Số ra ngày 01/04/2006: Đông Xuan 2006 |
đọc/nghe | |
NHẠC SĨ PHẠM ÐỨC HUYẾN VỚI NHỮNG THÀNH TỰU TRONG THẦM LẶNG | |
NHẠC SĨ PHẠM ÐỨC HUYẾN VỚI NHỮNG THÀNH TỰU TRONG THẦM LẶNG Nhạc sĩ Phạm Ðức Huyến là một khuôn mặt rất quen thuộc trong sinh hoạt cộng đồng vùng Vịnh San Francisco, California. Tháng 05/2002, cùng với nhà thơ Song Linh, tôi gặp anh lần đầu tại cơ sở sản xuất CD Hương Quê (Huong Que Production), 4072 Monterey Rd, San Jose. Tôi mến mộ anh ngay từ lúc ấy không hẳn vì những đóng góp, cống hiến lớn lao của anh trong Thánh Nhạc, nói riêng và âm nhạc hải ngoại, nói chung mà vì tính khiêm nhường, đức độ và tinh thần phục vụ cộng đồng của anh. Cho dù đã có nhiều bài viết về anh nhưng tôi vẫn muốn đề cập đến anh như một nhạc sĩ nỗ lực trong âm thầm và đạt những thành tựu trong thầm lặng. Nhạc sĩ Phạm Ðức Huyến, một trong những nhạc sĩ đa năng đa hiệu, là nhạc sĩ sáng tác, anh vừa phổ nhạc cho những nhà thơ, vừa viết Thánh Nhạc, vừa là nhạc sư đào tạo ca trưởng và cũng là người chủ trương phát huy âm nhạc Việt Nam tại hải ngoại, đồng thời hội nhập vào dòng nhạc Hoa Kỳ và thế giới. · Nhạc sĩ của những nhà thơ. Từ ngày cộng tác với Hội Văn Học Nghệ Thuật San Jose, Nhạc sĩ Phạm Ðức Huyến viết khá nhiều về Tình Ca. Riêng những tình khúc cũng đã hơn 100 bản phổ từ thơ của các thi sĩ Ngọc An, Hoàng Xuyên Anh, Hà Ngọc Lân, Nguyên Phương, Băng Tâm, Thiện Tâm, Hoàng Ngọc Văn, Minh Viên, Song Linh, Sương Mai, Việt Bằng, Thảo Chi và Ngọc Thủy ... Trong số này có các bài: “ Ánh Mắt Tình Nhân, Anh Bỏ Ra Ði, Bài Thơ Của Tôi ,Bến Sông Trăng, Buồn Trong Cơn Mê, Còn Nửa Vầng Trăng, Hát Trong Ðêm Ðen, Hát Dưới Bóng Trường Sơn, Hát Bên Bờ Thái Bình, Hãy Cho Anh, Lắng Tiếng Ru Ðêm (hợp ca), Mong Manh Như Giọt Nắng, Mừng Em Sinh Nhật, Phải Chi Có Huế, Quanh Ðây Là Anh Em. Say Trăng, Saigon Vào Hạ, Tên Con Từ Huyền Thoại, Tháng Chín Của Em, Trăng ... Trong những bài thơ phổ nhạc, có nhiều bài được các hãng sản xuất CD Hoa kỳ thu và phát hành rộng rãi: - Bài Liberty và When can I be reunited with my mother, lời Anh của Minh Viên, nhạc của Phạm Ðức Huyến, được hãng Hilltop Records thâu vào đĩa Album America - Bài “A Former Photograph” thơ Ngọc An, Duy Tưởng dịch sang Anh Ngữ và bài Homeland Love, thơ Hoàng Ngọc Văn, Ngô Ða Thiện dịch, hãng đĩa Amerecords thâu và phát hành. Ngoài ra, nhạc sĩ Phạm Ðức Huyến cũng được mời tham dự một số album nhạc khác như “Country Magic” của Hilltop Records và hãng Hollywood Stars Music Productions. Nhà sản xuất đĩa nhạc Tom Hartman đã có nhận định sâu sắc về nét nhạc của nhạc sĩ Phạm Ðức Huyến qua 2 bài Liberty và When Can I Be Reunited with My Mother? “The musicians and arrangers have all told me how much they appreciate “Liberty”. We feel sure that “Liberty” will be a highlight of the album. We think your material is excellent.” * Nhạc sĩ viết Thánh Nhạc. Nhạc sĩ Phạm Ðức Huyến đã viết trên 300 bản Thánh Ca mà nhiều bản đã nổi tiếng: - Bản Hiến Lễ Tinh Tuyền, hợp ca nhiều bè, đã được hát trong lễ Tôn Phong Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam tại Rôma năm 1988.. - Thập Tự Vinh Quang, Chuỗi Ngọc Vàng Kinh. - Trinh Vương Maria, Liên Ca Khúc Maria, Suối Hồng Ân. - Bên Hang Ðá Bêlem, Lễ Vật Dâng Chúa - Tuyển tập tôn vinh Mẹ La Vang, đã phát hành hơn 25,000 cuốn phổ biến khắp nơi thế giới để kỷ niệm 200 năm Ðức Mẹ hiện ra ở La Vang. Gần đây, nhạc sĩ Phạm