẳng đoạn (diệt), Pháp màu Không-Hai! Thiện và Bất thiện,- nói đời, Không thiện, Bất thiện, -một trời Chân Như! 13/5/03 # 157/03 ........... Năm 2003, tức là năm thứ ba của tân thiên kỷ, mảnh vườn hồng của Dương Huệ Anh là một cõi ngự uyển thịnh phóng rất nhiều bông hoa. Với 291 bài thơ được sáng tác đều đặn và cần mẫn trong vòng 12 tháng, tiên sinh có thể dùng làm một hiến lễ mùa thơ rất đẹp, rất đáng trân quý cho khách yêu thơ. Ở hải ngoại, những thi nhân có mạch sáng tác dòi dào nhất phải kể: Tuệ Nga, Cao Mỵ Nhân, Huệ Thu, Sương Mai, Ngô Minh Hằng, Hà Huyền Chi, Dương Huệ Anh, Du Tử Lê, Phương Triều... Có lẽ tiên sinh đứng hàng đầu về lượng. Còn về phẩm thì mỗi người có một sở trường riêng, một nét độc đáo riêng. Tuy nhiên, Dương Huệ Anh vẫn là một tiếng thơ thời thế . Nếu ngày xưa, qua tiếng thơ thời thế, thi hào Victor Hugo đã được giới yêu thi ca tặng cho ông ta là Lécho du siècle (tiếng đồng vọng của thế kỷ). Vậy thì hôm nay, trên thi đàn(Việt Nam) ở hải ngoại, Dương Huệ Anh cũng có thể nhận lãnh cái danh dự ấy lắm chứ. Hồ Trường An-Paris, 04/02/2004 |
|||||||||||||||