Số ra ngày 01/04/2006: Đông Xuan 2006 |
trình bày/góp ý | |
LƯU NGUYỄN ÐHẠT, KẺ NỖ LỰC TRUY TẦM THẤT TUNG VĂN CHƯƠNG NGƯỜI KHÁC | |
LƯU NGUYỄN ÐHẠT, KẺ NỖ LỰC TRUY TẦM THẤT TUNG VĂN CHƯƠNG NGƯỜI KHÁC DU TỬ LÊ - đăng lúc 06:12:05 PM, Jul 24, 2005 Ngày xưa, thời còn trẻ, sau khi đọc Ði Tìm Thời Gian Ðánh Mất của Marcel Proust1, tôi nghĩ: “văn chương, dưới kênh, dạng nào, cũng là hành trình lao lung, gập ghềnh của Nhà văn tìm lại chính mình.” Những ngày luân lạc quê hương người, tôi thấm thía thêm, ý niệm đìu hiu này. Nhưng, gần đây, từ ngày được xem, đọc tranh, tượng, thơ, văn Lưu Nguyễn Ðhạt, quan niệm trên của tôi, có phần khập khiễng. Tính phức-hợp hay, đa-trùng-bản-ngã2 của Lưu Nguyễn Ðhạt, bắt tôi phải nhìn lại. Qua Lưu Nguyễn Ðhạt (và, một vài trường hợp khác) tôi thấy, Lưu không chỉ đi tìm chính mình. Lưu còn hăm hở/chân thành/náo nức đi tìm những thất lạc (qua văn chương) kẻ khác. Tôi biết, không ít người, đã chẳng ngần ngại “cliché” Lưu Nguyễn Ðhạt, bằng những hình ảnh lố bịch; và, những mũi đinh nhọn hoắt biếm nhẽ ... Cá nhân, tôi thấy Lưu Nguyễn Ðhạt đáng quý, trọng. Lưu Nguyễn Ðhạt đáng quý, trọng ở chỗ: Hành trình của Lưu không chỉ là hành trình lao lung, gập ghềnh đi tìm chính mình. Mà, Lưu còn lao lung, gập ghềnh đi tìm chân dung thất lạc, kẻ khác. Lưu Nguyễn Ðhạt đáng quý, trọng ở chỗ: Khi nỗ lực truy tầm văn chương thất tung, kẻ khác; sự kiện ấy, cũng đồng nghĩa với nỗ lực mở cửa, bước vào nhà-chung, nhân loại, nơi Lưu. Cá nhân, tôi vẫn nghĩ, nhà văn, người làm công tác văn học nghệ thuật, dù kênh, dạng nào, tiếng tăm cách mấy, được ngợi ca đến đâu, cũng không hề lớn lao, nếu tâm họ không vượt, thoát khỏi lằn ranh địa lý. Họ chỉ lớn trong vòng phấn cận thị của chính họ. Cá nhân, tôi vẫn nghĩ, sự mở lòng, chấp nhận kẻ khác, đã đáng kể, khi kẻ khác kia, theo định nghĩa của Jean Paul Sartre, là địa ngục3. Huống chi kẻ đi ngược lộ trình (văn chương) kẻ khác, để truy tầm thất lạc, người. Từ đó, tôi thấy, cái tâm, thái đầy tình nhân loại của Lưu Nguyễn Ðhạt, mới đáng quý, đáng trọng biết bao. Tôi nghĩ, sẽ quá sớm, cho bất cứ kẻ nào, trong chúng ta, hôm nay, đề cập tới thành công / thất bại của Lưu Nguyễn Ðhạt, trước chủ tâm mở đường, trước nỗ lực khai phá của Lưu. Chúng ta chỉ có thể ghi nhận, ở lãnh vực này, lãnh vực khai phá, mở đường truy tầm những trầm tích văn chương, kẻ khác, Lưu Nguyễn Ðhạt, chính là người đang nêu cao ngọn cờ thao thiết, nhập với năm châu; nếu đó là điều tôi được phép nói. DU TỬ LÊ 1Marcel Proust, A la Recherche du Temps Perdu 2Có lẽ vì lý do đó mà có hiện tượng Lưu Nguyễn Ðhạt (có “H”) khi sáng tác và Lưu Nguyễn Ðạt (không “H”) khi làm Văn Luận. 3L’enfer, c’est les autres (J.P.S) | |