Ðức Huyến và Linh mục nhạc sĩ Ðỗ Bá Công phổ nhạc những lời cầu nguyện của Hồng Y Nguyễn Văn Thuận trong CD nhan đề “Liên Ca Khúc Lời Kinh Nguyện Cầu” được trình bày bởi Ban Hợp Xướng Hương Kinh với sự cộng tác của các ca-sĩ Khánh Ly, Ngọc Hiếu, Yên Ly và Thiên An. CD naỳ đã được Hương Quê Production phát hành trung tuần tháng 8/2002. Sau khi được Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận ủy thác, nhac sĩ Phạm Ðức Huyến và Linh Mục nhạc sĩ Ðỗ Bá Công đã miệt mài phổ nhạc những lời cầu nguyện trong cuốn sách “Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá” mà Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã viết về cuộc dời của Ngài trong lao tù. Cuốn sách từ tiếng Việt đã được dịch sang hơn mười thứ tiếng. Chín bản nhạc trong cuốn sách này làm thành Liên Ca Khúc Lời Kinh Nguyện Cầu đã được soạn thật công phu dưới hình thức đơn điệu và hợp xướng. CD Liên Ca Khúc Lời Kinh Nguyện Cầu đang được khắp nơi đón nhận nồng nhiệt đã nói lên giá trị đích thực của một công trình sáng tác của nhạc sĩ Phạm Ðức Huyến và Linh Mục nhạc sĩ Ðỗ Bá Công. Linh mục Vũ Liễu linh hướng các ca đoàn trong Giáo xứ Việt Nam tại St. Patrick, giáo phận San Jose, đã có nhận xét rất chính xác khi phát biểu: “Tài năng âm nhạc của thầy Phạm Ðức Huyến thật dồi dào, đặc biệt trong lãnh vực Thánh Nhạc. Hơn nữa thầy lại hào phóng, không cất giữ cho riêng mình mà sẵn sàng san sẻ với những người khác. Thực vậy, thầy đã dùng tài năng Chúa ban để làm lợi cho Chúa.” · Nhạc sư đào tạo các ca trưởng Nhạc sư Phạm Ðức Huyến đến với âm nhạc từ thủa thiếu thời và được cố nhạc sư Hải Linh, danh tài của nền Thánh Nhạc Việt Nam, tận tình hướng dẫn. Năm 1973, anh tốt nghiệp thủ khoa khóa ca trưởng Saigon. Năm 1982, thay thế nhạc sư Hải Linh, người thầy và người chú thân thương, nhạc sư Phạm Ðức Huyến tiếp tục dạy các lớp ca trưởng tại Saigon để nhạc sư Hải Linh có thể chuyên tâm vào việc biên soạn các bản trường ca. Trong 8 năm hoạt động thầm lặng, nhạc sư đã hoàn tất 37 khóa đào tạo ca trưởng cấp 1, 2, 3 và một lớp Sáng Tác Ca Khúc trước khi đi định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O vào tháng 9/1990 Từ 1991 đến 2001 nhạc sư Phạm Ðức Huyến tiếp tục mở các lớp đào tạo ca trưởng cấp 1, 2, 3 tại Carthage, (Missouri), Dallas, Houston, Fort Worth, (Texas), Chicago, New Jersey, Philadelphia, Portland (Oregon) và San Jose. Trung tuần tháng 11/2001, một khóa ca trưởng cấp Ba được tổ chức tại San Jose, theo nhạc sĩ Lê Hà, học viên lớp này cho biết, đây là khóa cao nhất của chương trình đào tạo ca trưởng, 13 nhạc sĩ dày kinh nghiệm điều khiển các ca đoàn từ các tiểu bang Hoa Kỳ được lựa chọn về thụ huấn khóa học này. Giảng khóa nhằm đào sâu về phân tích hòa âm, sử dụng nhạc cụ và điều khiển dàn đại hợp xướng và dàn nhạc hòa tấu. Ðể tốt nghiệp, mỗi khóa sinh phải trình bày một tiểu luận về âm nhạc. Song song với chương trình tổ chức các khóa ca trưởng nhạc sư Phạm Ðức Huyến đang thực hiện bộ DVD dạy về “Kỹ thuật Ðiều Khiển Hợp Ca” cấp 1,2,3. Qua công việc đào tạo các ca trưởng, nhạc sư Phạm Ðức Huyến còn mở các lớp sáng tác ca khúc và đã huấn luyện được một số môn sinh về sáng tác trong số này có những nhạc sĩ trẻ đầy triển vọng như Vũ Ðình Ân, Lê Hà, Ân Ðức... · Người chủ trương phát huy âm nhạc Việt Nam tại Hải ngoại, đồng thời hội nhập vào dòng nhạc Hoa kỳ và Quốc tế. Dòng Thánh Nhạc, đặc biệt trong Liên Ca khúc LỜI KINH NGUYỆN CẦU, nhạc sĩ Phạm Ðức Huyến đã dùng những giai điệu mang nhiều màu sắc dân tộc như Ngũ Cung, Bình Ca phối hợp với Thất Âm. Tiếng ca kết hợp với tiếng sáo, tiếng đàn bầu hòa quyện với đàn tranh nói lên tình tự dân tộc. Vì vậy Liên Ca Khúc Lời Kinh Nguyện Cầu được coi là một đóng góp đáng kể trong nền Thánh Nhạc Việt Nam ở hải ngoại. Sống ở Hoa Kỳ, một đất nước đa chủng, đa văn hóa, nhạc sĩ Pham Ðức Huyến chủ trương hội nhập với dòng nhạc Hoa Kỳ và Quốc tế. Anh đã dành ra hơn 5 năm để nghiên cứu về các thể loại âm nhạc ở Hoa Kỳ cùng với những kỹ thuật sáng tác, hòa âm và điều khiển dàn nhạc. Ðiển hình là sau đó anh đã sáng tác và phổ thơ tiếng Anh của một số thi sĩ Việt Nam như thi sĩ Minh Viên, hội viên của Hội Thơ Quốc Tế, người có nhiều bài thơ tiếng Anh được chọn lựa làm giáo trình cho các viện Ðại Học Mỹ, như những bài Liberty, The River, Salty Tears, Thank You God, Whom Can People Ask? Hoặc như những bài thơ tiếng Anh của nhà thơ Hoàng Ngọc Văn, nhà thơ Ngọc An, nhà thơ Song Linh, nhà thơ Ðoàn Thanh Liêm, tiến sĩ Dư Phước Long... được phổ thành ca khúc đã và đang được các hãng đĩa Hollywood ký hợp đồng đưa vào các Album Star Route U.S.A, Country at Heart, The Music of Christmas, Gospel Millennium Celebration ... Riêng với thi sĩ Minh Viên, gần ba mươi bài thơ tiếng Anh đã được nhạc sĩ Phạm Ðức Huyến soạn thành ca khúc và trên mười bài được hai hãng đĩa Mỹ Hilltop Records và Amerecords ở Hollywood ký hợp đồng cho các Album Country Magic, Star Route U.S.A, America At War, Color Me... đã và đang được phát hành rộng khắp nơi. Với những nỗ lực của nhạc sĩ Phạm Ðức Huyến , những tâm tư tình cảm của các thi sĩ Việt Nam cũng như những suy tư của họ về đất nước Việt Nam đã đến với người bản xứ và cộng đồng quốc tế qua lãnh vực âm nhạc. Ðó là một việc đáng khích lệ và cũng là niềm hãnh diện cho cộng đồng Việt Nam có được một nhạc sĩ viết nhạc Mỹ cho chính ca sĩ Mỹ hát, dàn nhạc của Mỹ chơi và hãng đĩa của Mỹ phát hành. Theo anh, sự nghiên cứu âm nhạc Mỹ không chỉ giới hạn trong một thời gian nào đó mà là một công việc lâu dài mới rút ra được những tinh túy của âm nhạc nước người, từ đó có thể lựa chọn những gì thích hợp với ngôn ngữ và âm nhạc nước mình mà vẫn hội nhập được với dòng nhạc Hoa Kỳ (mainstream). Nói về một nhạc sĩ là nói đến những nhạc phẩm, những đóng góp của nhạc sĩ đó, nói cách khác nhạc sĩ được đánh giá qua những nhạc phẩm của chính mình. Nếu vậy, những đóng góp của nhạc sĩ Phạm Ðức Huyến thật phong phú cả về lượng và phẩm. Anh là một khuôn mặt thật rõ nét trong nền âm nhạc Việt Nam hải ngoại. Những nhạc phẩm của anh thật đa dạng, ngoài Thánh Nhạc, còn có những nhạc phẩm viết về tình yêu, - tình yêu cá nhân và tình yêu quê hương. Tôi đến thăm nhạc sĩ Phạm Ðức Huyến nhiều lần, lần nào cũng thấy anh đang sáng tác nhạc trước computer trong căn phòng làm việc không rộng lắm nhưng trang bị đầy đủ các nhạc cụ của một dàn nhạc và máy móc, trong đó có có một dàn computer gồm cả máy copy CD, tường cách âm thuận lợi cho việc thu và phát nhạc. Dòng nhạc của anh kết hợp những âm thanh tuyệt vời và rất nhân bản, đôi khi tôi tưởng là những tín hiệu đến từ một giải Ngân Hà nào tuy rất xa nhưng lại rất gần gũi với mình. Sau khi ra về, tôi nhớ mãi lời nói của anh khi tiễn chân tôi: “ I start in silence and then I have to grow into silence.” VIỆT BẰNG | |